Ở phần 1 của lộ trình học đầu tư crypto, giai đoạn 1 và 2 đã xây dựng nền móng vững chắc cho nhà đầu tư mới, từ việc định hình tư duy đến định hướng đầu tư và làm chủ bản thân.
Ngay bây giờ, hãy cùng ONUS tiến đến Giai đoạn 3 – Toàn tập về Crypto để mở ra kho tàng kiến thức sâu rộng về đầu tư crypto từ cơ bản đến nâng cao, giúp bạn từng bước trở thành nhà đầu tư thông minh và tự chủ trong thế giới tiền mã hóa!
→ Tải ngay khoá học đầu tư tiền ảo A-Z miễn phí: Khóa học Đầu Tư Crypto
1. Thuật Ngữ Đầu Tư Crypto Cơ Bản & Nâng Cao
Hãy cùng khám phá ngay kho tàng thuật ngữ crypto từ “bắt buộc phải biết” đến “nên biết” để chinh phục thị trường đầy sôi động này!
1.1. Thuật ngữ đầu tư crypto cơ bản:
- Airdrop: Là chiến lược tiếp thị liên quan đến việc gửi token miễn phí đến ví của người dùng để quảng bá một loại tiền mới, thường đổi lấy việc họ thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, như chia sẻ bài đăng do dự án phát hành.
- Altcoin: Là tất cả các đồng coin khác ngoài Bitcoin, từ Ethereum đến các đồng tiền có giá trị thị trường nhỏ.
- ATH – All Time High: Mức giá cao nhất mà một loại tiền điện tử đạt được kể từ khi niêm yết hoặc thành lập.
- ATL – All Time Low: Mức giá thấp nhất mà một loại tiền điện tử đạt được kể từ khi niêm yết hoặc thành lập.
- Blockchain: Công nghệ cơ bản cho tiền điện tử, một sổ cái kỹ thuật số công khai ghi chép lại các giao dịch trong các khối (block) liên kết với nhau (chain).
- Bull market (Bullish): Thị trường tăng giá.
- Bear market (Bearish): Thị trường giảm giá.
- Cryptocurrency: Tiền mã hóa, tiền điện tử, tiền ảo, crypto – một loại tiền phi tập trung có thể được dùng để giao dịch hoặc chuyển đổi tài sản.
- Stablecoin: Là loại tiền điện tử có giá trị được neo (ổn định – stable) với một tài sản ổn định khác như đồng tiền fiat hoặc vàng, nhằm giảm thiểu sự biến động giá. Stablecoin đầu tiên xuất hiện là đồng Tether (USDT).
- Staking: Khóa hoặc giữ một lượng coin/token trong một khoảng thời gian nhất định để tạo ra thu nhập thụ động.
- Token: Là đơn vị giá trị số được tạo ra bởi một dự án trên blockchain, dùng để trao đổi, thanh toán hoặc thể hiện quyền sở hữu trong một hệ thống cụ thể.
1.2. Thuật ngữ đầu tư crypto nâng cao:
- DAO (Decentralized Autonomous Organization): Một tổ chức tự vận hành và phi tập trung, hoạt động dựa trên các quy tắc mã hóa và không có cơ cấu quản lý truyền thống.
- DApps (Ứng dụng phi tập trung): Các ứng dụng hoạt động trên blockchain và thực hiện các nhiệm vụ mà không cần trung gian.
- DCA (Dollar-Cost Averaging): Chiến lược đầu tư bằng cách chia vốn thành nhiều phần và đầu tư định kỳ để giảm rủi ro biến động giá.
- DeFi (Decentralized Finance): Các hoạt động tài chính được thực hiện mà không cần thông qua trung gian như ngân hàng, chính phủ.
- DEX (Sàn giao dịch phi tập trung): Một thị trường kết nối người mua và người bán mà không thông qua bên thứ ba, giúp người dùng kiểm soát khóa riêng của mình.
- DYOR – Do Your Own Research: Tự nghiên cứu về tiền điện tử, nhấn mạnh việc quan trọng của việc tự học và tìm hiểu trước khi đầu tư.
