Fed giảm lãi suất ảnh hưởng đến giá vàng như thế nào? Liệu đây có phải một tín hiệu tốt để đầu tư vàng? Trong bài viết này, ONUS sẽ giúp bạn hiểu rõ cơ chế tác động của lãi suất Fed lên giá vàng, từ đó đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt!
1. Fed là gì? Vai trò của lãi suất Fed đối với nền kinh tế?
Fed là gì?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve – Fed) là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, có quyền kiểm soát chính sách tiền tệ, quản lý cung tiền, điều tiết lãi suất, và giám sát các tổ chức tài chính lớn.
Qua đó, Fed đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu.
Lãi suất Fed là gì?
Lãi suất Fed, hay còn gọi là lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate), là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay qua đêm để đảm bảo đủ tiền dự trữ theo quy định.
Đây là công cụ chính mà Fed sử dụng để điều chỉnh lượng tiền lưu thông và tác động lên toàn bộ nền kinh tế. Mục tiêu chính của việc điều chỉnh lãi suất là kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vai trò của lãi suất Fed đối với nền kinh tế:
- Khi Fed tăng lãi suất: Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát bằng cách làm cho việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn. Điều này khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm xuống, từ đó giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
- Khi Fed giảm lãi suất: Fed giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ suy thoái. Lãi suất thấp khuyến khích vay mượn và đầu tư, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Sự thay đổi của lãi suất Fed có ảnh hưởng lớn đến các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và vàng, cũng như đến các chỉ số tài chính toàn cầu.
2. Mối quan hệ giữa lãi suất Fed và giá vàng
2.1. Fed giảm lãi suất ảnh hưởng đến giá vàng như thế nào?
Khi Fed giảm lãi suất, giá vàng thường có xu hướng tăng.
Có hai lý do chính dẫn đến sự tăng giá của vàng khi lãi suất Fed giảm:
- Lợi suất các tài sản như trái phiếu chính phủ giảm: Điều này khiến cho nhà đầu tư rút vốn và chuyển hướng sang các tài sản khác có thể bảo toàn giá trị tốt hơn trong thời điểm lãi suất thấp, điển hình là vàng. Vàng không mang lại lợi suất dưới dạng lãi hoặc cổ tức, nhưng lại là một tài sản “trú ẩn an toàn” trong bối cảnh bất ổn kinh tế và khi lãi suất thấp.
- Sự suy yếu của đồng USD: Lãi suất thấp làm giảm giá trị của USD vì các nhà đầu tư thường rút khỏi đồng tiền này để tìm kiếm lợi suất cao hơn ở các đồng tiền hoặc tài sản khác. Vàng là tài sản được định giá bằng USD, lúc này trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác, từ đó thúc đẩy nhu cầu mua vàng và làm tăng giá trị của nó trên thị trường quốc tế.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), những thời kỳ Fed cắt giảm lãi suất thường là thời điểm mà vàng được hưởng lợi mạnh nhất. Hãy tiếp tục theo dõi mục 3 của bài viết để xem chi tiết diễn biến của giá vàng qua các giai đoạn Fed giảm lãi suất trong lịch sử.
2.2. Nếu Fed tăng lãi suất thì vàng tăng hay giảm?
Khi Fed tăng lãi suất, giá vàng thường có xu hướng giảm.
Nguyên nhân là do:
- Lợi suất các tài sản như trái phiếu chính phủ tăng: Tài sản có lợi suất cao hơn như trái phiếu, cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, vì chúng mang lại mức lợi nhuận cao hơn so với vàng. Điều này làm giảm nhu cầu đối với vàng, dẫn đến việc giá của kim loại quý này giảm.
- Đồng USD mạnh lên: USD mạnh lên khi lãi suất tăng. Việc Fed tăng lãi suất thường làm cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc “đồng bạc xanh” tăng giá. Khi USD mạnh lên, giá vàng trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng đồng tiền khác, làm giảm nhu cầu mua vàng và gây áp lực giảm giá lên kim loại này.
