Tìm hiểu hệ sinh thái Ethereum và những mảnh ghép cốt lõi (2024)

KEY TAKEAWAYS:
Mạng Ethereum đóng vai trò là nền tảng cho cộng đồng, ứng dụng, tổ chức và tài sản kỹ thuật số, cho phép bất kỳ ai cũng có thể xây dựng và sử dụng.
Ethereum là một hệ sinh thái rộng lớn và là mảnh đất tiềm năng để các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phi tập trung.
Những mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái Ethereum bao gồm: AMM/DEX; Derivatives, Yield Farming/Aggregator, Lending/Borrowing, Wallet, Liquid Staking/Farming, Bridge, Stablecoin, Gaming, NFT và DAO.
Khác với Bitcoin chỉ cung cấp một chức năng duy nhất là chuyển giao giá trị, công nghệ của Ethereum cho phép các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng phức tạp với khả năng gần như vô tận.

Ethereum là gì? Tìm hiểu toàn tập về mạng lưới Ethereum, hệ sinh thái lớn lớn nhất thị trường crypto với hơn 4,000 dự án DeFi đang hoạt động.

Những mảnh ghép tạo nên hệ sinh thái Ethereum

1. Tổng quan về hệ sinh thái Ethereum

1.1. Ethereum là gì?

Ethereum là một mạng lưới các máy tính trên toàn thế giới tuân theo một bộ quy tắc gọi là giao thức Ethereum. Mạng Ethereum đóng vai trò là nền tảng cho cộng đồng, ứng dụng, tổ chức và tài sản kỹ thuật số, cho phép bất kỳ ai cũng có thể xây dựng và sử dụng.

Khác với EthereumPoW (ETHW)Ethereum Classic (ETC), Ethereum sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS), cho phép mạng lưới này giảm mức tiêu thụ năng lượng, tăng khả năng mở rộng và gia tăng tốc độ giao dịch.

Ethereum là một nền tảng công nghệ hỗ trợ triển khai các ứng dụng phi tập trung đứng đầu trên thị trường tiền điện tử. Được phát triển từ năm 2013, Ethereum không ngừng cải tiến về mặt công nghệ, nhờ đó, Ethereum không chỉ đi đầu với tư cách là nền tảng hợp đồng thông minh mà đã trở thành một tượng đài trên thị trường crypto.

ETH coin là đồng tiền điện tử hoạt động chính thức trong hệ sinh thái Ethereum, vận hành trên nền tảng Ethereum theo tiêu chuẩn ERC20. ETH coin đóng vai trò là nguyên liệu để thực hiện các hoạt động giao dịch trong mạng lưới Ethereum (phí Gas).

1.2. Lịch sử phát triển của Ethereum

Lịch sử phát triển của Ethereum
Lịch sử phát triển của Ethereum

1.2.1. Ra mắt Whitepaper cho Ethereum (2014)

Vào năm 2013, nhà sáng lập Vitalik Buterin lần đầu tiên chia sẻ phiên bản phác thảo whitepaper cho Ethereum. Chỉ có một nhóm các chuyên gia và nhà phát triển được phép truy cập và xem trước bản phác thảo này. Những phản hồi từ các chuyên gia đã giúp Vitalik Buterin hoàn thiện bản whitepaper chính thức của Ethereum, được công bố vào năm 2014.

1.2.2. Khai thác khối (block) đầu tiên của Ethereum (2015)

Sau hơn 1 năm phát triển, vào tháng 06/2015, khối (block) đầu tiên của mạng lưới Ethereum đã được khai thác. Sự kiện khai thác block đầu tiên của Ethereum là một cột mốc quan trọng trong lịch sử crypto, đánh dấu sự ra đời của blockchain Ethereum, một trong những nền tảng blockchain hàng đầu hiện nay.

1.2.3. Ethereum Classic ra đời (2016)

Vào tháng 05/2016, tổ chức tự trị phi tập trung DAO của Ethereum đã chính thức được thành lập và tiến hành sự kiện gọi vốn với tổng giá trị lên tới 150 triệu USD. DAO được phát triển nhằm mục đích tận dụng dụng công nghệ Ethereum để cho phép các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới huy động vốn và bỏ phiếu về cách triển khai. 

Tuy nhiên, vào tháng 06/2016, dự án đã trở thành đối tượng của một cuộc tấn công. Hacker đã lợi dụng lỗ hổng chia tách trong mã code của hợp đồng thông minh để thành lập một “child DAO” và chuyển số tiền lên tới 60 triệu USD vào ví của “child DAO”.

Để ngăn chặn hacker và lấy lại khoản tiền bị đánh cắp, đội ngũ phát triển và cộng đồng đã quyết định tiến hành hard fork, khiến mạng lưới Ethereum bị chia tách làm hai – Ethereum và Ethereum Classic.

1.3. Ethereum giải quyết vấn đề gì?

Trong khi Bitcoin, mạng lưới blockchain đầu tiên, hoạt động như nền tảng hỗ trợ các giao dịch kỹ thuật số, thì sự khác biệt của Ethereum nằm ở tiện ích rộng lớn hơn. Ethereum đóng vai trò là nền tảng để triển khai “hợp đồng thông minh”, là các chương trình máy tính tự động thực hiện các hành động khi đáp ứng một số điều kiện nhất định, giúp giảm nhu cầu về trung gian và tăng cường tính minh bạch trong giao dịch.

Tính năng này đã biến Ethereum trở thành một công cụ không thể thiếu đối với các nhà phát triển, cung cấp cho họ cơ hội để tạo ra các ứng dụng phi tập trung (DApp). Các DApp này bao gồm các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi), trò chơi blockchain, nền tảng NFT,… Mỗi ứng dụng đều khai thác cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Ethereum. 

