Biểu đồ nến là gì? Hướng dẫn cách đọc biểu đồ hình nến

  •  
KEY TAKEAWAYS:
Biểu đồ nến là một công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến, được sử dụng để biểu thị sự biến động giá của một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định
Biểu đồ nến có hai thành phần chính là thân nến và bóng nến. Thân nến thể hiện giá mở cửa và giá đóng cửa của một tài sản, trong khi bóng nến thể hiện mức giá cao nhất và thấp nhất của tài sản trong khoảng thời gian đó.
Mô hình nến là sự kết hợp của nhiều nến với nhau, thể hiện câu chuyện giữa người mua và người bán trong một thời điểm rõ ràng.
Có nhiều mô hình nến phổ biến, mỗi mô hình có ý nghĩa và tín hiệu giao dịch khác nhau.
Chiến lược quy luật 3 cây nến là một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả, giúp nhà giao dịch nhận biết được sự đảo chiều của xu hướng.

Biểu đồ nến là gì? Tìm hiểu cách đọc biểu đồ nến và phát hiện các mẫu nến giúp phân tích hướng giá, biến động giá trước đó và tâm lý của nhà giao dịch.

Để thành công trong thị trường tài chính, bạn cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kỹ năng như phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản hay kỹ thuật quản lý tài sản. Cách đọc biểu đồ nến chính là một trong những kỹ năng phổ biến và cần thiết nhất mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng cần biết để có thể nắm bắt thị trường và tìm kiếm điểm giao dịch phù hợp, từ đó xác định chiến lược phù hợp và đưa ra những quyết định đầu tư chính xác. 

Trong bài viết này, hãy cùng ONUS tìm hiểu về khái niệm biểu đồ hình nến và cách đọc biểu đồ nến để nâng cao hiệu quả trong giao dịch.

Tải ngay khoá học đầu tư tiền ảo A-Z miễn phí: Khóa học Đầu Tư Crypto

Biểu đồ nến là gì?
Biểu đồ nến là gì?

1. Giới thiệu về biểu đồ nến

1.1. Biểu đồ nến là gì?

Biểu đồ hình nến là một loại biểu đồ tài chính, được sử dụng để biểu thị sự dao động của giá trong một khung thời gian cụ thể. Biểu đồ hình nến đã xuất hiện cách đây hơn ba thế kỷ, được phát minh bởi Munehisa Homma, một nhà kinh doanh gạo Nhật Bản vào những năm 1700.

1.2. Lịch sử phát triển và ý nghĩa của biểu đồ nến Nhật

Ban đầu, biểu đồ hình nến được Munehisa Homma phát minh nhằm mục đích phân tích tình hình các yếu tố thời tiết, kinh tế, chính sách của nhà nước, từ đó dự đoán biến động của giá gạo trong tương lai. Bằng cách sử dụng biểu đồ hình nến, Munehisa Homma đã thành công trong việc tìm ra quy luật của biến động giá gạo và đã có lúc kiểm soát gần như toàn bộ thị trường gạo tại Nhật Bản. Từ đó, phát minh biểu đồ hình nến của Munehisa Homma đã ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi không chỉ tại Nhật Bản mà còn tại nhiều quốc gia phương Tây.

Trải qua nhiều năm phát triển, biểu đồ hình nến của Munehisa Homma được nhiều người tiếp tục cải tiến, trong đó có Charles Dow – một trong những cha đẻ của phân tích kỹ thuật hiện đại. Ngày nay, hầu hết tất cả các thị trường tài chính đều sử dụng biểu đồ hình nến làm đại diện giá.

1.3. Cấu tạo của biểu đồ hình nến

Biểu đồ hình nến được cấu tạo bởi hàng nghìn cây nến khác nhau và mỗi cây nến sẽ mô tả sự chuyển động của giá trong một khoảng thời gian bằng nhau, từ đơn vị giây cho đến năm.