- ERC-20: Một tiêu chuẩn kỹ thuật cho các token trên blockchain Ethereum, quy định cách token hoạt động và tương tác.
- ETF (Quỹ giao dịch hối đoái): Một loại chứng khoán theo dõi chỉ số, lĩnh vực, hàng hóa hoặc tài sản khác, trong thị trường crypto thì nó theo dõi một loại tiền điện tử cụ thể.
- Etherscan: Công cụ theo dõi hàng đầu của blockchain Ethereum, cho phép tra cứu, xác nhận và xác thực các giao dịch.
- FDV (Fully Diluted Valuation): Vốn hóa thị trường của dự án sau khi nhóm phát triển phát hành đầy đủ số lượng token tối đa.
- Fiat: Tiền tệ do chính phủ phát hành như USD hoặc VND, khác với tiền điện tử.
- FOMO (Fear of Missing Out): Hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ, thúc đẩy mua vào một đồng tiền chỉ vì nó đang tăng giá.
- FUD (Fear, Uncertainty, and Doubt): Lan truyền sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ, thường dùng để thao túng giá tiền điện tử.
- GameFi: Kết hợp giữa game và tài chính, nền tảng người dùng có thể kiếm tiền qua chơi game.
- Halving: Là quá trình giảm một nửa phần thưởng cho thợ đào sau một khoảng thời gian nhất định, tùy vào từng đồng coin. Điều này giúp kiểm soát lượng tiền được phát hành và đảm bảo rằng nguồn cung của đồng tiền mã hóa sẽ không vượt quá giới hạn định trước.
- Hard Cap & Soft Cap: Hard cap là số tiền tối đa mà ICO có thể nhận từ các nhà đầu tư, còn soft cap là số tiền tối thiểu cần thiết để dự án bắt đầu.
- Hashrate: Thước đo sức mạnh tính toán và xử lý trong khai thác tiền điện tử.
- HODL: Là tiếng lóng trong lĩnh vực tiền điện tử, ám chỉ việc giữ coin lâu dài thay vì bán ra trong ngắn hạn.
- ICO – Initial Coin Offering: Hình thức gây quỹ cho dự án tiền điện tử bằng cách bán token đầu tiên cho công chúng.
- IDO – Initial DEX Offering: Phát hành coin lần đầu trên sàn giao dịch phi tập trung, một hình thức gây quỹ mới.
- IEO – Initial Exchange Offering: Đợt bán token được giám sát bởi một sàn giao dịch tiền điện tử, chỉ dành cho người dùng của sàn đó.
- IGO – Initial Game Offering: Một hình thức gây quỹ trong lĩnh vực game blockchain, nơi các nhà phát triển game bán trước các token hoặc tài sản số (ví dụ: vật phẩm trong game, NFTs)
- Liquidity: Tính thanh khoản, thước đo mức độ dễ dàng chuyển đổi một tài sản tiền điện tử thành tiền mặt hoặc sang tài sản khác.
- NFT: Token không thể thay thế, đại diện cho quyền sở hữu các tài sản kỹ thuật số độc đáo.
- Pump và Dump: Thao túng giá tiền điện tử bằng cách đẩy giá lên cao rồi bán phá giá.
- Scam: Hành động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thị trường tiền điện tử.
- Shill: Quảng cáo nhiệt tình một loại tiền điện tử hoặc dự án cụ thể vì lợi ích cá nhân.
- Ví nóng (Hot Wallets): Đây là loại ví được kết nối trực tiếp với internet. Ví nóng cho phép người dùng truy cập và gửi tiền điện tử một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, vì chúng luôn kết nối với mạng, ví nóng có nguy cơ cao bị hack hoặc tấn công từ bên ngoài.
- Ví Lạnh (Cold Wallets): Ngược lại với ví nóng, ví lạnh không được kết nối với internet và cung cấp một lớp bảo mật cao hơn. Ví lạnh thường được sử dụng để lưu trữ lượng lớn tiền ảo với mục đích giữ lâu dài, vì chúng ít có khả năng bị tấn công hơn. Ví lạnh có thể là một thiết bị phần cứng (ví cứng), một tờ giấy với mã QR hoặc các dạng khác không yêu cầu kết nối internet thường xuyên.