Ethereum đã giúp thị trường tiền điện tử tiến xa hơn bằng cách cung cấp cho các nhà phát triển một môi trường hoàn hảo để xây dựng các ứng dụng phi tập trung (DApp) an toàn, bảo mật, với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới hàng tỷ USD. Nói một cách đơn giản, nếu blockchain của Bitcoin được gọi là Blockchain 1.0 thì Ethereum xứng đáng với tên gọi Blockchain 2.0.

1.4. Tổ chức quản lý và đội ngũ sáng lập Ethereum

1.4.1. Tổ chức quản lý

  • Ethereum Foundation (EF) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2014 tại Thụy Sĩ, nhằm mục địch cung cấp hỗ trợ cho các dự án và tổ chức trong cộng đồng Ethereum. EF không phải là một công ty hay một tổ chức phi lợi nhuận truyền thống. Mục tiêu của EF là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Ethereum, nhưng không kiểm soát hoặc dẫn dắt nền tảng này. 
  • Enterprise Ethereum Alliance (EEA) được ra mắt vào tháng 02/2017. EEA được thành lập nhằm mục đích cho phép các tổ chức áp dụng và sử dụng công nghệ Ethereum trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của họ.
  • Consensys là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ blockchain có trụ sở tại Mỹ. ConsenSys đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Ethereum, bao gồm việc ươm mầm cho các dự án chạy trên nền tảng của Ethereum. Ngoài ra, ConsenSys cũng sở hữu và quản lý các giao thức trụ cột của Ethereum như ví MetaMask và dự án Web3 Infura. 

1.4.2. Đội ngũ sáng lập

  • Vitalik Buterin là một lập trình viên, nhà văn người Canada gốc Nga và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực blockchain. Vào năm 206 và 2018, Vitalik Buterin đã được tạp chí Fortune vinh danh trong danh sách “40 Under 40”. Năm 2018, Vitalik Buterin được tạp chí Forbes xếp hạng là một trong những người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi, trở thành một trong những tỷ phú tiền điện tử giàu nhất thế giới.
  • Gavin Wood là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong giai đoạn phát triển ban đầu của Ethereum. Anh ấy đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền tảng, bao gồm việc tạo ra mạng thử nghiệm Ethereum đầu tiên, xuất bản báo cáo màu vàng của dự án và đề xuất ngôn ngữ lập trình Solidity. Gavin Wood hiện đang tiếp tục công việc của mình với tư cách là nhà đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của Web3 Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ sự phát triển của Web3. Wood cũng là người sáng lập của Parity Technologies, một công ty phát triển phần mềm blockchain.
  • Jeffrey Wilke là một trong những người sáng lập và đóng góp vào sự phát triển của Ethereum. Jeffrey Wilke bắt đầu xây dựng Ethereum lần đầu tiên bằng ngôn ngữ lập trình Go vào năm 2013 và tiếp tục lãnh đạo sự phát triển Ethereum cho đến ngày nay.
  • Joseph Lubin là người đồng sáng lập dự án Ethereum và là người sáng lập Consensys, một trong những công ty blockchain hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Joseph Lubin cũng tham gia vào việc thành lập Ethereum Foundation.
  • Vlad Zamfir là một nhà nghiên cứu nổi tiếng với công trình nghiên cứu về “kinh tế học tiền điện tử”, bằng chứng cổ phần và blockchain sharding trong hệ sinh thái Ethereum.

1.5. Ethereum hoạt động như thế nào?

1.5.1. Hợp đồng thông minh

Không giống như các ứng dụng truyền thống, các ứng dụng xây dựng trên Ethereum được gọi là ứng dụng phi tập trung (DApp), được thực thi nhờ sử dụng các hợp đồng thông minh (smart contract). Hợp đồng thông minh là các chương trình code được lưu trữ trên blockchain và tự động thực hiện một số chức năng nhất định khi đáp ứng các điều kiện xác định trước. Hợp đồng thông minh được sử dụng nhằm mục đích tự động thực thi các điều khoản trên hợp đồng mà không cần sự can thiệp từ bên thứ ba.

1.5.2. Cơ chế đồng thuận Proof of Stake

Trước đây, Ethereum là một nền tảng blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Work. Tuy nhiên, sau khi sự kiện The Merge diễn ra vào ngày 15/09/2022, cơ chế đồng thuận Proof-of-Work của Ethereum đã được thay thế bằng Proof-of-Stake nhằm cải thiện khả năng mở rộng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình khai thác các khối bên trong mạng lưới.

1.6. Cấu trúc DeFi của Ethereum

Hệ thống DeFi của Ethereum được cấu tạo bởi các lớp (layer) chịu trách nhiệm cho các quy trình khác nhau và cho phép các giao dịch, hợp đồng hoạt động một cách trơn tru.

Cấu trúc DeFi của Ethereum
Cấu trúc DeFi của Ethereum

1.6.1. Settlement Layer (Lớp 1)

Settlement Layer là lớp nền tảng chính của blockchain. Settlement Layer được sử dụng để xây dựng các ứng dụng phi tập trung, lưu trữ và xác nhận các giao dịch.

1.6.2. Asset Layer (Lớp 2)

Asset Layer là lớp bao gồm các tài sản được phát hành trên Settlement Layer, bao gồm token và NFT.

1.6.3. Protocol Layer (Lớp 3) 

Protocol Layer là lớp cung cấp các tiêu chuẩn cho từng nhánh khác nhau trong DeFi (DEX, derivatives, asset management). Các tiêu chuẩn này được triển khai dưới dạng một tập hợp các smart contract mà bất kỳ người dùng hoặc ứng dụng DeFi nào cũng có thể truy cập và phát triển.