Các thành phần của biểu đồ nến
Các thành phần của biểu đồ nến

Để nắm được cách đọc biểu đồ nến, trước hết, bạn cần hiểu rõ cấu tạo của một cây nến. Nến là một công cụ được sử dụng để biểu thị các thông tin chi tiết về giá của tài sản, bao gồm: giá mở cửa, giá đóng cửa, giá đỉnh và giá đáy trong một thời gian cụ thể. Mỗi cây nến bao gồm hai thành phần chính:

  • Thân nến (Real body): Phần rộng hơn của cây nến, đại diện cho biên độ giá giữa giá mở cửa và giá đóng cửa của phiên giao dịch. Khi thân nến màu đen (hoặc màu đỏ), đồng nghĩa giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa. Ngược lại, nếu thân nến có màu trắng (hoặc xanh lá cây), thì giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. 
  • Bóng nến (Wick/Shadow): Những đường mảnh phía trên và phía dưới thân nến gọi là “bấc nến” hoặc “bóng nến”, biểu thị giá cao nhất và giá thấp nhất của phiên giao dịch.

Để hiểu rõ cấu tạo của một cây nến, hãy cùng tìm hiểu về các mức giá hiển thị trong một cây nến. Các chỉ số O-H-L-C biểu đồ nến là:

  • Giá mở cửa (O – Open) – Giá giao dịch tài sản được ghi nhận lần đầu tiên trong một khung thời gian cụ thể.
  • Giá đỉnh (H – High) – Giá giao dịch tài sản được ghi nhận cao nhất trong một khung thời gian cụ thể.
  • Giá đáy (L – Low) – Giá giao dịch tài sản được ghi nhận thấp nhất trong một khung thời gian cụ thể.
  • Giá đóng cửa (C – Close) – Giá giao dịch tài sản được ghi nhận lần cuối cùng trong một khung thời gian cụ thể.

Muốn biết phiên giao dịch trong biểu đồ nến là tăng hay giảm giá, bạn có thể dựa vào giá mở cửa và giá đóng cửa của các nến. Nếu giá mở cửa thấp hơn giá đóng cửa, đó là nến tăng. Nếu giá mở cửa cao hơn giá đóng cửa, đó là nến giảm.

1.4. Các khung thời gian của mô hình nến

Khi một mô hình nến được hình thành trên biểu đồ giá, bằng cách sử dụng các khung thời gian khác nhau, kết hợp cùng các chỉ báo kỹ thuật như chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), dải Bollinger, nhà đầu tư có thể dễ dàng xác nhận xu hướng và đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.

Việc lựa chọn khung thời gian lý tưởng cho biểu đồ nến sẽ tùy thuộc vào phong cách giao dịch và sở thích của mỗi người. Các nhà giao dịch ngắn hạn sẽ thích các khung thời gian ngắn hơn như:

  • Khung 1 phút (1m)
  • Khung 5 phút (5m)
  • Khung 15 phút (15m) 
  • Khung 1 giờ (1h) 

Ví dụ: Nếu bạn sử dụng biểu đồ 1 giờ, nến giá lúc 11h00 ngày 11/11/2022 có giá mở cửa là giá vào lúc 11h00 ngày 11/11/2022 và giá đóng cửa là giá vào lúc 11h59 ngày 11/11/1022.

Trong khi các nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư dài hạn sẽ thích các biểu đồ:

  • Khung 4 giờ (4h)
  • Khung 1 ngày (1D) 
  • Khung 1 tuần (1W)
  • Khung 1 tháng (1M)

Khung thời gian ngắn có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn về biến động giá trong ngày, ngược lại, khung thời gian dài có thể giúp xác định các xu hướng rộng hơn. 

Lưu ý: Mỗi khung thời gian khác nhau sẽ cung cấp thông tin riêng biệt về giá đóng, mở, giá cao, thấp, khối lượng giao dịch và tỷ lệ thay đổi về giá so với cây nến trước; tạo thành các biểu đồ nến khác nhau. Bạn nên linh hoạt thử nghiệm các khung thời gian để xem khung thời gian nào phù hợp nhất với phương pháp giao dịch của bản thân.

