Ngân hàng nhà nước Việt Nam (viết tắt là NHNNVN hoặc SBV- State Bank of Vietnam) đóng vai trò then chốt trong việc điều hành và quản lý lĩnh vực tài chính, tiền tệ của quốc gia. Với tư cách là ngân hàng trung ương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam không chỉ thực hiện nhiệm vụ phát hành tiền mà còn chịu trách nhiệm điều tiết chính sách tiền tệ, quản lý hệ thống ngân hàng, và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Những chức năng và nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng mà còn tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế của mọi người dân. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá trách nhiệm và vai trò quan trọng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
1. Ngân hàng nhà nước Việt Nam là gì?

Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trước đây là Ngân hàng quốc gia Việt Nam, là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, đồng thời là Ngân hàng Trung ương của nước Việt Nam. Ngân hàng nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối tại Việt Nam.
Đây không phải là một ngân hàng thương mại mà là một tổ chức hoạt động như ngân hàng trung ương của quốc gia, trực thuộc Chính phủ Việt Nam.
2. Lịch sử hình thành và phát triển Ngân hàng nhà nước Việt Nam
2.1. Thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951):
- Trước Cách mạng Tháng 8/1945, hệ thống tiền tệ và ngân hàng do Pháp kiểm soát, phục vụ chính sách thuộc địa, với Ngân hàng Đông Dương đóng vai trò như ngân hàng trung ương.
- Sau Cách mạng Tháng 8, chính quyền cách mạng đặt mục tiêu xây dựng một nền tài chính và tiền tệ độc lập.
- Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với nhiệm vụ phát hành tiền, quản lý tiền tệ, tín dụng và hỗ trợ phát triển kinh tế.
2.2. Đổi tên thành Ngân hàng nhà nước Việt Nam (1961):

- Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tập trung quản lý lưu thông tiền tệ, hỗ trợ kinh tế quốc doanh, và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
- Sau thống nhất đất nước (1975), Ngân hàng nhà nước Việt Nam thanh lý hệ thống ngân hàng cũ ở miền Nam, thu hồi tiền cũ, phát hành tiền mới và phục vụ khôi phục kinh tế.
- Hệ thống vẫn chủ yếu là công cụ của ngân sách, chưa hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
2.3. Chuyển đổi sang mô hình ngân hàng hai cấp (1990):
Năm 1990, hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển đổi sang mô hình hai cấp:
- Ngân hàng Nhà nước: Quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, thực hiện vai trò ngân hàng trung ương.
- Ngân hàng thương mại: Kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
2.4. Hiện đại hóa và hoàn thiện (1990 đến nay):
- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước được bổ sung qua các Luật Ngân hàng (1997, 2010) và các Nghị định của Chính phủ.
- Ngân hàng Nhà nước trở thành cơ quan quản lý tài chính quốc gia, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, và giám sát hệ thống ngân hàng.
3. Chức năng và nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Ngân hàng nhà nước Việt Nam giữ vai trò trung tâm trong quản lý và điều hành hệ thống tài chính, tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế và phát triển bền vững. Các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Ngân hàng nhà nước Việt Nam bao gồm:
3.1. Quản lý và thực thi chính sách tiền tệ:
- Xây dựng chỉ tiêu lạm phát, điều hành lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, và lưu thông tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
- Quản lý chính sách ngoại hối, hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng.
- Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo quyết định thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước quản lý.
- Thống kê, thu thập, lưu trữ và phân tích thông tin về kinh tế, tài chính, tiền tệ và ngân hàng.
3.2. Giám sát và cấp phép:
- Cấp, sửa đổi, thu hồi giấy phép của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.
- Kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng, ngoại hối, và phòng chống rửa tiền.
3.3. Quản lý hệ thống ngân hàng:
- Quản lý hoạt động tín dụng, thanh toán không dùng tiền mặt, và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
- Áp dụng các biện pháp đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng
- Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước.
3.4. Quan hệ quốc tế:
- Đại diện Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Hợp ác Kinh tế Quốc tế (IBEC), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) và các tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế khác.
- Hợp tác quốc tế về tiền tệ, ngoại hối và phòng chống rửa tiền.