1.6.4. Application Layer (Lớp 4)

Application Layer là lớp bao gồm các ứng dụng phi tập trung (dApp). Khác với các giao thức được sử dụng bởi các nhà phát triển, các ứng dụng trên Application Layer tập trung vào trải nghiệm người dùng bằng cách cung cấp giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Hầu hết các ứng dụng phổ biến trong hệ sinh thái Ethereum như sàn giao dịch tiền điện tử phi tập trung và dịch vụ cho vay, đều nằm trong lớp này.

1.6.5. Aggregation Layer (Lớp 5)

Aggregation Layer là lớp tổng hợp trong đó các trình tổng hợp kết nối các ứng dụng khác nhau từ lớp trước để cung cấp các công cụ tổng hợp và dịch vụ so sánh, cho phép người dùng thực hiện những tính năng phức tạp. Ví dụ: Sàn giao dịch 1inch tổng hợp dữ liệu giá từ nhiều sàn giao dịch phi tập trung để cung cấp cho nhà đầu tư mức giá tốt nhất.

1.7. Ethereum 2.0 là gì?

Ethereum 2.0 là quá trình nâng cấp mạng lưới Ethereum, chuyển đổi từ cơ chế đồng thuận Proof-of-Work sang Proof-of-Stake. Việc chuyển đổi sang cơ chế Proof-of-Stake sẽ giúp mạng lưới giảm mức tiêu thụ năng lượng, tăng khả năng mở rộng và gia tăng tốc độ giao dịch. Đây là cột mốc quan trọng nhất lịch sử tính đến thời điểm hiện tại của Ethereum, khi blockchain này chấp nhận thay đổi thuật toán đồng thuận để vừa giải quyết vấn đề quy mô, vừa giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động đào coin.

1.8. So sánh Ethereum và Bitcoin

Nếu như Bitcoin được sử dụng chủ yếu như một sổ cái phân tán cho các giao dịch tài chính, thì Ethereum được phát triển như một nền tảng điện toán phân tán để vận hành các ứng dụng. Theo quan điểm của nhà sáng lập Vitalik Buterin, Bitcoin giống như một chiếc máy tính bỏ túi “chỉ làm tốt được một việc”, còn Ethereum là một chiếc điện thoại thông minh và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

So sánh Ethereum và Bitcoin
So sánh Ethereum và Bitcoin

1.9. Ưu điểm của hệ sinh thái Ethereum

Ưu điểm của hệ sinh thái Ethereum
Ưu điểm của hệ sinh thái Ethereum
  • Phí giao dịch thấp: Một trong những lợi thế quan trọng nhất của Ethereum là khả năng thực hiện các hợp đồng thông minh, là các thỏa thuận tự thực hiện với các điều khoản trong thỏa thuận giữa người mua và người bán. Điều này có nghĩa là hợp đồng có thể được thực thi tự động, giảm nhu cầu về trung gian và giảm chi phí giao dịch.
  • Tốc độ giao dịch nhanh chóng: Ethereum có khả năng xử lý các giao dịch nhanh hơn Bitcoin. Các block mới được xác thực trên mạng Bitcoin 10 phút một lần trong khi trên mạng Ethereum, những block mới được xác thực 15 giây một lần.
  • Thân thiện với nhà phát triển: Tính linh hoạt của Ethereum cho phép các nhà phát triển tạo ra nhiều ứng dụng và token phi tập trung khác nhau để phù hợp với các trường hợp sử dụng khác nhau. Ngôn ngữ lập trình của Ethereum, Solidity, hỗ trợ hợp đồng thông minh Turing-complete, cho phép tạo ra các ứng dụng phức tạp và có thể tùy chỉnh. 
  • An toàn, bảo mật: Ethereum là một trong những mạng lưới an toàn và bảo mật nhất hiện nay. Tất cả các giao dịch và hợp đồng thông minh được thực hiện trên Ethereum đều được ghi lại trên sổ cái công khai, cho phép tất cả mọi người truy cập. Tính minh bạch này làm giảm nguy cơ gian lận vì bất kỳ ai cũng có thể xác minh giao dịch. Ngoài ra, Ethereum còn sở hữu các tính năng bảo mật như mã hóa mật mã và cơ chế đồng thuận phi tập trung, giúp cho mạng lưới có khả năng chống lại các cuộc tấn công từ các hacker.

1.10. Ứng dụng thực tế của Ethereum

1.10.1. Tài chính, ngân hàng

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của Ethereum là cho phép các tổ chức tài chính, ngân hàng tận dụng công nghệ blockchain để thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và tiết kiệm hơn. Theo một báo cáo được thực hiện bởi Jupiter Research, vào năm 2030, việc sử dụng blockchain dự kiến sẽ giúp các ngân hàng giảm 11% chi phí cho các giao dịch thanh toán quốc tế, tương đương với mức giảm lên tới 27 tỷ USD.

1.10.2. Thương mại quốc tế

Quy trình trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia khác nhau yêu cầu rất nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan đến các loại chứng nhận vận chuyển hàng hoá. Quy trình phức tạp này có thể mất rất nhiều thời gian và khiến các doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro liên quan đến lừa đảo, mất hàng hoá.

Bằng cách ứng dụng công nghệ của Ethereum, dữ liệu của doanh nghiệp sẽ được lưu trữ trên một mạng lưới phi tập trung, chỉ những bên được uỷ quyền mới có thể truy cập hồ sơ và trao đổi dữ liệu. Ngoài ra, giải pháp của Ethereum còn giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình tài chính thương mại và trao đổi hàng hóa mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.  