2. So sánh các loại biểu đồ kỹ thuật

Ngoài đồ hình nến, biểu đồ thanh cũng là một trong những công cụ quan trọng được các nhà giao dịch sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật để xác định xu hướng giá. Biểu đồ thanh là biểu đồ mô tả dữ liệu về giá bằng cách hiển thị các thanh giá theo thời gian. Mỗi thanh giá là một đường thẳng đứng hiển thị mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất mà tài sản đạt được trong khoảng thời gian nhất định.

Biểu đồ thanh

Biểu đồ hình nến

Giống nhau

- Cung cấp thông tin về giá cao, giá thấp, giá mở cửa và giá đóng cửa của một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định.

- Được sử dụng để phân tích xu hướng, xác định các mô hình giá và đưa ra các quyết định giao dịch.

Khác nhau

- Biểu thị dữ liệu giá bằng các thanh dọc.

- Dễ hiểu, phù hợp với những người mới bắt đầu.

- Biểu thị dữ liệu giá bằng các cây nến.

- Cung cấp thêm thông tin về mức chênh lệch giữa giá mở và giá đóng cửa của một tài sản. Điều này giúp các nhà phân tích kỹ thuật dễ dàng xác định các tín hiệu đảo chiều.

- Phức tạp hơn, phù hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Ngoài ra, còn có môt dạng biểu đồ nữa gọi là biểu đồ nến rỗng (biểu đồ nến hollow). Loại biểu đồ này hoạt động tương tự như biểu đồ nến Nhật đã phân tích ở trên, chỉ có sự khác biệt ở cách thể hiện và màu sắc nến. 

Với loại biểu đồ này:

  • Nến rỗng (Hollow): Là nến tăng, có màu trắng, rỗng bên trong. 
  • Nến đặc (Solid): Là nến giảm, có màu đen.

3. Ưu điểm và hạn chế của biểu đồ nến

Biểu đồ hình nến được nhiều nhà giao dịch sử dụng bởi những ưu điểm sau đây:

  • Cung cấp hình ảnh trực quan về biến động giá và cung cấp sự linh hoạt cho việc phân tích dữ liệu theo các khung thời gian khác nhau.
  • Dễ hiểu, dễ học, dễ áp dụng.
  • Giá dễ dự đoán bởi sự thể hiện rõ ràng.
  • Tìm thấy cơ hội mua và bán tiềm năng.

Tuy nhiên, biểu đồ hình nến vẫn còn một số hạn chế mà các nhà giao dịch cần lưu ý:

  • Cần phải chờ xác nhận, gây nên độ trễ.
  • Mô hình nến tại vị trí ngẫu nhiên, không có kháng cự hay hỗ trợ mạnh thường sẽ lệch hướng.
  • Không hiển thị thông tin về volume và không tính tới các yếu tố cơ bản.

4. Xác định các xu hướng mô hình nến

Mô hình nến là sự kết hợp của nhiều nến với nhau, thể hiện câu chuyện giữa người mua và người bán trong một thời điểm rõ ràng. Bên cạnh đó, chuyển động giá trên thị trường crypto phụ thuộc vào cung, cầu và cảm xúc của nhà giao dịch. Các mô hình nến sẽ bắt đầu xuất hiện ngay sau khi giá đạt đến ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ. Do đó, khi giá di chuyển đến một vùng giá đáng chú ý thì mô hình nến sẽ trở nên rất quan trọng.

Ví dụ, ngưỡng tâm lý khi Bitcoin đạt mức $30,000 đã trở thành ngưỡng kháng cự mạnh, thu hút nhiều người giao dịch mua và bán.

Vì vậy, bạn nên theo dõi chặt chẽ hoạt động mua, bán và tham gia giao dịch chỉ khi hướng giá đã được thiết lập. 

