Lệnh Stop Limit và Stop Market là gì?
Lệnh Stop Limit là tổ hợp của lệnh Stop và lệnh Limit. Khi đạt đến mức giá Stop cài trước, Lệnh giới hạn (Limit) sẽ được đặt lên sổ lệnh. Khi giá đạt đến giá giới hạn đặt lệnh, lệnh giới hạn sẽ được thực hiện.
- Giá Stop: Khi giá của tài sản đạt đến mức giá Stop, Lệnh giới hạn (Limit) sẽ được kích hoạt, đặt lên sổ lệnh để mua hoặc bán tài sản ở mức giá giới hạn hoặc tốt hơn.
- Giá giới hạn (Limit): Là giá giới hạn mà Trader cài đặt. Tại giá giới hạn (hoặc tốt hơn), Lệnh giới hạn sẽ được thực hiện.
Bạn có thể đặt giá Stop và Giá Giới hạn ở cùng một mức giá. Tuy nhiên chúng tôi khuyến nghị rằng giá Stop cho các lệnh Short (Bán) nên cao hơn một chút so với Giá Giới hạn. Sự chênh lệch về giá này sẽ tạo ra một khoảng cách an toàn về giá giữa thời điểm lệnh được kích hoạt và thời điểm lệnh được thực hiện. Bạn có thể đặt giá Stop thấp hơn một chút với lệnh Long (Mua). Điều này cũng giúp giảm nguy cơ lệnh của bạn không được thực hiện.
Xin lưu ý rằng sau khi Giá thị trường đạt đến Giá giới hạn mà bạn đặt, lệnh của bạn sẽ được thực hiện dưới dạng Lệnh giới hạn. Nếu bạn đặt giới hạn quá xa so với thực tế, lệnh của bạn có thể không bao giờ được thực hiện vì giá thị trường không thể đạt đến giá giới hạn mà bạn đã đặt.
Tương tự như lệnh Stop Limit, lệnh Stop Market sử dụng mức giá Stop để kích hoạt lệnh. Khi đạt đến mức giá Stop được cài đặt trước, Lệnh thị trường (Market Order) sẽ được thực hiện ngay lập tức.
Khi thị trường có sự biến động lớn, giá cả tăng hoặc giảm mạnh, giá khớp cuối cùng trong lệnh Market có thể sẽ cao hơn hoặc thấp hơn giá gần nhất tại giao diện mà người dùng nhìn thấy khi đặt lệnh. Người dùng cần theo dõi độ sâu thị trường và tình hình biến động của giá trước khi quyết định tiến hành giao dịch.
Lệnh Stop Limit và Stop Market hoạt động như thế nào?
Cách tốt nhất để hiểu lệnh Stop Limit là chia nó thành nhiều phần. Giá Stop đóng vai trò kích hoạt để đặt lệnh Giới hạn (Limit Order). Khi thị trường đạt đến mức giá Stop, nó sẽ tự động tạo một Lệnh Giới hạn với giá giới hạn (Limit Price).
Giá Stop và Giá giới hạn có thể giống nhau do không có yêu cầu bắt buộc, nhưng chúng tôi khuyên bạn nên có một khoảng giá chênh lệch giữa giá Stop và Giá giới hạn. Trên thực tế, sẽ an toàn hơn nếu bạn đặt giá Stop (giá kích hoạt) cao hơn một chút so với giá giới hạn cho các lệnh Short (Bán).
Đối với các lệnh Long (Mua), bạn có thể đặt giá Stop thấp hơn một chút so với Giá giới hạn. Điều này giúp tăng cơ hội khớp lệnh giới hạn của bạn sau khi kích hoạt.
Ví dụ
- Sử dụng lệnh Stop Limit cho việc Mua (Long)
Giả sử BTC đang có mức giá 30,000 USDT và bạn muốn thực hiện lệnh Long (Mua) khi BTC có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bạn không muốn trả quá nhiều cho BTC nếu nó bắt đầu vào xu hướng tăng và giá sẽ tăng nhanh chóng, vì vậy bạn cần giới hạn mức giá mà mình sẽ trả.
Giả sử bạn sử dụng phân tích kỹ thuật và cho rằng xu hướng tăng có thể bắt đầu nếu giá BTC phá qua mốc 30,500 USDT. Bạn quyết định sử dụng lệnh Stop Limit để mở một vị thế, trong trường hợp giá BTC phá qua mốc 30,500 USDT. Bạn đặt giá Stop là 30,500 USDT và Giá giới hạn là 30,600 USDT. Ngay khi giá BTC chạm đến mốc 30,500 USDT, một lệnh giới hạn sẽ được đặt ở mức giá 30,600 USDT. Lệnh của bạn có thể được mở ở mức giá 30,600 USDT hoặc thấp hơn. Lưu ý rằng 30,600 USDT là giá giới hạn của bạn, vì vậy nếu thị trường tăng quá nhanh trên mức này, lệnh của bạn có thể không được khớp hoàn toàn.