3.5. Ổn định hệ thống tài chính:
- Xử lý các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
- Thực hiện các nhiệm vụ của ngân hàng trung ương như phát hành tiền, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
3.6. Quản lý và cải cách:
- Quản lý tổ chức bộ máy, đào tạo nghiệp vụ về tiền tệ và ngân hàng.
- Thực hiện cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng.
4. Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

4.1. Đơn vị hành chính của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Đơn vị hành chính được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ Thống đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và vai trò Ngân hàng Trung ương. Đơn vị hành chính của Ngân hàng nhà nước Việt Nam bao gồm 20 đơn vị:
1- Vụ Chính sách tiền tệ.
2- Vụ Quản lý ngoại hối.
3- Vụ Thanh toán.
4- Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
5- Vụ Dự báo, thống kê.
6- Vụ Hợp tác quốc tế.
7- Vụ Ổn định tiền tệ – tài chính.
8- Vụ Kiểm toán nội bộ.
9- Vụ Pháp chế.
- Vụ Tài chính – Kế toán.
11- Vụ Tổ chức cán bộ.
12- Vụ Truyền thông.
13- Văn phòng.
14- Cục Công nghệ thông tin.
15- Cục Phát hành và kho quỹ.
16- Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
17- Cục Quản trị.
18- Sở Giao dịch.
19- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
20- Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4.2. Đơn vị sự nghiệp của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Đơn vị sự nghiệp được thành lập nhằm mục đích phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:
21- Viện Chiến lược ngân hàng.
22- Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
23- Thời báo Ngân hàng.
24- Tạp chí Ngân hàng.
25- Học viện Ngân hàng.
5. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
5.1. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam là gì?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối. Đây là một vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị và kinh tế của Việt Nam, đóng vai trò xây dựng và thực hiện các chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
5.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Chỉ đạo, điều hành Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp
- Phân công công việc cho các Phó Thống đốc và ủy quyền xử lý công việc cho cấp dưới.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng giao.
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
- Ký các văn bản thuộc thẩm quyền và ủy quyền hoặc phân công một Phó Thống đốc trực điều hành công việc chung của Ngân hàng Nhà nước khi Thống đốc vắng mặt.
5.3. Các đời thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam
STT |
Họ và tên |
Nhiệm kỳ |
Thời gian tại nhiệm |
Chức vụ |
1 |
Nguyễn Lương Bằng |
(3/5/1951 – 10/4/1952) |
343 ngày |
Tổng Giám đốc đầu tiên Ngân hàng Quốc gia Việt Nam |
2 |
Lê Viết Lượng |
(11/5/1952 – 21/1/1960) |
7 năm, 255 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam |
(21/1/1960 – 27/1/1963) |
3 năm, 6 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
||
3 |
Tạ Hoàng Cơ |
(27/1/1963 – 18/8/1964) |
1 năm, 204 ngày |
Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
(18/8/1964 – 28/12/1974) |
10 năm, 132 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
||
4 |
Đặng Việt Châu |
(28/12/1974 – 6/5/1976) |
1 năm, 130 ngày |
Phó Thủ tướng kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
5 |
Hoàng Anh |
(6/5/1976 – 28/2/1977) |
298 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
6 |
Trần Dương |
(28/2/1977 – 20/2/1981) |
3 năm, 358 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
7 |
Nguyễn Duy Gia |
(20/2/1981 – 21/6/1986) |
5 năm, 121 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
8 |
Lữ Minh Châu |
(21/6/1986 – 26/4/1989) |
2 năm, 309 ngày |
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
9 |
Cao Sĩ Kiêm |
(26/4/1989 – 23/10/1997) |
8 năm, 180 ngày |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
10 |
Đỗ Quế Lượng |
(23/10/1997 – 6/5/1998) |
195 ngày |
Quyền Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
11 |
Nguyễn Tấn Dũng |
(7/5/1998 – 11/12/1999) |
1 năm, 218 ngày |
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
12 |
Lê Đức Thúy |
(11/12/1999 – 23/8/2007) |
7 năm, 255 ngày |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
13 |
Nguyễn Văn Giàu |
(23/8/2007 – 3/8/2011) |
3 năm, 345 ngày |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
14 |
Nguyễn Văn Bình |
(3/8/2011 – 8/4/2016) |
4 năm, 249 ngày |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
15 |
Lê Minh Hưng |
(9/4/2016 – 12/11/2020) |
4 năm, 217 ngày |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
16 |
Nguyễn Thị Hồng |
(12/11/2020 – nay) |
4 năm, 5 ngày |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
6. Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững giá trị đồng Việt Nam và tạo lòng tin với thị trường tài chính quốc tế. Đây là nguồn lực tài chính quốc gia, bao gồm ngoại tệ, vàng, trái phiếu chính phủ nước ngoài và các tài sản tài chính quốc tế khác, được quản lý và sử dụng nhằm điều tiết thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá, thanh toán quốc tế và phòng ngừa rủi ro tài chính toàn cầu.