Bằng cách đọc mô hình nến trên biểu đồ nến, nhà giao dịch có thể xác định xu hướng của thị trường. Các xu hướng thường được biểu thị bằng sự lên, xuống của giá trị tài sản trên biểu đồ nến. Các xu hướng bao gồm:

  • Xu hướng tăng (up-trend): Khi đó, các nhà giao dịch sẽ tự tin hơn. Xu hướng xuất hiện khi biểu đồ có các điểm thấp mới cao hơn mức thấp trước đó và điểm cao mới cao hơn các điểm cao trước đó. 
  • Xu hướng giảm (down-trend): Trái ngược với xu hướng tăng, khi đó biểu đồ có điểm cao mới thấp hơn điểm cao trước đó và điểm thấp mới cũng thấp hơn điểm thấp trước đó.
  • Xu hướng hợp nhất (sideway): Trong xu hướng này giá sẽ không đi theo một hướng nhất định. Giá sẽ đảo giữa cao và thấp, đồng thời các điểm cao và thấp tương đối gần nhau. 

biểu đồ nến

Các xu hướng của mô hình nến

Không có quy tắc cụ thể nào cho việc đọc biểu đồ nến, tuy nhiên ONUS khuyên bạn nên đọc từ trái sang phải. Nói chung để đọc biểu đồ nến một cách chính xác và hiệu quả, bạn nên:

  • Sử dụng nhiều khung thời gian
  • Tập trung hành động giá tại ngưỡng hỗ trợ và kháng cự quan trọng

Khung thời gian là một công cụ cần thiết và quan trọng mà các nhà giao dịch cần chú ý khi đọc biểu đồ nến. Khung thời gian càng cao thì cung cấp hướng giá càng chính xác. Do đó, nếu bạn giao dịch bất kỳ loại tiền điện tử nào, khi đọc biểu đồ nến, bạn nên xem hướng giá hàng ngày hoặc nến H3. Khi khung thời gian thấp và khung thời gian cao hơn đều cùng hướng, bạn có thể giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận.

Khi đọc biểu đồ nến, các nhà giao dịch thường không theo dõi các mô hình nến ở một vị trị ngẫu nhiên trên biểu đồ giá bởi các mô hình nến này thường không cung cấp tín hiệu chính xác cao. Tuy nhiên, một mô hình nến trong xu hướng và tại một vị trí hoàn hảo có thể cung cấp các giao dịch có xác suất chính xác cao. 

Do đó, bạn nên chú ý đến ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong biểu đồ. Ngoài ra, bối cảnh thị trường và nhiều yếu tố khác như: tin tức thị trường, dự liệu on-chain cũng rất hữu ích tham khảo để tăng tỷ lệ thành công.

Một số hành động giá thường diễn ra, bạn có thể xem xét:

  • Chuyển động mạnh: Khi giá di chuyển tăng hoặc giảm vững vàng, tạo đỉnh mới hoặc đáy mới một cách rõ ràng.
  • Độ biến động: Giá vượt đáy hoặc đỉnh cũ nhưng không thiết lập hướng giá rõ ràng.
  • Điều chỉnh: Sau khi bùng nổ giá cần điều chỉnh.
  • Không biến động: Giá biến động mạnh mẽ theo một hướng nhất định.

5. Giải nghĩa biểu đồ nến

Các mô hình nến đóng vai trò quan trọng trong giao dịch kỹ thuật. Mô hình nến đặc biệt hữu ích trong việc xác định khả năng chuyển động giá và xu hướng thị trường. Những mô hình nến phổ biến và tốt nhất bạn cần quan tâm khi giao dịch:

5.1. Mô hình nến nhấn chìm giảm (Bearish Engulfing)

Mô hình nến nhấn chìm giảm thường xuất hiện trong xu hướng tăng, khi phe bán áp đảo so với phe mua. Biểu hiện của mô hình này là một thân nến đỏ (hoặc đen) dài nuốt chửng một thân nến xanh (hoặc trắng) nhỏ phía trước. 

Mô hình này cho thấy phe bán đang giành lại quyền kiểm soát và giá có thể tiếp tục giảm.

5.2. Mô hình nến nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing)

Ở vùng giá đi lên (Bullish – thị trường Bò), mô hình nến nhấn chìm tăng xuất hiện khi lực mua vượt trội hơn so với lực bán. Trên biểu đồ, mô hình này được thể hiện bằng một thân nến xanh (hoặc trắng) dài nuối chửng hoàn toàn một thân nến đỏ (hoặc đen) nhỏ phía trước.