Tóm lại, mối quan hệ giữa lãi suất Fed và giá vàng thường đối nghịch nhau. Khi Fed giảm lãi suất, giá vàng có xu hướng tăng do lợi suất tài sản an toàn giảm và đồng USD suy yếu, làm tăng nhu cầu đối với vàng. Ngược lại, khi Fed tăng lãi suất, giá vàng thường giảm do nhà đầu tư chuyển sang các tài sản có lợi suất cao hơn như trái phiếu và USD mạnh lên, làm giảm sức hấp dẫn của vàng trên thị trường quốc tế.
3. Fed giảm lãi suất ảnh hưởng đến giá vàng thế nào qua các thời kỳ?
Dưới đây là bảng tóm tắt một số mức tăng đáng chú ý của giá vàng trong vòng 48 giờ sau khi Fed quyết định giảm lãi suất:
3.1. Giá vàng và lãi suất Fed trong giai đoạn 2007-2008:
Giai đoạn từ năm 2007 đến 2008 chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với đỉnh điểm là sự sụp đổ của Lehman Brothers (Ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ) vào tháng 9/2008. Để đối phó với khủng hoảng, Fed đã liên tục cắt giảm lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế.
Bảng số liệu cho thấy, Fed đã cắt giảm lãi suất vào ngày 18/09/2007, giảm 0,5 điểm phần trăm, khiến giá vàng tăng 280% chỉ sau 48 giờ. Tiếp theo, vào ngày 30/01/2008 và 16/12/2008, Fed tiếp tục giảm lãi suất lần lượt là 0,5 và 1 điểm phần trăm, kéo theo giá vàng tăng 207% và 203%.
Những đợt cắt giảm này phản ánh sự mất niềm tin vào hệ thống tài chính, khi nhà đầu tư đổ xô vào vàng để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Vàng trở thành tài sản được ưa chuộng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái sâu sắc.
3.2. Giá vàng và lãi suất Fed trong giai đoạn 2020:
Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế nghiêm trọng. Để chống lại sự suy giảm kinh tế, Fed đã thực hiện các biện pháp chưa từng có, bao gồm việc cắt giảm mạnh lãi suất.
Vào ngày 03/03/2020, Fed hạ lãi suất 0,5%, giá vàng phản ứng nhanh chóng với mức tăng đột biến lên đến 279% sau 48 giờ. Tiếp đó, vào ngày 16/03/2020, Fed tiếp tục giảm 1%, đẩy giá vàng tăng thêm 74%. Trong bối cảnh đại dịch, khi thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro lao dốc, nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm sự an toàn từ vàng, khiến giá của kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục.
3.3. Giá vàng và lãi suất Fed trong giai đoạn 2024:
Vào ngày 18/9/2024, sau 4 năm duy trì chính sách lãi suất cao, Fed đã quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau cuộc họp FOMC (Federal Open Market Committee – Ủy ban Thị Trường mở liên Bang), đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát đang giảm dần và lo ngại về sự yếu kém của thị trường lao động gia tăng.
Sau quyết định này, giá vàng thế giới tăng gần 30 USD, lên mức 2.596 USD/oz ngay trong phiên giao dịch ngày hôm đó và tăng 50% chỉ trong 48 giờ. Không dừng lại ở đó, giá vàng còn liên tục chạm đỉnh mới trong tháng 9/2024. Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự tăng vọt này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tác động dài hạn của chính sách tiền tệ nới lỏng đối với thị trường tài chính.
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán ACB cũng nhận định rằng, khi Fed hạ lãi suất, lo ngại về lạm phát trong tương lai có thể diễn ra, làm cho giá vàng tăng, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng. Ngoài ra, các tài sản có độ mạo hiểm cao như chứng khoán hay crypto thường sẽ tăng giá do chi phí vay vốn thấp. Ngược lại, các tài sản an toàn hơn như trái phiếu sẽ có xu hướng giảm giá.
4. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng khi Fed giảm lãi suất
4.1. Lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD:
Khi Fed giảm lãi suất, giá vàng thường chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố quan trọng, trong đó lợi suất trái phiếu Mỹ và sức mạnh của đồng USD đóng vai trò đáng kể.
- Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khiến nhà đầu tư tìm kiếm những tài sản thay thế có khả năng bảo toàn giá trị tốt hơn, như vàng. Lợi suất trái phiếu thấp làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản tài chính mang lại thu nhập cố định, khiến các nhà đầu tư đổ vào vàng nhiều hơn, từ đó đẩy giá vàng lên cao.
- Đồng USD suy yếu khi Fed cắt giảm lãi suất cũng tạo điều kiện cho giá vàng tăng. Vàng được giao dịch bằng USD trên thị trường quốc tế, vì vậy khi đồng USD mất giá, vàng trở nên rẻ hơn đối với các quốc gia sử dụng các loại tiền tệ khác, làm tăng nhu cầu mua vàng trên toàn cầu.
4.2. Nhu cầu vàng vật chất từ các ngân hàng trung ương và châu Á
Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất từ các ngân hàng trung ương và các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ có tác động lớn đến giá vàng. Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định rằng, giá vàng tăng không chỉ do lãi suất Fed giảm, mà còn do các yếu tố khác như cung cầu thị trường, điển hình phải kể đến việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng mua vào, khiến giá vàng tăng giai đoạn đầu năm 2024.
Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những quốc gia dự trữ vàng nhiều nhất thế giới. Ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia cũng thường mua vàng dự trữ để giảm thiểu rủi ro khi lãi suất đồng tiền pháp định giảm, đặc biệt là trong giai đoạn lãi suất thấp hoặc có xu hướng tăng lạm phát. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ vàng cũng tăng mạnh vào các thời điểm lễ hội, mùa cưới, và khi có biến động kinh tế. Những yếu tố này đã tạo nên sức ép lớn lên nguồn cung vàng, làm cho giá của kim loại quý này liên tục tăng mạnh khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.
→ Bài viết hữu ích: Giá vàng hôm nay tăng hay giảm? 5 yếu tố kinh tế – chính trị tác động đến giá vàng.
5. Dự đoán giá vàng và ảnh hưởng của lãi suất Fed lên giá vàng trong tương lai
Dưới đây là bảng tóm tắt dự đoán giá vàng đến năm 2030:
5.1. Dự đoán giá vàng ngắn hạn (Cuối 2024):
Vào cuối năm 2024, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục dao động trong khoảng từ 2.000 đến 2.900 USD/oz.
Sau quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, các chuyên gia như Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, dự đoán rằng Fed có thể tiếp tục giảm lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho giá vàng duy trì ở mức cao.
Goldman Sachs và Bank of America cũng ủng hộ xu hướng này, cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng do những bất ổn kinh tế toàn cầu và chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
5.2. Dự đoán giá vàng trung hạn (2025):
Trong năm 2025, dự báo giá vàng có thể dao động từ 2.300 đến 3.000 USD/oz
Mức dự báo này được đưa ra do các chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu vàng vật chất tăng cao từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia từ UBS – ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ và Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council) cũng cho rằng tình hình địa chính trị bất ổn, đặc biệt là căng thẳng ở Trung Đông và giữa các quốc gia châu Âu, sẽ khiến nhà đầu tư đổ tiền vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Ngoài ra, Fed dự kiến tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, điều này có thể đẩy giá vàng lên cao.
5.3. Dự đoán giá vàng dài hạn (2026 trở đi):
Từ năm 2026 trở về sau, giá vàng có thể dao động từ 1.600 – 3.000 USD/oz, tùy thuộc vào tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Ole Hansen, trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, dự báo rằng nếu lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, vàng sẽ giữ vững vị thế là một trong những tài sản đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, nếu lạm phát được kiểm soát tốt và nền kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ, giá vàng có thể giảm xuống mức thấp hơn.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các biến cố địa chính trị tại các khu vực chiến lược như Trung Đông và Đông Âu có thể tiếp tục là yếu tố làm biến động giá vàng. Chính sách lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng giá vàng dài hạn.