Trong những năm gần đây, nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và chính sách điều hành hiệu quả, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng đáng kể, góp phần củng cố vị thế tài chính quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế để đưa ra các chính sách phù hợp, đảm bảo sử dụng dự trữ ngoại hối một cách linh hoạt và hiệu quả.
Theo dữ liệu từ Thời báo Tài chính Việt Nam, mức dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước Việt Nam vào tháng 07/2024 đạt 81 tỷ USD, giảm từ 88 USD vào tháng 01/2024.
Tìm hiểu thêm: Ngoại hối là gì? Tìm hiểu về chính sách dự trữ ngoại hối Việt Nam
7. Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam: Vai trò quản lý giá vàng, tỷ giá ngoại tệ và Bitcoin
7.1. Ngân hàng nhà nước (NHNN) quản lý giá vàng
Chính sách kiểm soát giá vàng: Kể từ năm 2012, theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, NHNN đã nắm độc quyền sản xuất vàng miếng tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là chỉ NHNN mới có quyền tổ chức việc gia công vàng miếng thông qua Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC). Lý do chính sách này được ban hành là để kiểm soát thị trường vàng, hạn chế đầu cơ, ổn định giá trị đồng nội tệ, cũng như giảm thiểu việc buôn lậu vàng qua biên giới.
Ảnh hưởng của NHNN đến giá vàng
Do NHNN kiểm soát nguồn cung vàng miếng SJC, giá vàng tại Việt Nam thường chênh lệch so với giá vàng thế giới. Khi nguồn cung vàng trong nước hạn chế, giá vàng SJC thường cao hơn giá vàng thế giới do tâm lý tích trữ của người dân và doanh nghiệp.
Các yếu tố NHNN ảnh hưởng đến giá vàng gồm:
- Chính sách cấp phép nhập khẩu vàng: NHNN hạn chế nhập khẩu vàng để bảo vệ giá trị của đồng VND, khiến giá vàng trong nước có xu hướng cao hơn giá thế giới.
- Nguồn cung vàng miếng SJC: Khi NHNN không gia công thêm vàng miếng, giá vàng SJC có thể tăng do khan hiếm.
- Tín hiệu điều chỉnh chính sách tiền tệ: Nếu NHNN nâng lãi suất hoặc hút tiền khỏi thị trường, nhu cầu đầu tư vàng có thể giảm, khiến giá vàng hạ nhiệt.
📌 Xem giá vàng SJC hôm nay: 9,583,000 VND/chỉ
7.2. Ngân hàng nhà nước (NHNN) quản lý tỷ giá ngoại tệ
Cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái: NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, nghĩa là mỗi ngày NHNN công bố một mức tỷ giá trung tâm VND/USD, từ đó các ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong biên độ dao động +/-5% (theo quy định mới nhất).
Ví dụ, nếu tỷ giá trung tâm hôm nay là 24.500 VND/USD, các ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong khoảng 23.275 – 25.725 VND/USD.
Cơ chế này giúp:
- Ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát.
- Giảm tình trạng đầu cơ tiền tệ, điều tiết dòng vốn.
- Cân bằng cán cân thương mại, hỗ trợ xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.
Công cụ quản lý tỷ giá của Ngân hàng nhà nước (NHNN)
NHNN sử dụng nhiều công cụ để ổn định tỷ giá ngoại hối, bao gồm:
- Dự trữ ngoại hối: NHNN có thể bán USD ra thị trường để hạ nhiệt tỷ giá khi đồng USD tăng quá mạnh.