1.10.3. Chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng là một hệ thống phức tạp bao gồm nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và các dữ liệu liên quan đến việc sản xuất và phân phối sản phẩm đến người dùng cuối. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ứng dụng công nghệ của Ethereum có thể được áp dụng để cắt giảm chi phí vận hành cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng, giúp quản lý dữ liệu một cách hiệu quả và cải thiện quy trình kinh doanh cho các doanh nghiệp.

1.10.4. Bất động sản

Giải pháp của Ethereum có thể được sử dụng để tối ưu hóa các quy trình bất động sản hiện tại và loại bỏ các bên trung gian. Một trong những ứng dụng thú vị nhất của Ethereum trong ngành bất động sản là token hóa. Giải pháp này cho phép người dùng dễ dàng mua và bán bất động sản theo tỷ lệ phần trăm nhỏ. Phương pháp token hoá bất động sản giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận, loại bỏ các trở ngại khi tham gia thị trường bất động sản và mở ra cơ hội lớn hơn cho các nhà đầu tư.

1.11. Những thành tích mà Ethereum đạt được

Ethereum là một hệ sinh thái rộng lớn và là mảnh đất tiềm năng để các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phi tập trung. Hiện Ethereum có tổng cộng hơn 4,000 dự án DeFi, hơn 96 triệu tài khoản có số dư ETH, 53.3 triệu hợp đồng thông minh, tổng giá trị được đảm bảo đạt 410 tỷ USD và số lượng giao dịch hằng ngày đạt hơn 2 triệu. Ngoài ra, tổng giá trị bị khoá (TVL) của Ethereum cũng đạt con số khổng lồ 32.992 tỷ USD, chiếm 57.51% toàn bộ thị trường crypto. 

Các số liệu thống kê về mạng lưới Ethereum:

  • Giá Ethereum hiện tại: 3,360.57 USD
  • Vốn hóa thị trường: 405.73b USD
  • Nguồn cung lưu hành: 120,177,941 ETH
  • Tổng nguồn cung: 120,177,941 ETH
  • Số lượng giao dịch: 2,020,410
  • Tốc độ giao dịch: 12.2 TPS
  • TVL: $32.992 tỷ
mua bán
Lợi ích khi mua bán ETH trên ONUS

1.12. Lộ trình phát triển của Ethereum trong năm 2024

Theo bản cập nhật do nhà sáng lập Vitalik Buterin công bố vào ngày 31/12/2023, lộ trình Ethereum trong năm 2024 bao gồm các bản nâng cấp quan trọng sau:

  • The Merge: Quá trình chuyển đổi của Ethereum từ cơ chế Proof-of-Work (PoW) sang cơ chế Proof-of-Stake (PoS), được gọi là The Merge, diễn ra vào tháng 09/2022. Quá trình chuyển đổi này đóng một vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm mức tiêu thụ năng lượng của nền tảng. 
  • The Surge: Được thiết kế để cải thiện khả năng mở rộng mạng lưới bằng cách triển khai phân đoạn dữ liệu, tính năng này chia blockchain thành các phân đoạn nhỏ hơn, cho phép xử lý giao dịch nhanh hơn và giảm chi phí một cách tối đa. The Surge được thực hiện nhằm mục đích nâng cao khả năng mở rộng của Ethereum bằng cách cung cấp tốc độ 100,000 giao dịch mỗi giây.
  • The Scourge: Tập trung vào việc giải quyết các lỗ hổng bảo mật và cải thiện sự an toàn của mạng. The Scourge được thực hiện nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro liên quan đến Maximal Extractable Value (MEV) và tổng hợp thanh khoản, từ đó tạo ra một môi trường kinh tế công bằng và phi tập trung hơn cho tất cả những người tham gia.
  • The Verge: Tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng và nâng cao các công cụ dành cho nhà phát triển. The Verge được phát triển để đơn giản hóa giao diện của Ethereum và cải thiện quy trình phát triển cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) và các ứng dụng khác để tạo ra một hệ sinh thái thân thiện và hiệu quả hơn cho cả nhà phát triển và người dùng.
  • The Purge: Bản cập nhật này được xây dựng mục đích nâng cao hiệu quả tổng thể và giảm thiểu rủi ro bảo mật tiềm ẩn bằng cách loại bỏ code lỗi thời hoặc không cần thiết. Từ đó đảm bảo một hệ thống an toàn, cải thiện hiệu suất tổng thể và tính ổn định của nền tảng.
  • The Splurge: Với bản cập nhật này, đội ngũ Ethereum sẽ thực hiện nghiên cứu các công nghệ mới cho Ethereum, đồng thời cải tiến EVM và áp dụng Account Abstraction trên quy mô lớn.

2. Những thành phần quan trọng trong hệ sinh thái Ethereum

2.1. DeFi

DeFi là từ viết tắt của Decentralized Finance, đề cập đến các nền tảng tài chính phi tập trung trên blockchain. Trong giai đoạn từ 2019 – 2021, DeFi đã trở thành xu hướng và nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư cũng như cộng đồng người dùng blockchain. Các ứng dụng DeFi đã dần xuất hiện và đóng một vai trò thiết yếu trong sự bùng nổ của toàn bộ thị trường tiền điện tử nói chung hay hệ sinh thái Ethereum nói riêng. Đặc biệt, giai đoạn từ 2020 đến 2021 được cho là thời điểm “cao điểm” khi các dự án DeFi phát triển mạnh mẽ và lượng TVL trong các giao thức tăng lên.

Theo Defilama, cho đến nay đã có hơn 1,000 giao thức DeFi được phát triển trên Ethereum với tổng TVL của toàn bộ hệ thống hiện là 32.992 tỷ USD.