2. Hình Thức Đầu Tư Crypto
Tiếp đến, bạn cần phải xác định xem bản thân phù hợp với hình thức đầu tư crypto nào trong các hình thức dưới đây:
2.1. Hình thức phù hợp với hầu hết mọi đối tượng:
- Stake to Earn: Cơ hội nhận lãi suất hấp dẫn từ việc nắm giữ coin/token trong một khoảng thời gian nhất định, được nhiều nền tảng blockchain như Ethereum 2.0 hỗ trợ thông qua cơ chế Proof of Stake (PoS).
- Trading to Earn: Mua bán coin/token trên các sàn giao dịch để kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá, một hình thức phổ biến với cả những nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
- Play to Earn: Tham gia vào các trò chơi blockchain, nơi người chơi có thể kiếm tiền thật từ việc chơi game, ví dụ như Axie Infinity.
- Free to Earn: Nhận thưởng từ việc tham gia vào các hoạt động miễn phí như airdrops, khảo sát trực tuyến, hoặc thử nghiệm sản phẩm.
- Move to Earn: Kết hợp hoạt động thể chất với kiếm tiền, như các ứng dụng cho phép người dùng kiếm tiền từ việc đi bộ hoặc chạy bộ.
- Learn to Earn: Cung cấp cơ hội kiếm tiền từ việc học về blockchain và tiền điện tử, được nhiều sàn giao dịch như Coinbase và Binance hỗ trợ.
2.2. Hình thức phù hợp với một số đối tượng nhất định:
- Mining to Earn: Khai thác coin/token bằng cách sử dụng phần cứng để giải các thuật toán phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn vào thiết bị và điện năng.
- Farming to Earn: Cung cấp thanh khoản cho các cặp giao dịch trên các nền tảng DeFi và nhận lãi từ phí giao dịch.
- Create to Earn: Phát triển các dự án blockchain, NFTs, hoặc các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến tiền điện tử để kiếm lợi nhuận.
3. Phân tích cơ bản (FA – Fundamental Analysis):
Phân tích cơ bản trong crypto là việc đánh giá tiềm năng dài hạn của một dự án thông qua việc xem xét sâu các yếu tố như đội ngũ phát triển, công nghệ nền tảng, lộ trình phát triển dự án, cộng đồng hỗ trợ, và đặc biệt là tokenomics – cấu trúc và kinh tế của token. Tương tự như trong chứng khoán, nơi mà các nhà đầu tư FA sẽ phân tích tình hình tài chính, mô hình kinh doanh, quản lý, và triển vọng ngành của công ty, trong thị trường crypto, việc này giúp nhà đầu tư hiểu rõ giá trị nội tại và tiềm năng tăng trưởng của token dựa trên các yếu tố cơ bản.
Ví dụ, khi phân tích tokenomics của một dự án, nhà đầu tư sẽ xem xét tới tổng cung token, cách phân phối, các cơ chế đốt token (nếu có), và lợi ích mà token mang lại cho người giữ, từ đó đánh giá giá trị dài hạn của token.
Phân tích cơ bản (FA) trong crypto là việc làm sáng tỏ bản chất và khả năng phát triển của một dự án, là bí quyết giúp nhà đầu tư định hình được viễn cảnh dài hạn. Đây là quá trình tỉ mỉ, tương tự như khi bạn mày mò từng trang báo cáo tài chính hay kế hoạch kinh doanh của một công ty trên thị trường chứng khoán để đoán xem họ sẽ thành công hay không.
Những điểm cần “soi” trong dự án crypto khi phân tích cơ bản bao gồm:
- Đội ngũ sáng lập: Ai là “bộ não” đằng sau dự án? Họ có kinh nghiệm và uy tín hay không?
- Công nghệ blockchain: Blockchain của dự án hoạt động như thế nào? Nó có độc đáo và đột phá so với các dự án khác hay không?
