GameFi – Chơi game cũng có thể kiếm được tiền? Thoạt nghe tưởng chừng viển vông, nhưng đây lại là xu hướng đã khuấy đảo thị trường tiền điện tử những năm vừa qua và đang có dấu hiệu bùng nổ trở lại trong năm 2024. Vậy GameFi là gì? GameFi có mối liên hệ như thế nào với blockchain và tiền điện tử? Liệu nó có thực sự mang đến cơ hội “hái ra tiền” cho người chơi? Cùng khám phá chi tiết ngay trong bài viết này!
1. Tổng quan về GameFi
1.1. GameFi là gì?
GameFi là một phân khúc thuộc hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi), có sự kết hợp của công nghệ blockchain với các yếu tố trò chơi trực tuyến (Online-gaming). Sự kết hợp này nhằm mục đích gia tăng sự quan tâm đến các dự án blockchain cụ thể và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa người dùng với một loại tiền điện tử nhất định.
Một trong những đặc điểm cốt lõi của hệ sinh thái GameFi là mô hình Play-to-Earn (P2E), trao cho người chơi động lực cần thiết để họ bỏ thời gian và công sức “cày” game. Phần thưởng họ đạt được có thể là in-game token, NFT – tài sản ảo, đất ảo,… sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ nhất định mà trò chơi đưa ra.
Khác với các game truyền thống, tài sản trong GameFi có thể được thu thập và chuyển giao qua nhiều nền tảng khác nhau. Người chơi có thể giao dịch, cho thuê, bán lại hoặc dùng làm tài sản trên các ứng dụng tài chính phi tập trung khác. Nói cách khác, mọi tài sản, phần thưởng trong game của người chơi đều có giá trị kinh tế thực.
1.2. GameFi giải quyết bất cập của ngành game truyền thống
Trước khi có sự xuất hiện của GameFi, hầu hết các game truyền thống diễn ra trong một hệ sinh thái tập trung, biệt lập, quyền kiểm soát hoàn toàn nằm trong tay các nhà phát triển. Dù cho người chơi có dành bao nhiêu tình cảm, tâm huyết để “cày” tựa game yêu thích thì đến cuối cùng họ cũng không nhận được giá trị thực nào ngoài tính “giải trí”. Hay nói đúng hơn, mọi tài sản, tiền thưởng, danh hiệu, vũ khí, tài sản,… mà họ tốn công sức đạt được trong game không mang lại cho họ một giá trị thực nào.
Có thể bạn chưa biết: Một trong những sự kiện khởi nguồn cho tham vọng xây dựng Ethereum của “thiên tài” Vitalik Buterin cũng gắn liền với “nỗi đau” liên quan đến game truyền thống. Trong tiểu sử của mình, Vitalik tiết lộ:
“Tôi đã từng mê đắm trò World of Craft trong những năm 2007 – 2010. Cho tới một ngày Blizzard loại bỏ sát thương bùa chú của nhân vật phù thủy tôi yêu thích nhất – Siphon Life. Tôi khóc cả đêm và từ đó nhận ra sự kinh khủng mà các ngành dịch vụ tập trung có thể mang lại.”
Nhưng GameFi thì khác. Bằng cách trao cho người chơi quyền sở hữu thực sự với các vật phẩm, GameFi và cơ chế Play-to-Earn (Chơi để kiếm tiền) đã mở đường cho một nền kinh tế phi tập trung, nơi chơi game cũng có thể mang lại thu nhập.
2. GameFi hoạt động như thế nào?
Các nền tảng GameFi được hỗ trợ vận hành bởi các hợp đồng thông minh (smart contract). Tính linh hoạt và khả năng lập trình của hợp đồng thông minh biến chúng thành công cụ mạnh mẽ để tạo ra những trải nghiệm GameFi độc đáo và sáng tạo.
