Mô hình Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết lừa đảo góp vốn Ponzi

KEY TAKEAWAYS:
Ponzi là một hình thức lừa đảo tài chính theo mô hình đa cấp. Trong đó, người đầu tư trước được trả lãi bằng tiền vốn của người đầu tư sau để tạo ra ảo giác về nguồn lợi nhuận.
Dấu hiệu nhận biết điển hình bao gồm: hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế, thiếu minh bạch về cách thức hoạt động, áp lực tái đầu tư cao, và gặp khó khăn khi rút vốn.
Thị trường crypto đặc biệt dễ bị tấn công bởi Ponzi vì 3 yếu tố: tính ẩn danh cao khó truy vết, thiếu khung pháp lý rõ ràng, và đặc tính của thị trường còn non trẻ với nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Không có khoản đầu tư nào hoàn hảo - lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro tương xứng. Nếu một cơ hội đầu tư nghe quá hoàn hảo, nhiều khả năng đó là bẫy Ponzi.

Mô hình Ponzi là gì? Đằng sau những lời hứa hẹn lợi nhuận “khủng” là cả một chiếc bẫy tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Ponzi không chỉ là vấn đề phức tạp trong đầu tư truyền thống mà còn len lỏi cả vào thị trường tiền điện tử. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ Ponzi là gì, cách nó hoạt động và những dấu hiệu nhận biết trước khi quá muộn.

Mô hình ponzi
Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết Ponzi trong đầu tư crypto

1. Tổng quan về mô hình Ponzi

1.1. Ponzi Scheme là gì?

Ponzi là một hình thức lừa đảo tài chính theo mô hình đa cấp. Trong đó, người đầu tư trước được trả lãi bằng tiền vốn của người đầu tư sau để tạo ra ảo giác về nguồn lợi nhuận. 

Mô hình đa cấp Ponzi có thể mở rộng nhanh chóng thành một mạng lưới lớn, thu hút đông đảo người tham gia vì tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, nó sẽ sụp đổ ngay khi kẻ đứng đầu bỏ trốn, hoặc khi nhiều nhà đầu tư đồng loạt yêu cầu rút tiền. 

Ponzi Scheme có thể núp bóng dưới nhiều hình thức: đầu tư bất động sản, huy động tiền gửi, chứng khoán, đầu tư crypto,…

Ponzi là gì?
Ponzi là gì?

1.2. Mô hình lừa đảo Ponzi bắt nguồn từ đâu?

Mô hình Ponzi được đặt tên theo Charles Ponzi – một người Ý gốc Mỹ, nổi tiếng với vụ lừa đảo hơn 15 triệu USD từ hàng ngàn nạn nhân vào những năm 1920. Tận dụng sự chênh lệch giá của tem phiếu quốc tế, Charles Ponzi đã mua IRC (Phiếu hồi đáp thư từ quốc tế) ở nước ngoài và bán lại với giá cao hơn tại Mỹ, ước tính lợi nhuận thu về hơn 400%.

Để tiếp tục phát triển dự án, Charles Ponzi đã vay mượn tiền từ bạn bè. Ông hứa hẹn lợi nhuận 50% trong vòng 45 ngày, hoặc thậm chí lên tới 100% trong 90 ngày. Món hời ngay lập tức thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Tại đỉnh điểm, Charles Ponzi thu về khoảng 1 triệu Đô la Mỹ mỗi tuần. 

mô hình ponzi
Charles Ponzi – Cha đẻ của mô hình Ponzi tai tiếng

Tuy nhiên, kế hoạch này không bền vững. Số lượng IRC thực tế Charles Ponzi mua không đủ để hỗ trợ các khoản thanh toán. Vào tháng 8 năm 1920, mô hình này sụp đổ khi các nhà đầu tư đồng loạt đòi rút tiền. Theo Boston Post điều tra, Charles Ponzi đã cuỗm 20 triệu USD từ khoảng 40,000 người và làm 6 ngân hàng phá sản.

2. Cách thức vận hành của mô hình Ponzi

2.1. Vòng đời của mô hình Ponzi

Các vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi thường trải qua bốn giai đoạn chính: Bắt đầu, Mở rộng, Bão hòa và Sụp đổ.