- Lộ trình phát triển: Dự án có kế hoạch gì cho tương lai? Mục tiêu và chiến lược phát triển của họ có rõ ràng và khả thi hay không?
- Cộng đồng người dùng: Dự án có lượng người dùng tích cực và gắn kết hay không? Họ có ủng hộ dự án và tin tưởng vào tiềm năng phát triển của nó hay không?
- Tokenomics:
- Tổng số lượng token: Bao nhiêu token được tạo ra?
- Cách thức phân phối: Token được chia cho ai?
- Kế hoạch đốt token: Liệu có giảm số lượng token lưu thông hay không?
- Lợi ích của token: Sở hữu token mang lại gì cho người dùng?
Để hình dung dễ hơn về việc phân tích FA trong đầu tư crypto, hãy cùng lấy ví dụ về Ethereum:
- Đội ngũ sáng lập: Ethereum được đề xuất và phát triển bởi Vitalik Buterin cùng một nhóm các đồng sáng lập tài năng khác. Buterin được coi là “cha đẻ” của Ethereum và là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong cộng đồng crypto. Charles Hoskinson, người sáng lập Cardano, cũng là một trong những đồng sáng lập của Ethereum.
- Công nghệ: Ethereum hoạt động dựa trên một mạng blockchain công khai và sử dụng Máy Ảo Ethereum (EVM) để thực hiện các giao dịch và chạy hợp đồng thông minh. Điều này giúp Ethereum linh hoạt trong việc vận hành và cung cấp nền tảng cho việc xây dựng các ứng dụng phi tập trung.
- Lộ trình phát triển: Ethereum đang chuyển từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS) với sự kiện The Merge, giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng và tăng cường bảo mật mạng lưới.
- Cộng đồng: Cộng đồng Ethereum là một trong những cộng đồng lớn nhất và tích cực nhất trong thế giới crypto, bao gồm các nhà phát triển giao thức cốt lõi, nhà nghiên cứu, chủ sở hữu ETH, nhà phát triển ứng dụng và người dùng thông thường. Cộng đồng này đóng góp tích cực vào sự phát triển và cải tiến của mạng lưới.
- Tokenomics:
- Tổng số lượng token: Không có giới hạn cố định cho tổng số lượng ETH. Ethereum phát hành ETH thông qua quá trình khai thác (trong PoW) và staking (trong PoS).
- Cách thức phân phối: ETH được phân phối cho các thợ đào (miner) và nhà xác thực (validator) như là phần thưởng cho việc bảo mật mạng và xác nhận giao dịch.
- Kế hoạch đốt token: Ethereum đốt phí giao dịch cơ bản thông qua EIP-1559, giúp giảm lượng ETH lưu thông và có thể làm cho ETH trở thành tài sản giảm phát trong tương lai.
- Lợi ích của token: Sở hữu ETH cho phép người dùng thanh toán phí giao dịch, tham gia vào hợp đồng thông minh và sử dụng dịch vụ trên mạng Ethereum.
Bằng cách “soi” kỹ lưỡng những yếu tố trên, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện về dự án và tự tin đưa ra quyết định đầu tư dựa trên giá trị nội tại của dự án, thay vì chỉ chạy theo đám đông.
4. Phân tích kỹ thuật (TA – Technical Analysis):
Phân tích kỹ thuật (TA) là phương pháp giúp nhà đầu tư dự đoán xu hướng giá crypto dựa trên lịch sử giao dịch, bao gồm giá và khối lượng giao dịch. TA sử dụng các công cụ như:
- Đường xu hướng: Xác định xu hướng giá (tăng, giảm, đi ngang).
- Hỗ trợ và kháng cự: Xác định mức giá quan trọng có thể chặn hoặc đẩy giá đi và làm đảo chiều xu hướng giá
- RSI (Relative Strength Index – Chỉ số sức mạnh tương đối) : Đánh giá mức độ “quá mua” hoặc “quá bán” của thị trường.
- MACD (Moving Average Convergence Divergence – Chênh lệch trung bình động hội tụ phân kỳ): Xác định xu hướng mua hay bán đang chiếm ưu thế.