Như vậy, với việc phe mua đang nắm quyền chủ động, giá có thể sẽ có xu hướng tăng cao hơn.

So sánh mô hình nhấn chìm của biểu đồ nến

Mô hình nhấn chìm của biểu đồ nến

5.3. Mô hình nến sao hôm (Bearish Evening Star)

Mô hình nến sao hôm là mô hình đảo chiều giảm giá. Nến sao hôm có một bóng nến dài phía trên và phần thân nhỏ phía dưới, cho thấy sự chững lại của phe mua và sau đó phe bán nắm quyền kiểm soát.

Nếu tại ngưỡng kháng cự quan trọng nào đó mà bắt gặp nến sao băng thì đó là cơ hội bán tiềm năng mà bạn nên chú ý. Vị trí giá lý tưởng của mô hình nến sao băng là cuối xu hướng tăng.

Mô hình nến sao hôm

5.4. Mô hình nến sao mai (Bullish Morning Star)

Mô hình nến sao mai là mô hình đảo chiều tăng giá. Nến sao hôm thường được xác định bởi 3 nến liên tiếp, bao gồm: 

  • 1 nến đỏ (phổ biến nhất) thể hiện ưu thế của phe bán
  • 1 nến đỏ/xanh, cho thấy sự cạnh tranh và phân hóa rõ rệt của 2 phe mua/bán.
  • 1 nến xanh, biểu thị phe mua đã chiếm ưu thế

Nến sao mai thường hình thành sau một xu hướng giảm, cho thấy sự khởi đầu của một đợt tăng giá mới.

biểu đồ nến
Mô hình nến sao mai

5.5. Mô hình nến mẹ bồng con giảm (Bearish Harami)

Mô hình nến mẹ bồng con giảm hiển thị một thân nến nhỏ màu đen nằm gọn phía sau một thân nến xanh. Đây thường không phải là tín hiệu thuận lợi để giao dịch ngay lập tức, nhưng cũng rất đáng chú ý. 

Mô hình này biểu hiện sự do dự từ phía phe mua. Nếu sau đó giá tiếp tục đi lên, xu hướng tăng vẫn có thể tiếp tục, nhưng nếu nến giảm xuất hiện thì mô hình này dự báo giá có thể giảm sâu hơn.

biểu đồ nến
Mô hình nến mẹ bồng con giảm

5.6. Mô hình nến mẹ bồng con tăng (Bullish Harami)

Mô hình nến mẹ bồng con tăng là hình ảnh đối lập với mô hình nến mẹ bồng con giảm. Trong xu hướng giảm, sự xuất hiện của một nến xanh thân nhỏ nằm gọn phía sau một nến đỏ lớn cho thấy thị trường đang tạm ngừng đà giảm. Nếu sau đó tiếp tục xuất hiện một nến tăng nữa, giá có thể đảo chiều đi lên. 

Mô hình nến mẹ bồng con tăng

5.7. Mô hình nến tăng giá 3 bước (Bullish Rising Three)

Mô hình này bắt đầu với một nến xanh dài. Sau đó trong các phiên giao dịch thứ hai, ba và bốn, các nến đỏ đẩy giá xuống thấp hơn, nhưng giá vẫn nằm trong phạm vi giá của nến xanh đầu tiên. Phiên thứ 5 và cũng là phiên cuối cùng của mô hình sẽ tiếp tục là một nến xanh dài khác. 

Mặc dù mô hình này thể hiện 3 phiên giảm liên tiếp nhưng không tạo ra đáy mới, và phe mua đang chuẩn bị cho đợt tăng giá tiếp theo. 

biểu đồ nến
Mô hình nến tăng giá 3 bước

5.8. Mô hình nến giảm giá 3 bước (Bearish Falling Three)

Mô hình này bắt đầu với một nến đỏ giảm mạnh, sau đó là liền 3 nến xanh nhỏ có xu hướng đi lên nhưng vẫn trong phạm vi giá của nến đỏ đầu tiên. Mô hình nến giảm 3 bước sẽ hoàn thành khi ở phiên thứ 5 có một nến giảm mạnh khác. 