Các lĩnh vực phổ biến của DeFi bao gồm: AMM/DEX; Derivatives, Yield Farming/Aggregator, Lending/Borrowing, Wallet, Liquid Staking/Farming, Bridge, Stablecoin. 

2.1.1. AMM/DEX

DEX (Decentralized Exchange) là sàn giao dịch phi tập trung được xây dựng trên blockchain, cho phép người dùng trao đổi tài sản trực tiếp với nhau mà không cần thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào.

Trên Ethereum, DEX bao gồm 2 cơ chế: AMM và Order book. Cơ chế Order book mang lại hiệu quả cao cho người giao dịch vì họ sẽ biết giá khớp lệnh là bao nhiêu. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ phù hợp với những thị trường có tính thanh khoản cao như CEX. Với thị trường DeFi có tính thanh khoản thấp hơn, AMM được coi là cơ chế tối ưu cho DEX, giúp mỗi lệnh giao dịch được khớp dễ dàng hơn.

AMM (Automated Market Maker) là Nhà tạo lập thị trường tự động. Thay vì sử dụng sàn giao dịch truyền thống với Order book, người dùng sẽ giao dịch với liquidity pool do liquidity provider cung cấp.

Đánh giá tổng quan:

Các điểm đáng chú ý của AMM/DEX bao gồm: TVL, số lượng người dùng, tính phi tập trung hoặc tính thanh khoản. Dựa trên những yếu tố này, người dùng có thể đánh giá và lựa chọn AMM/DEX phù hợp để giao dịch và đầu tư.

Dự án nổi bật: Uniswap, Balancer, 1inch

2.1.2. Yield Aggregator

Yield Aggregator là giao thức tổng hợp lợi nhuận được xây dựng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận từ các giao dịch vay và cho vay thông qua việc tự động chuyển đổi, tìm kiếm và tận dụng các cơ hội sinh lời từ nhiều giao dịch, các định dạng DeFi khác nhau.

Đặc điểm của các dự án Yield Aggregator trên Ethereum:

  • Tự động hóa: Công cụ tổng hợp lợi nhuận tự động thực hiện các giao dịch và chiến lược giao dịch để tối đa hóa lợi nhuận cho người dùng. Bằng cách kết hợp và tận dụng các tính năng của các giao thức DeFi khác nhau, Yield Aggregator đơn giản hóa quy trình và giúp người dùng tiết kiệm thời gian và công sức.
  • Đa dạng hóa: Công cụ tổng hợp lợi nhuận sử dụng nguồn cung vốn từ nhiều giao thức DeFi khác nhau để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm rủi ro. Phân tán vốn trên nhiều giao thức giúp giảm thiểu rủi ro thua lỗ và mang lại lợi nhuận ổn định hơn cho người dùng.
  • Tính linh hoạt và khả năng mở rộng: Yield Aggregator có khả năng tích hợp và tương tác với nhiều giao thức và dự án DeFi khác nhau trên Ethereum. Điều này mang lại sự linh hoạt và khả năng mở rộng, cho phép người dùng tận dụng các cơ hội sinh lợi từ các dự án và giao thức mới nổi trong hệ sinh thái DeFi.

Dự án nổi bật: Yearn Finance, Origin DeFi, Flamincome, Sommelier.

2.3.3. Derivatives

Derivatives là các công cụ phái sinh tài chính được tạo ra từ một tài sản cơ bản như tiền tệ, chứng khoán, hàng hóa hoặc tiền điện tử. Nó được sử dụng để mua hoặc bán một tài sản trong tương lai với giá trị đã thỏa thuận trước đó.

Hợp đồng phái sinh cho phép người dùng kiếm lợi nhuận từ sự biến động giá của tài sản mà không cần trực tiếp sở hữu tài sản đó.

Đặc điểm của các dự án Derivatives trên Ethereum:

Điểm đáng chú ý nhất của Derivatives là đòn bẩy. Người dùng có thể mua hoặc bán một lượng tài sản lớn hơn số vốn thực tế sử dụng, tăng khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, sử dụng đòn bẩy cũng tiềm ẩn rủi ro lớn và có thể dẫn đến thua lỗ.

Dự án nổi bật: Synthetix, dYdX, Keep3r Network, IPOR, Hakka Finance.

2.3.4. Lending/Borrowing

Lending/Borrowing là hình thức cho phép người dùng cho vay hoặc vay tiền điện tử từ người khác mà không cần qua trung gian như ngân hàng truyền thống.

Những đặc điểm quan trọng

  • Đa dạng hóa tài sản: Người dùng có thể sử dụng các tài sản như ETH, stablecoin hoặc ERC-20 token để tham gia vào các hoạt động cho vay/vay. Điều này tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và tận dụng tài sản.
  • Cơ chế đảm bảo: Các dự án cho vay/vay thường áp dụng các cơ chế đảm bảo như giao dịch hợp đồng thông minh và cung cấp tính minh bạch để đảm bảo an toàn và độ tin cậy cho người dùng.

Dự án nổi bật: Aave, Compound Finance, Spark, Morpho, Silo Finance

2.3.5. Liquid Staking/Farming

Liquid Staking là thuật ngữ dùng để chỉ các giao thức cho phép người dùng tham gia staking (gửi tiền) một tài sản cụ thể và nhận lại token đại diện cho tài sản staking theo tỷ lệ. 1:1. Ví dụ: khi người dùng tham gia stake ETH trên giao thức Lido, họ sẽ nhận được stETH với tỷ lệ tương ứng.