Mỗi trò chơi thường có nhiều hợp đồng thông minh được thiết kế riêng cho một mục đích hoặc chức năng cụ thể. Ví dụ, trong trò chơi có thể có một hợp đồng thông minh để quản lý việc tạo và phân phối tài sản cho người chơi, một hợp đồng để quản lý phần thưởng và khuyến khích người chơi, và một hợp đồng riêng để quản lý giao dịch tài sản và nền kinh tế trong trò chơi.
GameFi có 4 thành phần chính: Blockchain, NFT, Play to Earn và DeFi.
2.1. Blockchain
Công nghệ blockchain là nên tảng của GameFi. Phần lớn các trò chơi blockchain được xây dựng trên mạng Ethereum. Các giao thức GameFi như Polygon, Polkadot hay Solana cũng đang ngày càng phổ biến hơn nhờ khả năng mở rộng và tốc độ cực nhanh.
Vận hành trò chơi trên sổ cái phân tán của blockchain không chỉ đảm bảo quyền sở hữu của người chơi mà còn giúp cách giao dịch luôn minh bạch, công bằng.
2.2. NFT
Trong hệ sinh thái GameFi, NFT được sử dụng để đại diện cho các tài sản có thể giao dịch trên thị trường. NFT trong game có thể được trao đổi để lấy các NFT khác hiếm hơn, hoặc lấy tiền điện tử, tiền pháp định. Không giống các trò chơi truyền thống, NFT đảm bảo rằng tất cả các tài sản trong game là duy nhất và không thể bị làm giả hoặc trùng lặp.
Phần lớn các game trong hệ sinh thái GameFi đều sử dụng cơ chế khuyến khích người chơi vượt qua các cấp độ, thực hiện thử thách và kiếm tiền từ đất ảo, cải thiện các nhân vật kỹ thuật số họ đang sở hữu.
2.3. Play to Earn
Đối với GameFi, người chơi chỉ cần chơi và tiếp tục phát triển nhân vật của mình, qua đó tích lũy được các bộ sưu tập kỹ thuật số dưới dạng NFT và token. Những tài sản này có giá trị và có thể mua bán, trao đổi trên thị trường. Ngoài ra, GameFi cũng có DAOs – cộng đồng tự trị phi tập trung để đưa ra các quyết định công bằng dựa trên ý kiến của cộng đồng.
2.4. DeFi
Một số dự án GameFi cũng tích hợp các yếu tố tài chính phi tập trung, cho phép người chơi tạo thu nhập thụ động thông qua việc stake token, hoặc cung cấp thanh khoản. DeFi cũng đóng vai trò quan trọng để các dự án kêu gọi vốn khi phát hành lần đầu trên sàn DEX. Cuối cùng, DeFi cũng chịu trách nhiệm trong việc phân bổ phần thưởng và những ưu đãi khác trong game.
3. Ưu điểm và hạn chế của GameFi
3.1. Ưu điểm của GameFi
- Mô hình “Chơi để kiếm tiền” (Play-to-Earn): Đây là sự thay thế cho mô hình “Pay-to-Play” truyền thống trước đây. P2E mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền, khuyến khích sự tham gia của nhiều người hơn vào ngành, thúc đẩy việc áp dụng tiền điện tử rộng rãi.
- NFT: NFT là một cách để thúc đẩy quyền sở hữu tài sản ảo mà không bị kiểm soát bởi các thực thể tập trung. Đối với nhiều người chưa từng thấy lợi ích của các vật phẩm trong trò chơi, NFT là một cách để tối đa hóa thu nhập và sở hữu những vật phẩm sưu tầm quý hiếm và có giá trị.
- Tính toàn cầu: Một số trò chơi truyền thống hạn chế người chơi đến từ một số địa điểm nhất định trên toàn cầu. Mặt khác, GameFi vượt qua biên giới và cho phép mọi người dùng trên toàn thế giới tham gia vào ngành công nghiệp đang không ngừng phát triển này. Những cơ hội này thúc đẩy sự hòa nhập tài chính và kiến thức sâu hơn về ngành công nghệ.