Điều này cho thấy là phe bán đang nắm lại quyền kiểm soát và giá có thể tiếp tục giảm thêm nữa.

biểu đồ nến
Mô hình nến giảm giá 3 bước

5.9. Mô hình nến búa (Hammer)

Nến búa có bóng nến dưới dài và thân nến nhỏ tăng hoặc giảm ở phía trên. Loại nến này thường thể hiện một sự đảo ngược xu hướng. Nến búa thể hiện phe bán đã tham gia thị trường, kéo giá xuống nhưng bị phản đối bởi phe mua. Vị trí giá lý tưởng của mô hình nến búa là cuối xu hướng giảm.

Mô hình nến búa

Mô hình nến búa

5.10. Mô hình nến người treo cổ (Hanging Man)

Mô hình nến này giống như nến búa. Tại đó, sẽ có một bóng nến dài, cao hơn hai lần so với thân nến.

 

Mô hình nến người treo cổ

Mô hình nến người treo cổ

6. Chiến thuật 3 cây nến

6.1. Hiểu về chiến lược quy luật 3 cây nến

Chiến lược quy luật 3 cây nến là một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả, được các nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng phổ biến trong quá trình phân tích tích kỹ thuật để dự đoán xu hướng thị trường và dự đoán biến động giá của tài sản trong tương lai.

Theo quy luật này, khi xuất hiện 3 cây nến cùng màu nối tiếp nhau, thì xu hướng hiện tại có khả năng đảo chiều. Cụ thể, nếu biểu đồ giá tăng và tạo ra 3 cây nến xanh liền kề, thì khả năng xu hướng sẽ đảo chiều sang giảm. Ngược lại, nếu biểu đồ giá giảm và tạo ra 3 cây nến đỏ nối tiếp nhau, thì khả năng xu hướng sẽ đảo chiều sang tăng.

6.2. Tại sao quy luật 3 cây nên lại quan trọng?

Quy luật 3 cây nến là một công cụ hữu ích giúp nhà giao dịch nhận biết được sự đảo chiều của xu hướng, từ đó tìm kiếm cơ hội giao dịch có lợi.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quy luật 3 cây nến không phải lúc nào cũng chính xác. Do đó, nhà giao dịch cần kết hợp quy luật này với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để đưa ra quyết định giao dịch chính xác.

6.3. Cách sử dụng quy luật 3 cây nến

Để áp dụng quy luật 3 cây nến, nhà giao dịch cần thực hiện các bước sau:

  • Quan sát biểu đồ và nhận diện mô hình 3 cây nến cùng màu nối tiếp nhau
  • Xác định tín hiệu giao dịch phù hợp: Nếu biểu đồ giá tăng và tạo ra 3 cây nến xanh liền kề, trader chọn lệnh giảm. Ngược lại, nếu biểu đồ giá giảm và tạo ra 3 cây nến đỏ nối tiếp nhau, trader nên chọn lệnh tăng.
  • Cài đặt stop loss và take profit để quản lý rủi ro và lợi nhuận.

7. Tài liệu cơ bản về biểu đồ nến

Với sự phát triển của mạng Internet, hiện nay bạn có thể tìm kiếm tài liệu về biểu đồ nến ở bất cứ nguồn nào, bất cứ ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, một trong số những cuốn sách được nhiều người tìm đọc nhất là quyển Japanese Candlestick Charting Technique của tác giả Steve Nison. 

Cuốn sách này có phát hành tại Việt Nam với tiêu đề Tuyệt Kỹ Giao Dịch Bằng Đồ Thị Nến Nhật, của dịch giả Thái Phạm và Đỗ Phan Thu Hà – Nhà xuất bản Thế Giới. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm phiên bản sách PDF – Biểu đồ kỹ thuật hình nến Nhật Bản do Lê Trung Dũng – Nguyễn Thanh Quế lược dịch.