Vai trò của Liquid Staking/Farming trên Ethereum:

  • Mang lại tính thanh khoản cho tài sản staking: Một trong những lý do để phát triển Liquid Staking là nhằm giải quyết vấn đề thiếu thanh khoản. Người dùng có thể sử dụng token đại diện để kiếm thêm lợi nhuận bằng nhiều cách khác nhau như cho vay hoặc tiếp tục giao dịch để tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người dùng.
  • Mang lại sự linh hoạt cho việc staking tài sản: Sự khác biệt chính giữa Liquid Staking và staking tiếp nằm ở chỗ khi tham gia Liquid Staking, tài sản của người dùng không bị khóa hoàn toàn. Thay vào đó, các giao thức sẽ cấp cho người dùng token đại diện theo tỷ lệ 1:1.

Điều này cho phép người dùng bán token đại diện bất kỳ lúc nào khi thị trường có biến động mạnh, nhằm hạn chế tổn thất ở mức tối thiểu. 

Trong quá trình staking thông thường, chủ sở hữu token ủy quyền tài sản của một người xác thực duy nhất và tài sản đã staking có thể bị mất nếu người xác thực thực hiện các hành động làm hỏng mạng. 

Tuy nhiên, với Liquid Stake Pool, token sẽ được ủy quyền cho nhiều người xác thực để giảm nguy cơ mất tài sản. Hơn nữa, các giao thức Liquid Staking còn có quỹ bảo hiểm để bồi thường cho khách hàng trong trường hợp cần thiết. Điều này làm tăng tính an toàn và giảm rủi ro cho người dùng tham gia Liquid Staking.

Dự án nổi bật: Lido Finance, Rocket Pool, Binance staked ETH, Mantle Staked ETH, Coinbase Wrapped Swap ETH.

2.3.6. Stablecoin

Stablecoin là tiền điện tử được thiết kế để có giá trị ổn định, thường bằng hoặc gần với giá trị của một loại tiền tệ truyền thống, chẳng hạn như đô la Mỹ. Mục đích chính của stablecoin là giúp giảm thiểu biến động giá và tạo ra một phương tiện thanh toán và lưu trữ giá trị đáng tin cậy trên blockchain.

Các dự án nổi bật: 5 stablecoin hàng đầu có vốn hóa thị trường lớn nhất bao gồm: Tether (USDT); USD Coin (USDC); Dai (DAI); First Digital USD (FDUSD) và TrueUSD (TUSD).

Stablecoin
Stablecoin

2.3.7. Bridge

Bridge là một công nghệ hoặc giao thức được sử dụng để kết nối hai blockchain hoặc nhiều blockchain khác nhau, cho phép chuyển đổi và di chuyển tài sản từ blockchain này sang blockchain khác một cách dễ dàng. Mục đích chính của Bridge là hỗ trợ chuyển/giao dịch tài sản và thông tin giữa các mạng blockchain. 

Đặc điểm của các dự án Bridge trên Ethereum: khả năng tương thích, an toàn và bảo mật.

Dự án nổi bật: Stargate Finance, Multichain, Lifi, Celer Network, Boba Network,…

2.3.8. Wallet

Wallet (ví tiền điện tử) là một ứng dụng hoặc nền tảng được sử dụng để lưu trữ, quản lý và giao dịch các tài sản điện tử như tiền điện tử, token và NFT. Wallet cung cấp một giao diện cho phép người dùng tạo và quản lý tài khoản cá nhân, thực hiện giao dịch và tương tác với blockchain.

Đặc điểm của các ứng dụng Wallet trên Ethereum: an toàn và bảo mật; quản lý đa tài sản; tích hợp blockchain.

Dự án nổi bật: Metamask 

2.2. Gaming

Trò chơi blockchain là các trò chơi điện tử được quản lý hoặc xây dựng một phần bằng công nghệ blockchain. Tùy thuộc vào cách nhà phát triển tận dụng công nghệ blockchain, đôi khi các dự án này được gọi là trò chơi crypto, trò chơi NFT, trò chơi web3 hoặc trò chơi metaverse. 

Đặc điểm của các dự án Gaming trên Ethereum

  • Phi tập trung: Trò chơi blockchain có thể được xây dựng và duy trì bởi nhiều thành viên độc lập của một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) thay vì bởi một công ty hoặc một tổ chức duy nhất, khiến việc thỏa hiệp hoặc ngừng hoạt động các dự án trở nên khó khăn hơn. Tất nhiên, các nhà sản xuất trò chơi điện tử truyền thống vẫn có thể cung cấp các trò chơi blockchain với những lợi ích tương tự mà không cần quản lý chúng thông qua DAO.
  • Khả năng tương tác: Các trò chơi dựa trên blockchain có thể tương tác liền mạch với các trò chơi blockchain khác, mở rộng thị trường tiềm năng cho các tài sản liên quan đến bất kỳ trò chơi cụ thể nào.
  • Quyền sở hữu trong trò chơi và tính năng play-to-earn: Trò chơi blockchain mang đến cơ hội cho người dùng mua hoặc giành được các tài sản kỹ thuật số như các token hoặc NFT. Người chơi có thể giữ hoặc bán những tài sản này trên các thị trường phi tập trung để đổi lấy tiền pháp định.
  • Khả năng di chuyển dữ liệu của người dùng: Trò chơi trên blockchain có thể giúp người chơi kiểm soát dữ liệu và tài sản của riêng họ, cho phép họ di chuyển chúng từ nền tảng hoặc trò chơi này sang nền tảng hoặc trò chơi khác một cách dễ dàng.

Các dự án nổi bật: Axie Infinity, Decentraland, The Sandbox, Crypto Kitties, My Crypto Heroes, Ailen Worlds, Illuvium,…

2.3. NFT

Mảnh ghép quan trọng tiếp theo trong hệ sinh thái Ethereum là NFT. Ethereum là một trong những hệ sinh thái mà phân khúc NFT phát triển mạnh mẽ nhất.