Giống như TA trong chứng khoán, TA trong crypto không dựa vào giá trị thực của đồng tiền mà tập trung vào xu hướng và mô hình giá. Nhờ học phân tích kỹ thuật crypto, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu lịch sử và xu hướng thị trường.
5. Các trường phái đầu tư crypto:
Có nhiều phong cách và trường phái đầu tư crypto khác nhau, phù hợp với tính cách và chiến lược của từng nhà đầu tư. Dưới đây là một số trường phái phổ biến:
5.1. Đầu tư giá trị (Value Investing):
Những nhà đầu tư thuộc trường phái này sẽ luôn tìm kiếm các đồng crypto bị định giá thấp so với giá trị thực sự của chúng. Một ví dụ điển hình là giá Bitcoin vào năm 2012 chỉ bằng một phần nhỏ so với giá của nó hiện tại, nhưng những nhà đầu tư giá trị đã nhận ra tiềm năng lớn của Bitcoin dựa trên phân tích cơ bản của công nghệ blockchain.
Vào năm 2010, Laszlo Hanyecz đã mua hai chiếc bánh pizza bằng 10.000 Bitcoin. Nếu anh ta không mua pizza mà giữ số Bitcoin đó cho đến hiện tại, khi mà giá BTC đã vượt qua 90.000 USD, anh ta sẽ lãi lên đến 900 triệu USD!
Hot: Bạn sẽ được nhận quà tặng Bitcoin miễn phí khi Mở tài khoản ONUS.
Xem ngay: Hướng dẫn mua bán Bitcoin bằng thẻ ngân hàng
5.2. Giao dịch trong ngày (Day Trading):
Day trading là trường phái mà nhà đầu tư sẽ mở và đóng các vị thế trong cùng một ngày để tận dụng các biến động giá ngắn hạn. Ví dụ, một trader có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để mua ETH khi nó bắt đầu xu hướng tăng và bán nó khi giá đạt đến một mức độ kháng cự cụ thể trong cùng một ngày. Phong cách này đòi hỏi khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và sự hiểu biết sâu sắc về các biểu đồ và chỉ số kỹ thuật.
5.3. Giao dịch theo xu hướng (Trend Trading):
Người thuộc trường phái này dựa vào xu hướng giá hiện tại của thị trường để ra quyết định mua và bán. Ví dụ, khi nhận thấy một xu hướng tăng dài hạn của đồng Ripple, một nhà đầu tư có thể quyết định mua vào và giữ cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều.
5.4. Giao dịch theo dao động (Swing Trading):
Trong swing trading, nhà đầu tư tận dụng các biến động giá trong một khoảng thời gian ngắn hơn, thường là vài ngày đến vài tuần. Ví dụ, bạn mua Ethereum khi nó giảm giá tới một mức hỗ trợ quan trọng và bán ra khi nó tăng lên gần mức kháng cự. Phương pháp này đòi hỏi việc sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua và bán tối ưu.
5.5. Giao dịch theo tín hiệu (Signal Trading):
Giao dịch này dựa vào tín hiệu từ các nhà phân tích hoặc dịch vụ tín hiệu. Ví dụ, nhà đầu tư có thể đăng ký một dịch vụ tín hiệu có uy tín, nhận thông báo khi có một cơ hội mua hoặc bán nào đó và thực hiện giao dịch dựa trên những tín hiệu đó. Điều quan trọng là phải kiểm tra tính xác thực và hiệu suất lịch sử của nhà cung cấp tín hiệu trước khi đầu tư.
5.6. Đầu tư dài hạn (Long-Term Investing):
Trường phái này chỉ việc giữ crypto với niềm tin vào tiềm năng phát triển lâu dài. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể mua và giữ Bitcoin, Ethereum, hoặc các altcoins khác với dự đoán rằng giá trị của chúng sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới dựa trên sự phát triển của công nghệ blockchain và sự chấp nhận rộng rãi.