8. Tổng kết

Biểu đồ nến là một công cụ phân tích kỹ thuật thị trường được sử dụng rộng rãi bởi các nhà giao dịch để dự đoán xu hướng giá của tài sản. Dựa trên hình dạng và màu sắc của nến, nhà giao dịch có thể nhận định tâm lý thị trường, mức độ biến động giá và dự đoán xu hướng giá trong tương lai.

Giao dịch crypto tại ONUS

Đọc tiếp
Câu hỏi thường gặp

Biểu đồ hình nến có thể được sử dụng để xác định giao dịch các loại tài sản nào?

Biểu đồ hình nến có thể được sử dụng để phân tích biến động giá trên tất cả các loại tài sản, bao gồm cổ phiếu, hàng hóa, ngoại hối, và tiền điện tử.

Biểu đồ hình nến có thể được sử dụng để giao dịch tự động không?

Có, biểu đồ hình nến có thể được sử dụng để giao dịch tự động. Các nhà giao dịch tự động sử dụng các thuật toán để xác định các tín hiệu từ biểu đồ hình nến và thực hiện các giao dịch tự động.

Cách quản lý rủi ro khi giao dịch với biểu đồ hình nến là gì?

Khi giao dịch với biểu đồ hình nến, việc quản lý rủi ro là điều quan trọng cần làm để bảo vệ vốn của bạn. Dưới đây là Top 5 cách để quản lý rủi ro khi giao dịch với biểu đồ hình nến:

  1. Sử dụng lệnh cắt lỗ (stop loss): Lệnh cắt lỗ là một lệnh tự động đóng giao dịch của bạn khi giá đạt đến một mức giá nhất định. Điều này giúp bạn hạn chế thua lỗ nếu thị trường đi ngược lại với dự đoán của bạn.
  2. Sử dụng lệnh chốt lời (take profit): Lệnh chốt lời là một lệnh tự động đóng giao dịch của bạn khi giá đạt đến một mức giá nhất định. Điều này giúp bạn chốt lời nếu thị trường đi theo hướng có lợi cho bạn.
  3. Sử dụng tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận (risk/reward ratio): Tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận là một thước đo để xác định mức độ rủi ro của một giao dịch. Bạn nên đặt mục tiêu cho tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận của mình là 1:2 hoặc cao hơn. Điều này có nghĩa là bạn đang chấp nhận thua lỗ 1 đồng để có thể kiếm được 2 đồng lợi nhuận.
  4. Giao dịch với khối lượng nhỏ: Giao dịch với khối lượng nhỏ sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro nếu thị trường đi ngược lại với dự đoán của bạn.
  5. Giao dịch trên các khung thời gian ngắn: Giao dịch trên các khung thời gian ngắn sẽ giúp bạn phản ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường và giảm thiểu rủi ro.

Cách đọc nến Nhật

Nến Nhật có thể được sử dụng để xác định xu hướng, mô hình giá, và hỗ trợ và kháng cự. Để sử dụng nến Nhật, nhà đầu tư cần hiểu ý nghĩa của từng kiểu hình nến và cách chúng có thể được sử dụng để dự đoán biến động giá của tài sản.

Ví dụ, một nến xanh dài có thể cho thấy xu hướng tăng mạnh mẽ đang diễn ra. Một nến đỏ dài có thể cho thấy xu hướng giảm mạnh mẽ đang diễn ra. Một nến Doji có thể cho thấy thị trường đang do dự và có thể đảo chiều xu hướng.

Mỗi cây nến Nhật bao gồm bốn yếu tố chính:

  • Giá mở cửa: Giá mở cửa của tài sản trong khoảng thời gian đó.
  • Giá cao nhất: Giá cao nhất của tài sản trong khoảng thời gian đó.
     
  • Giá thấp nhất: Giá thấp nhất của tài sản trong khoảng thời gian đó.
     
  • Giá đóng cửa: Giá đóng cửa của tài sản trong khoảng thời gian đó.
     

Nến xanh xuất hiện khi giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, biểu thị xu hướng tăng. Nến đỏ xuất hiện khi giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, biểu thị xu hướng giảm.

SHARES
Bài viết liên quan