2.3.1. Bộ sưu tập NFT

Bộ sưu tập NFT là bộ sưu tập các tác phẩm kỹ thuật số độc đáo và không thể thay thế, được tạo ra trên nền tảng blockchain. Mỗi tác phẩm NFT có một thông tin nhận dạng và quyền sở hữu duy nhất được lưu trữ và xác thực bằng công nghệ blockchain. NFT có thể được sử dụng trong các ứng dụng phi tập trung (DApp), cho phép cho người dùng tạo và sở hữu các vật phẩm, đồ sưu tầm kỹ thuật số độc đáo.

Nhiều loại tiêu chuẩn token khác nhau trên Ethereum đã được tạo ra để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành NFT. Nổi bật nhất trong số này là ERC-721, tiêu chuẩn để phát hành và giao dịch các tài sản NFT trên blockchain Ethereum. Việc tiêu chuẩn hóa NFT này thúc đẩy mức độ tương tác cao hơn, nghĩa là các tài sản NFT có thể được di chuyển giữa các ứng dụng một cách tương đối dễ dàng.

Non-fungible tokens (NFT) có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những thành phần chính của nền kinh tế kỹ thuật số mới được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain. Loại tài sản này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như trò chơi điện tử, nhận dạng kỹ thuật số, giấy phép, chứng chỉ hoặc tác phẩm nghệ thuật. 

Công nghệ NFT thậm chí còn cho phép người dùng sở hữu một phần các mặt hàng thay vì sở hữu toàn bộ. Việc lưu trữ quyền sở hữu và dữ liệu nhận dạng trên blockchain sẽ tăng cường tính toàn vẹn và quyền riêng tư của dữ liệu, đồng thời cho phép người dùng di chuyển và quản lý các tài sản này một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Đặc điểm của các bộ sưu tập NFT trên Ethereum: tính độc đáo, quyền sở hữu, giá trị và lợi ích cộng đồng.

Các dự án nổi bật: Những bộ sưu tập NFT hàng đầu trên mạng lưới Ethereum bao gồm Bayc, Azuki, Degods, Captainz, Punk, Pudgy Penguins, CryptoPunks…

2.3.2. Ứng dụng tài chính cho NFT (NFTFi)

Các ứng dụng tài chính cho NFT (NFTFi) là sự kết hợp của hai yếu tố: NFT và Finance. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa NFT với các tính năng tài chính như vay, cho thuê và giao dịch, từ đó giúp tạo ra lợi nhuận từ NFT.

Đặc điểm của các ứng dụng tài chính cho NFT (NFTFi) trên Ethereum: Với NFTFi, người dùng có thể thực hiện các hoạt động như: vay, cho thuê, giao dịch; từ đó tạo ra lợi nhuận.

Các dự án cho vay/Perps NFT nổi bật:

  • ParaSpace là giao thức NFTFi trên Ethereum, cho phép người dùng tạo, quản lý và giao dịch NFT có giá trị cao. Giao thức này cung cấp các tính năng vay, lưu trữ và phân phối NFT, tạo điều kiện tạo ra lợi nhuận từ tài sản NFT.
  • NFTperp là một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) dành cho NFT trên Ethereum. NFTperp cung cấp infinite protocol trading và hợp đồng thông minh được thiết kế đặc biệt cho giao dịch NFT, cho phép người dùng mua, bán và đấu giá những tài sản kỹ thuật số độc đáo này.
  • Sudoswap là giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) trên Ethereum, tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận từ NFT. Sudoswap cho phép người dùng vay, cho thuê và tham gia vào các quỹ đầu tư NFT, tạo điều kiện khai thác giá trị và tạo ra lợi nhuận từ tài sản NFT.

Các nền tảng NFT Marketplace nổi bật:

  • Blur là một nền tảng NFT Marketplace ra đời sau OpenSea nhưng được coi là đối thủ cạnh tranh đáng gờm vì tính thanh khoản cao.
  • OpenSea là một trong những NFT Marketplace hàng đầu trên Ethereum, cho phép người dùng mua, bán và khám phá hàng nghìn NFT từ các loại nội dung khác nhau như hình ảnh, video, âm nhạc và trò chơi.
  • Rarible là nền tảng NFT Marketplace phi tập trung trên Ethereum, cho phép người dùng tạo, mua và bán các sản phẩm NFT độc đáo. Rarible cung cấp các công cụ cho phép người dùng tạo NFT và kiếm lợi nhuận từ việc bán chúng.
  • SuperRare là NFT Marketplace tập trung vào nghệ thuật kỹ thuật số, cho phép các nghệ sĩ tạo, bán và giao dịch các tác phẩm NFT độc đáo. Nền tảng này đặc biệt chú trọng đến việc xác thực các tác phẩm và đảm bảo tính duy nhất của mỗi NFT.

2.4. DAO

DAO là các tổ chức phi tập trung được xây dựng trên nền tảng Ethereum, nơi cộng đồng tham gia và đưa ra quyết định theo cách phi tập trung. Khi tham gia DAO, người dùng sẽ có cơ hội tham gia vào các quyết định chiến lược, phân bổ nguồn lực và kiếm lợi nhuận từ các hoạt động của tổ chức.