- Điều chỉnh lãi suất: Khi NHNN tăng lãi suất, VND trở nên hấp dẫn hơn, giúp giảm áp lực mất giá của đồng nội tệ.
- Mua vào/bán ra ngoại tệ: NHNN can thiệp trực tiếp bằng cách mua hoặc bán USD để điều chỉnh cung cầu.
📌 Tỷ giá USD/VND hôm nay: 25,710 VND/USD
📌 Tỷ giá EUR/VND hôm nay: 28,438.75 VND/EUR
📌 Tỷ giá JPY/VND hôm nay: 176.78 VND/JPY
📌 Tỷ giá Man/VND hôm nay: 1,767,800 VND/MAN
📌 Tỷ giá AUD/VND hôm nay: 16,296.45 VND/AUD
📌 Tỷ giá CNY/VND hôm nay: 3,578.99 VND/CNY
📌 Tỷ giá KRW/VND hôm nay: 18.28 VND/KRW
📌 Tỷ giá THB/VND hôm nay: 774.55 VND/THB
📌 Tỷ giá MYR/VND hôm nay: 5,807.4 VND/MYR
📌 Tỷ giá TWD/VND hôm nay: 780.87 VND/TWD
7.3. Ngân hàng nhà nước (NHNN) và tiền điện tử (Bitcoin, Crypto)
Bitcoin chưa dược công nhận là phương tiện thanh toán: Hiện nay, theo NHNN, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.
Các hành vi sử dụng Bitcoin để thanh toán có thể bị xử phạt hành chính từ 150 – 200 triệu VND hoặc xử lý hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Bitcoin vẫn được coi là tài sản đầu tư, tức là người dân có thể giao dịch, mua bán Bitcoin trên các sàn quốc tế mà không bị cấm hoàn toàn.
Chính sách quản lý tiền điện tử của Ngân hàng nhà nước (NHNN)
Mặc dù không cấm hoàn toàn việc sở hữu và giao dịch Bitcoin, NHNN đã có các biện pháp kiểm soát như:
- Cấm các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính hỗ trợ giao dịch Bitcoin.
- Không cấp phép cho bất kỳ sàn giao dịch tiền điện tử nào tại Việt Nam.
- Giám sát dòng tiền đổ vào thị trường tiền điện tử để tránh rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Bitcoin ảnh hưởng như thế nào đến chính sách tiền tệ Việt Nam?
Bitcoin có thể tác động đến chính sách tiền tệ theo hai hướng:
1.Tác động đến chính sách kiểm soát vốn: Nếu dòng tiền chảy vào Bitcoin quá lớn, NHNN có thể siết chặt chính sách để ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài.
2.Ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD: Khi Bitcoin tăng mạnh, nhu cầu mua USD để giao dịch Bitcoin cũng có thể tăng, gây áp lực lên tỷ giá ngoại hối.
📌 Giá Bitcoin hôm nay: 84,182.01 USD USD/BTC
📌 BTC/VND: 2,183,428,799 VND VND/BTC
8. Kết luận
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý chính sách tiền tệ, kiểm soát giá vàng, điều tiết tỷ giá ngoại tệ và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền điện tử như Bitcoin. Thông qua các chính sách quản lý chặt chẽ, NHNN đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường tài chính trong nước.
Việc NHNN nắm độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và điều tiết cung cầu giúp hạn chế đầu cơ, nhưng cũng khiến giá vàng trong nước có sự chênh lệch đáng kể so với thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực tỷ giá, NHNN sử dụng cơ chế tỷ giá trung tâm để điều chỉnh cung cầu ngoại tệ, bảo vệ đồng nội tệ trước biến động quốc tế. Đối với Bitcoin, NHNN duy trì lập trường thận trọng, chưa công nhận tiền điện tử là phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào thị trường này để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Nhìn chung, với vai trò trung tâm trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN tiếp tục là lực lượng chủ chốt góp phần ổn định nền kinh tế, bảo vệ giá trị đồng Việt Nam và tạo môi trường tài chính minh bạch, bền vững.