3.2. Hạn chế của GameFi
- Khó tiếp cận: Các game blockchain thường có cơ chế khá phức tạp, khó tiếp cận với người mới và chưa có nhiều kiến thức về game. Điều này đòi hỏi các nhà phát triển phải nghiên cứu để cho ra mắt các game điều hướng dễ dàng hơn.
- Biến động thị trường: Giá của NFT và token GameFi có thể thay đổi liên tục, nhà đầu tư có thể thua lỗ trong giai đoạn thị trường biến động mạnh.
- Rủi ro pháp lý: GameFi hiện chưa có các quy định rõ ràng, điều này có nghĩa là việc chơi game blockchain, kiếm và giao dịch token GameFi tiềm ẩn rủi ro pháp lý.
- Rủi ro đầu tư: Không phải tất cả các dự GameFi đều được phát triển nghiêm túc, bài bản. Các trường hợp lừa đảo, rug pull, hack khiến người chơi dễ gặp rủi ro bảo mật, thất thoát tài sản.
4. Dự án GameFi nổi bật trên thị trường
Khi nhắc đến GameFi, Axie Infinity được coi là một trong những game thành công nhất và là “ngọn cờ tiên phong” cho rất nhiều trò chơi khác trên thị trường. Founder của tựa game “gây sốt giới blockchain” này không ai khác là một người Việt Nam – anh Nguyễn Thành Trung.
Ra mắt vào năm 2018, Axie là một game blockchain chiến đấu. Người dùng có thể mua NFT các sinh vật dễ thương trong game và đi đọ sức với những người chơi khác để nhận thưởng AXS. Tài sản trong game có giá trị kinh tế, thậm chí có một số sinh vật trong game được rao bán lên tới 1,5 triệu USD. Ngoài ra, đất ảo trong trò chơi này cũng thu hút sự chú ý khi được bán với mức giá 2,3 triệu USD.
- Theo dõi giá AXS/USD hôm nay
- Theo dõi giá AXS/VND hôm nay
- Hướng dẫn mua Axie Infinity
- Nghiên cứu về Axie Infinity (AXS)
Bằng cách thu thập, nuôi dưỡng, nhân giống và chiến đấu, người chơi có thể gia tăng cơ hội nhận thưởng của mình. Token AXS cũng có thể được stake để kiếm lãi. Và cũng như phần lớn các game blockchain khác, Axies Infinity có thể tham gia hoàn toàn miễn phí hoặc đầu tư một ít nếu muốn.
Ngoài ra, trên thị trường tiền điện tử cũng không thiếu những tựa game blockchain đình đám như Gods Unchained, Sorare, Illuvium,….
5. Tiềm năng phát triển của GameFi trong tương lai
Giai đoạn nửa cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, ngành công nghiệp GameFi đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc lên tới 2000% với hàng ngàn dự án mới ra mắt cộng đồng. Từ đó tới nay, hàng tỷ đô la đã được đổ vào phân khúc thị trường này.
Một báo cáo từ Binance cũng cho biết GameFi là một trong những lý do chính khiến ngày càng có nhiều nhà phát triển trò chơi nắm bắt công nghệ blockchain, chẳng hạn như Ubisoft, EA (Electronic Arts) và Tencent. Dù trải qua thời kỳ suy thoái dài, nhưng số lượng dự án vẫn không ngừng tăng lên.
Năm 2024, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của thị trường tiền điện tử, GameFi chắc chắn sẽ vươn tới những cột mốc đáng chú ý mới. Việc các nhà phát triển game áp dụng công nghệ blockchain cũng đang thúc đẩy việc mở rộng thị trường hơn. Dự đoán GameFi có thể đạt mức tăng trưởng khủng khiếp trong thập kỷ tới, lên 545.98 tỷ USD vào năm 2028.