Đặc điểm của các dự án DAO trên Ethereum

  • Phi tập trung: Các quyết định tác động đến tổ chức được đưa ra bởi một tập hợp các cá nhân. Thay vì dựa vào hành động của một cá nhân (CEO) hoặc một nhóm nhỏ các cá nhân (Hội đồng quản trị), DAO có thể phân cấp quyền lực cho phạm vi người dùng lớn hơn rất nhiều.
  • Sự tham gia: Các cá nhân trong một tổ chức có thể cảm thấy được trao quyền và kết nối nhiều hơn với tổ chức đó khi họ có tiếng nói trực tiếp và quyền biểu quyết về mọi vấn đề. Những cá nhân này có thể không có quyền biểu quyết mạnh mẽ, nhưng DAO khuyến khích chủ sở hữu token bỏ phiếu, đốt token hoặc sử dụng token của họ theo cách mà họ cho là tốt nhất cho tổ chức.
  • Công khai: Trong DAO, quy trình bỏ phiếu được thực hiện qua blockchain và được cập nhật một cách công khai và minh bạch. Điều này khuyến khích những hành động có lợi cho danh tiếng của người vote và ngăn cản những hành động chống lại cộng đồng.

Các dự án nổi bật: Merit Circle, Developer DAO, BuidlGuidl, VectorDAO, Friends With Benefits, Yield Guild Games.

3. Về ETH coin – token gốc của mạng lưới Ethereum

Đồng coin native của mạng Ethereum, Ethereum (ETH), đóng vai trò là đồng tiền điện tử chính để cung cấp năng lượng cho các ứng dụng được xây dựng trên blockchain Ethereum. 

danh mục token onus
Khám phá các token hot nhất theo từng danh mục cụ thể trên ONUS

Ethereum là loại tiền điện tử lớn thứ hai theo vốn hóa thị trường, chỉ xếp sau Bitcoin (BTC). Không giống như Bitcoin, Ethereum không chỉ được sử dụng để bảo toàn hoặc chuyển giao giá trị. Mạng lưới Ethereum cung cấp các công cụ mạnh mẽ cho các nhà phát triển để tạo và triển khai các tài sản và dịch vụ phi tập trung, có khả năng tương tác. 

Người tạo ra Ethereum, Vitalik Buterin, từng mô tả Bitcoin như một chiếc máy tính bỏ túi và Ethereum như một chiếc điện thoại thông minh. Công nghệ của Bitcoin cho phép mạng lưới này thực hiện rất tốt một chức năng duy nhất – chuyển giao giá trị. Mặt khác, các nhà phát triển Ethereum có thể tạo ra các ứng dụng phức tạp với khả năng gần như vô tận.

Đọc tiếp
Câu hỏi thường gặp

Hệ sinh thái Ethereum có bao nhiêu dự án DeFi?

Hiện mạng lưới Ethereum có tổng cộng hơn 4,000 dự án DeFi, hơn 96 triệu tài khoản có số dư ETH, 53.3 triệu hợp đồng thông minh, tổng giá trị được đảm bảo đạt 410 tỷ USD và số lượng giao dịch hằng ngày đạt 1.181 triệu. Ngoài ra, tổng giá trị bị khoá (TVL) của Ethereum cũng đạt con số khổng lồ 32.992 tỷ USD, chiếm 57.51% toàn bộ thị trường crypto. 

Mảng nào đang chiếm TVL cao và được chú trọng nhiều nhất trong hệ sinh thái Ethereum?

Hiện tại, Liquid Staking đang là mảng phát triển nhất trong hệ sinh thái Ethereum. Dự án nổi bật nhất là Lido Finance với tổng giá trị bị khoá (TVL) đạt $22.701 tỷ.

Hệ sinh thái Ethereum bao gồm những ứng dụng gì?

Hệ sinh thái Ethereum bao gồm các ứng dụng DeFi thuộc mảng AMM/DEX; Derivatives, Yield Farming/Aggregator, Lending/Borrowing, Wallet, Liquid Staking/Farming, Bridge, Stablecoin. Ngoài ra, mạng lưới Ethereum còn bao gồm các dự án Gaming, NFT và DAO.

Những đồng coin nào thuộc hệ sinh thái Ethereum?

Theo ONUS tổng hợp, các token hệ Ethereum bao gồm: SHIBA INU (SHIB), Dai (DAI), First Digital USD (FDUSD), Arbitrum (ARB), Mantle (MNT), Render (RNDR), The Sandbox (SAND), Beam (BEAM), Manta Network (MANTA),...

Làm thế nào để giao dịch trên Ethereum?

Để giao dịch trên Ethereum, bạn có thể lựa chọn một trong những sàn giao dịch Ethereum phổ biến như Uniswap, Balancer, Bancor, Thorchain,... Có rất nhiều sàn giao dịch Ethereum để bạn lựa chọn, mỗi sàn đều có một mức phí và cung cấp các tính năng khác nhau.

Cách phân biệt mạng Ethereum và Ethereum 2.0?

Ethereum 1.0 là phiên bản của mạng blockchain hoạt động dựa trên giao thức PoW và cho phép khai thác ETH coin. Ethereum 2.0 là mạng lưới Ethereum sau khi đã thực hiện bản nâng cấp giúp chuyển đổi từ cơ chế đồng thuận Proof-of-Work sang Proof-of-Stake. Việc chuyển đổi sang cơ chế Proof-of-Stake sẽ giúp mạng lưới giảm mức tiêu thụ năng lượng, tăng khả năng mở rộng và gia tăng tốc độ giao dịch. 

Nguyên nhân ETH tăng trưởng trong 3 tháng qua là gì?

Sự tăng trưởng về hoạt động của mạng lưới, những tín hiệu tích cực của thị trường cùng với kỳ vọng của nhà đầu tư về việc phê duyệt các quỹ Ethereum spot ETF là những nguyên nhân khiến ETH tăng 24.48% trong 3 tháng qua.

SHARES