- Sử dụng lệnh Stop Limit cho việc Bán (Short)
Giả sử bạn đã tiến hành mở vị thế Long (Mua) BTC tại mức giá 28,500 USDT và giá hiện tại của BTC là 30,000 USDT. Để tránh thua lỗ, bạn có thể sử dụng lệnh Stop Limit nếu giá giảm trở lại mức giá mà bạn mở vị thế. Bạn thiết lập một lệnh Stop Limit với mức giá Stop là 28,900 USDT và giá giới hạn là 28,500 USDT (giá mà bạn đã mở vị thế). Nếu giá chạm ngưỡng 28,900 USDT, một lệnh giới hạn để bán BTC sẽ được đặt ở mức giá 28,500 USDT. Lệnh của bạn sẽ được thực hiện ở mức giá 28,500 USDT hoặc cao hơn.
Tương tự như lệnh Stop Limit, lệnh Stop Market, giá Stop có vai trò kích hoạt lệnh. Khi thị trường đạt đến mức giá Stop, nó sẽ tự động tạo một lệnh thị trường và sẽ được khớp ngay với thanh khoản có trong Sổ lệnh.
Ví dụ
- Sử dụng lệnh Stop Market cho việc Mua (Long)
Giả sử BTC đang có mức giá 30,000 USDT và bạn muốn thực hiện lệnh Long (Mua) khi BTC có xu hướng tăng. Tuy nhiên, bạn không chắc chắn rằng xu hướng tăng đó có bền vững hay không đồng thời bạn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội nếu xu hướng tăng thật sự bền vững.
Giả sử bạn sử dụng phân tích kỹ thuật và cho rằng xu hướng tăng có thể bắt đầu nếu giá BTC phá qua mốc 30,500 USDT. Bạn quyết định sử dụng lệnh Stop Market để mở một vị thế, trong trường hợp giá BTC phá qua mốc 30,500 USDT. Bạn đặt giá Stop ở mốc 30,550 USDT để đảm bảo xu hướng tăng của BTC là bền vững. Ngay khi giá BTC chạm mốc 30,550 USDT, một lệnh thị trường sẽ được thực hiện ngay lập tức.
- Sử dụng lệnh Stop Market cho việc Bán (Short)
Giả sử bạn đã tiến hành mở vị thế Long (Mua) BTC tại mức giá 28,500 USDT và giá hiện tại của BTC là 30,000 USDT. Để tránh thua lỗ xảy ra, bạn có thể sử dụng lệnh Stop Market nếu giá giảm trở lại mức giá mà bạn mở vị thế. Bạn thiết lập một lệnh Stop Market với mức giá Stop là 28,500 USDT (giá mà bạn đã mở vị thế). Lệnh sẽ được thực hiện nếu giá quay về mức giá mà bạn đã mở vị thế ban đầu và vị thế của bạn sẽ được đóng lại một cách an toàn.
Ưu và nhược điểm của việc sử dụng lệnh Stop Limit và Stop Market
Ưu điểm
Lệnh Stop Limit cho phép bạn tùy chỉnh và lên kế hoạch cho các giao dịch của mình. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể theo dõi giá, đặc biệt là trong thị trường tiền mã hóa luôn biến động 24/7. Một ưu điểm khác là lệnh Stop Limit cho phép bạn đặt một mức lợi nhuận phù hợp cho giao dịch của mình. Không có giới hạn, lệnh của bạn sẽ được thực hiện ở bất kỳ mức giá thị trường nào mà bạn mong muốn. Chính điều này đã biến Stop Limit trở thành công cụ đắc lực cho các trader có thói quen nắm giữ lệnh dài hạn nhưng vẫn muốn kiểm soát được rủi ro ở mọi thời điểm.
Lệnh Stop Market cho phép bạn tùy chỉnh và lên kế hoạch cho các giao dịch của mình, giúp bạn có thể đặt một mức lợi nhuận và quản lý rủi ro mà không cần phải luôn theo dõi thị trường. Ngoài ra, lệnh Stop Market cũng đảm bảo lệnh của bạn sẽ được thực hiện nếu chúng được kích hoạt do đặc điểm của lệnh thị trường.
Nhược điểm
Các lệnh Stop Limit có cùng nhược điểm như các lệnh giới hạn, chủ yếu là do không có gì đảm bảo lệnh sẽ thực hiện. Lệnh giới hạn sẽ chỉ bắt đầu được thực hiện khi nó đạt đến một mức giá cụ thể hoặc tốt hơn. Tuy nhiên, mức giá đó có thể không bao giờ đạt tới được. Điều này được quyết định hoàn toàn bởi thị trường. Mặc dù bạn có thể tạo khoảng cách giữa giá Giới hạn và giá Stop, nhưng đôi khi khoảng cách đó có thể không đủ. Các tài sản có tính biến động cao có thể vượt quá mức chênh lệch mà bạn đặt cho lệnh của mình trong thời gian rất ngắn.
Các lệnh Stop Market cũng có cùng nhược điểm như các lệnh thị trường. Các lệnh Stop Market sẽ phải chịu mức phí giao dịch cao hơn do được thực hiện dưới dạng một lệnh thị trường và được hệ thống ghi nhận đó là Taker.
Thanh khoản cũng có thể là một vấn đề nếu không có đủ người nhận để thực hiện lệnh của bạn. Vậy nên hãy cân nhắc quy mô vị thế của mình trước khi tiến hành đặt lệnh để không xảy ra trường hợp không thể khớp được lệnh mà bạn mong muốn.