5.7. Giao dịch chênh lệch giá (Arbitrage)
Giao dịch chênh lệch giá là chiến lược tận dụng sự chênh lệch giá của crypto trên các sàn khác nhau hoặc giữa các đồng crypto khác nhau. Mục tiêu là mua ở nơi có giá thấp và bán ở nơi có giá cao để thu lợi từ sự chênh lệch.
Ví dụ, bạn nhận thấy sự chênh lệch giá của Bitcoin giữa hai sàn giao dịch khác nhau; trên sàn A, giá Bitcoin là 72.000 USD, trong khi trên sàn B, giá là 72.084 USD. Họ mua Bitcoin trên sàn A và ngay lập tức bán nó trên sàn B, thu về lợi nhuận từ sự chênh lệch giá mà không chịu rủi ro về biến động giá của Bitcoin.
6. Các phương thức giao dịch chính:
6.1. Giao dịch spot (Spot Trading):
Giao dịch spot là phương thức mua bán coin/token trực tiếp trên các sàn giao dịch. Trong giao dịch spot, việc chuyển giao tài sản và thanh toán được thực hiện ngay lập tức hoặc trong một khung thời gian ngắn sau khi giao dịch được thực hiện. Giao dịch spot phổ biến với những người muốn sở hữu trực tiếp crypto mà họ mua, và nó được xem là phương thức giao dịch cơ bản nhất trong thị trường này.
Ví dụ, một trader quyết định mua 5 ADA trên một sàn giao dịch spot. Giá ADA tại thời điểm mua là 0.76 USD/ADA. Sau khi giao dịch được thực hiện, 5 ADA sẽ được chuyển ngay vào ví tiền điện tử của nhà đầu tư, và số tiền tương ứng sẽ được trừ ra từ tài khoản của họ. Một tháng sau, giá ADA tăng lên 1 USD/ADA, và trader đó quyết định bán toàn bộ, thu về lợi nhuận từ sự chênh lệch giá.
6.2. Giao dịch ký quỹ (Margin Trading):
Giao dịch ký quỹ cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để mở các vị thế lớn hơn số tiền họ sở hữu. Bằng cách mượn tiền từ sàn giao dịch, nhà đầu tư có thể tăng cơ hội lợi nhuận từ những biến động nhỏ về giá. Tuy nhiên, đòn bẩy cũng tăng rủi ro của giao dịch, bởi lỗ có thể vượt quá số vốn ban đầu của nhà đầu tư.
Ví dụ, bạn có 10.000 USD trong tài khoản và muốn sử dụng đòn bẩy x10 để mua Bitcoin trên một sàn giao dịch ký quỹ. Điều này có nghĩa là bạn có thể mở một vị thế trị giá 100.000 USD bằng cách sử dụng 10.000 USD như là tiền ký quỹ. Nếu giá Bitcoin tăng 10%, bạn sẽ thu được lợi nhuận dựa trên 100.000 USD thay vì chỉ 10.000 USD, nhưng nếu giá giảm 10%, nhà đầu tư cũng sẽ chịu lỗ tương tự, có thể dẫn đến việc mất toàn bộ số tiền ký quỹ.
6.3. Giao dịch hợp đồng tương lai (Futures Trading):
Giao dịch hợp đồng tương lai là việc mua bán hợp đồng với thỏa thuận mua hoặc bán một lượng crypto vào một thời điểm và giá cụ thể trong tương lai. Đây là công cụ phổ biến để phòng ngừa rủi ro và đầu cơ trên thị trường tiền điện tử. Hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư dự đoán và hành động dựa trên những dự đoán về sự biến động giá của tài sản trong tương lai.
Giả sử nhà đầu tư kỳ vọng giá Ethereum sẽ tăng trong tương lai, nên họ mua một hợp đồng tương lai Ethereum với giá 4.000 USD/Ethereum, thỏa thuận sẽ mua sau 3 tháng. Khi hợp đồng đáo hạn, giá Ethereum trên thị trường là 5000 USD/Ethereum. Nhà đầu tư sẽ mua Ethereum với giá 4.000 USD như đã thỏa thuận, và có thể bán ngay lập tức trên thị trường với giá cao hơn, thu lợi từ sự chênh lệch.