6. Lời khuyên cho nhà đầu tư vàng trước những biến động của lãi suất Fed
Để duy trì sự linh hoạt và kiểm soát rủi ro hiệu quả trong bối cảnh thị trường vàng biến động do các chính sách tiền tệ mới của Fed, nhà đầu tư nên cân nhắc một số lời khuyên dưới đây, được tổng hợp từ các chuyên gia tài chính hàng đầu:
6.1. Chiến lược đầu tư vàng trong bối cảnh Fed giảm lãi suất
- Kiên nhẫn và theo dõi các chỉ số kinh tế: Theo dõi sát sao các thông báo từ Fed và tình hình kinh tế toàn cầu là chìa khóa để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý. Bà Lindsey Bell, chiến lược gia đầu tư tại Ally Invest, nhấn mạnh rằng nhà đầu tư nên kiên nhẫn và dựa trên các chỉ số kinh tế để điều chỉnh chiến lược.
- Mua vàng trong các đợt điều chỉnh ngắn hạn: Giá vàng thường có những đợt điều chỉnh trong ngắn hạn, và những thời điểm này có thể là cơ hội tốt để mua vào. Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích tại Kitco News, khuyên nhà đầu tư tận dụng các đợt giảm giá ngắn hạn khi vàng tạm thời điều chỉnh để tối ưu hóa lợi nhuận.
- Tận dụng sự biến động ngắn hạn: Sự biến động của giá vàng trong giai đoạn Fed giảm lãi suất có thể tạo ra những cơ hội giao dịch ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ như hợp đồng tương lai và quỹ ETF để tận dụng sự biến động này.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Việc đầu tư vào vàng nên chỉ là một phần trong chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư tổng thể. Greg McBride, chuyên gia tài chính tại Bankrate, nhấn mạnh rằng không nên đặt tất cả vào một loại tài sản duy nhất, mà cần phân bổ vốn vào nhiều kênh khác nhau để giảm thiểu rủi ro.
Bạn có thể tham khảo tỷ lệ phân bổ vốn vào vàng như sau:
- Chú ý đến biến động của đồng USD: Đồng USD có mối liên hệ nghịch đảo với giá vàng. Khi đồng USD giảm, giá vàng có xu hướng tăng và ngược lại. Nhà đầu tư cần theo dõi sát sao biến động của USD để điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp.
6.2. Chiến lược đầu tư vàng trong bối cảnh Fed tăng lãi suất
Ngược lại, khi Fed tăng lãi suất, giá vàng thường chịu áp lực giảm do sức hấp dẫn của các tài sản sinh lãi cao như trái phiếu và USD tăng lên. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần thận trọng hơn với các chiến lược sau:
- Thận trọng và theo dõi sát sao: Khi lãi suất tăng, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lãi tăng lên. Nhà đầu tư nên thận trọng và theo dõi sát sao các dấu hiệu của thị trường để đưa ra quyết định hợp lý.
- Chờ đợi cơ hội mua vào khi giá giảm: Khi giá vàng giảm do lãi suất tăng, nhà đầu tư có thể chờ đợi các cơ hội mua vào tại các mức giá thấp hơn. Đây là chiến lược mà nhiều chuyên gia khuyến khích, đặc biệt trong các giai đoạn mà giá vàng giảm nhưng vẫn có tiềm năng phục hồi trong dài hạn.
- Phân bổ danh mục đầu tư: Trong bối cảnh lãi suất cao, việc chỉ tập trung vào vàng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Nhà đầu tư cần phân bổ tài sản vào các kênh sinh lời khác như trái phiếu và cổ phiếu, đồng thời duy trì một tỷ lệ hợp lý đầu tư vào vàng để phòng ngừa rủi ro.
Kết luận
Đến đây, ONUS đã cùng bạn khám phá Fed giảm lãi suất ảnh hưởng đến giá vàng như thế nào. Mối quan hệ giữa lãi suất Fed và giá vàng là một yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần nắm vững. Tuy nhiên, quyết định đầu tư cuối cùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hãy luôn theo dõi thị trường và tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đưa ra quyết định đúng đắn!
Khuyến nghị: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải lời khuyên đầu tư!