6.4. Giao dịch quyền chọn (Option Trading):
Giao dịch quyền chọn là việc mua bán quyền, chứ không phải nghĩa vụ, để mua (call option) hoặc bán (put option) một lượng crypto cụ thể tại một giá đã định vào một thời điểm xác định trong tương lai. Quyền chọn cung cấp cho nhà đầu tư sự linh hoạt trong việc quản lý rủi ro và lợi nhuận từ các biến động giá, với một mức phí ban đầu (premium) mà họ phải trả cho quyền này.
Một nhà đầu tư mua một call option cho DOT với giá thực hiện là 10.82 USD, có hạn vào cuối tháng với mức phí là 500 USD. Nếu vào cuối tháng, giá DOT tăng lên 12 USD, nhà đầu tư có thể quyết định thực hiện quyền chọn của mình để mua DOT với giá 10.82 USD, dù thị trường đang ở mức 12 USD, và như vậy thu lợi từ sự chênh lệch. Nếu giá không vượt qua 10.82 USD, họ chỉ mất mức phí đã trả là 500 USD.
7. Dòng Tiền Trong Thị Trường Đầu Tư Crypto:
Không chỉ trong thị trường crypto, dòng tiền nói chung trong cuộc sống chúng ta luôn thay đổi, phản ánh sự dịch chuyển trong quan điểm, chính sách, và nhu cầu của xã hội. Khi đại dịch COVID-19 ập đến, nhiều người buộc phải chuyển dòng tiền từ việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng sang mua sắm trực tuyến, tạo ra sự bùng nổ đối với các nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng. Điều này cũng cho thấy cách dòng tiền linh hoạt chảy vào các ngành công nghiệp khác nhau tùy theo nhu cầu thị trường.
Trong đầu tư crypto, dòng tiền đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị và biến động của các đồng tiền mã hóa. Quy trình di chuyển của dòng tiền trong thị trường này thường tuân theo một vòng tuần hoàn từ fiat (tiền tệ truyền thống) sang crypto và ngược lại. Anh em có thể hình dung quy trình này một cách đơn giản hơn qua 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Nạp tiền (Onboarding):
Nhà đầu tư mới bắt đầu hành trình đầu tư crypto bằng cách chuyển đổi tiền tệ truyền thống (fiat) như VND, USD, EUR sang stablecoin như VNDC, USDT, USDC,… thông qua các sàn giao dịch tập trung (CEX) như Binance, Coinbase, ONUS.
Stablecoin đóng vai trò như cầu nối giữa fiat và crypto, giúp nhà đầu tư dễ dàng nạp và rút tiền mà không cần lo lắng về biến động giá.
- Giai đoạn 2: Chuyển đổi sang stablecoin hoặc BTC/ETH:
Sau khi sở hữu stablecoin, nhà đầu tư có thể giao dịch chúng để mua Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) hoặc các altcoin khác trên các sàn giao dịch.
Ví dụ:
- Nạp 100.000 VND vào ONUS để nhận 100.000 VNDC
- Nhận miễn phí 270.000 VNDC trên ONUS để mua BTC. Chi tiết xem tại đây!
- Dùng 370.000 VNDC để mua 0.0002 BTC
- Giai đoạn 3: Tham gia DeFi và Staking/Farming
Một số nhà đầu tư lựa chọn tiếp tục đầu tư vào các dự án Tài chính phi tập trung (DeFi) để sinh lời bằng cách:
- Staking: Khóa token trong một thời gian nhất định để nhận lãi suất.
- Farming: Cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi để nhận token thưởng.
- Giai đoạn 4: Rút tiền:
Khi muốn rút tiền từ thị trường crypto, nhà đầu tư có thể thực hiện thao tác ngược lại:
- Bán altcoin để đổi lấy stablecoin.
- Chuyển đổi stablecoin thành tiền tệ truyền thống (fiat) và rút về tài khoản ngân hàng.
Như đã nói phần trên, thông tin FED đang có ý định giảm lãi suất có thể tạo ra một làn sóng mới trong dòng tiền chảy vào thị trường tiền mã hóa. Khi lãi suất giảm, việc giữ tiền mặt trở nên kém hấp dẫn hơn do giá trị thực của tiền giảm và lợi nhuận từ các khoản đầu tư truyền thống như trái phiếu hay tiền gửi tiết kiệm giảm theo.
Điều này làm cho crypto – một kênh đầu tư mang tiềm năng sinh lời khủng, trở nên thu hút hơn bao giờ hết. Minh chứng là cuối năm 2020, khi FED giảm lãi suất xuống gần 0% như một phần của chính sách tiền tệ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến một đợt tăng giá mạnh mẽ. Bitcoin và Ethereum, hai đồng tiền mã hóa hàng đầu, đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn này.
8. Các Chiêu Trò Lừa Đảo Trong Thị Trường Crypto
Khi học và đầu tư crypto, một trong những ưu tiên hàng đầu là tìm hiểu các dạng lừa đảo (scam) trong thị trường và làm sao để phòng tránh chúng. Đặc biệt, nhiều người mới tham gia thị trường chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sẽ dễ bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn hấp dẫn. Kẻ gian sẽ lợi dụng tâm lý ham lợi, thiếu cảnh giác của những “tay mơ” để thực hiện hành vi scam.
Những chiêu thức scam phổ biến bao gồm:
- Phishing – Email và tin nhắn giả mạo: Cảnh giác cao độ khi nhận email hoặc tin nhắn từ “ngân hàng”, “sàn giao dịch” hoặc “ví điện tử” đòi hỏi bạn thông tin cá nhân, mật khẩu, hoặc khóa riêng tư. Đặc điểm nhận biết là nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp sai, và địa chỉ không chính thức.
- Tháp Ponzi: Hãy thận trọng với các dự án hứa hẹn lợi nhuận cao mà không chịu rủi ro. Mô hình này phụ thuộc vào việc sử dụng tiền của người sau để trả cho người trước, tạo ra một vòng luẩn quẩn không bền vững.
- Dự án ICO lừa đảo: Đội ngũ phát triển không rõ danh tính, lộ trình phát triển mờ ám, PR ồ ạt nhưng không chuyên nghiệp. Hãy tỉnh táo và so sánh kỹ càng, đừng bị cuốn theo lời hứa trên trời.
- Rug Pulls: Đây là tình huống nhóm phát triển biến mất sau khi thu hút đầu tư, để lại một dự án không có giá trị. Dấu hiệu là sự phân phối token không minh bạch và thiếu mã nguồn mở.
- Pump and Dump – Thổi giá và Bán tháo: Cảnh giác với những đợt tăng giá đột ngột không giải thích được, thường kèm theo các tin tức và quảng cáo lan truyền trên mạng xã hội, nhằm mục đích thu hút nhà đầu tư FOMO và sau đó là bán tháo để thu lợi.
Vậy bạn nên làm gì để né những cạm bẫy lừa đảo nói trên?
- Hãy nghiên cứu kỹ lưỡng (DYOR) thông tin dự án và đội ngũ phát triển.
- Cẩn thận với các lời hứa lợi nhuận cao mà không rõ ràng.
- Áp dụng xác thực hai yếu tố (2FA) cho mọi giao dịch.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn.
- Tránh đầu tư dựa trên cảm xúc và áp lực FOMO từ bên ngoài.
- Chỉ sử dụng các sàn giao dịch uy tín, có các biện pháp bảo mật tiên tiến và nghiêm ngặt, nói không với các dự án scam.
Kết Luận
Từ việc xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản, phát triển kỹ năng phân tích, đến việc nằm lòng các chiến lược và trường phái đầu tư crypto khác nhau, bạn giờ đây đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình của mình. Đừng quên áp dụng tư duy phản biện và luôn sẵn sàng học hỏi, bởi lẽ thị trường crypto luôn biến động và phát triển.
Cùng tiếp tục với phần 3 của lộ trình học đầu tư crypto: “Ảnh Hưởng của Kinh Tế Vĩ Mô Đến Thị Trường Crypto” nhé!
Chúc bạn thành công trên hành trình đầu tư của mình!