  • Giai đoạn bắt đầu: Kẻ lừa đảo lên kế hoạch về cơ hội đầu tư hoặc mô hình kinh doanh giả định, liên tục quảng cáo với cam kết lợi nhuận cao nhưng rủi ro thấp.
  • Giai đoạn mở rộng: Tiền của nhà đầu tư mới được sử dụng để trả lợi nhuận cho những người tham gia trước. Điều này thu hút các nhà đầu tư tiếp tục tái đầu tư và mời gọi người mới.
  • Giai đoạn bão hòa: Số lượng nhà đầu tư mới giảm dần và dòng tiền bắt đầu chậm lại.
  • Giai đoạn sụp đổ: Nhà đầu tư nhận thấy bất thường hoặc không còn nhận được lợi nhuận như cam kết, dẫn đến yêu cầu rút tiền hàng loạt. Kẻ lừa đảo thường biến mất cùng toàn bộ số tiền.

2.2. Các thành phần tham gia vào mô hình Ponzi

Mô hình lừa đảo Ponzi thường bắt đầu với một cá nhân hoặc tổ chức đứng ra chỉ đạo. Họ liên tục mở rộng mạng lưới người tham gia với hứa hẹn lợi nhuận cao. Sau đó dùng tiền vốn của người mới trả cho nhà đầu tư cũ.

Điều này tạo ra một cấu trúc không bền vững và cuối cùng dẫn đến sụp đổ. Đặc biệt là khi hệ thống không còn đủ nguồn tài chính mới để trả lãi cho những nhà đầu tư cũ.

mô hình ponzi
Các thành phần tham gia vào mô hình Ponzi

Mô hình đa cấp Ponzi thường vận hành với các nhân tố như:

  • Người sáng lập: Người đứng đầu của mô hình, điều hành hệ thống Ponzi. Thủ phạm sẽ tận dụng sự phức tạp của hệ thống để lừa đảo các nhà đầu tư.
  • Các nhà đầu tư cấp cao: Là những người tham gia hệ thống Ponzi từ rất sớm. Họ thường nhận được lợi nhuận lớn hơn từ tiền gửi ban đầu và từ lợi nhuận của các nhà đầu tư cấp thấp hơn.
  • Các nhà đầu tư cấp thấp: Đây là những người gia nhập sau cùng trong hệ thống. Họ hầu như sẽ không nhận hoặc nhận ít lợi nhuận hơn so với tiền gửi ban đầu và là những người bị tổn thất nhiều nhất khi mô hình sụp đổ.
  • Các trung gian và nhà phân phối: Các trung gian hoặc nhà phân phối giúp mô hình Ponzi tiếp cận được nhiều đối tượng hơn. Từ đó, họ có thể nhận được phần trăm hoa hồng từ các nhà đầu tư được họ giới thiệu vào hệ thống.

3. Dấu hiệu nhận biết mô hình lừa đảo Ponzi

Qua thực tế những thương vụ lừa đảo đầu tư vào mô hình Ponzi tại Việt Nam và trên khắp thế giới, đều có chung một số dấu hiệu điển hình như sau:

  • Lợi nhuận phi thực tế: Ponzi thường hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường, vượt xa mức trung bình của thị trường.
  • Cơ chế “trả nợ cũ bằng tiền mới”: Đây là cốt lõi của Ponzi. Tiền từ nhà đầu tư mới được dùng để trả lãi cho nhà đầu tư cũ, tạo ảo tưởng về lợi nhuận ổn định.
  • Thiếu minh bạch: Người tổ chức Ponzi thường không cung cấp thông tin chi tiết về chiến lược đầu tư hoặc nguồn lợi nhuận, viện cớ “bí mật kinh doanh”.
  • Áp lực tái đầu tư: Nhà đầu tư được khuyến khích mạnh mẽ để tái đầu tư lợi nhuận, nhằm giữ tiền trong hệ thống lâu hơn.
  • Khó rút vốn: Khi nhà đầu tư muốn rút tiền, họ thường gặp nhiều trở ngại hoặc bị trì hoãn.
  • Marketing Agressive: Ponzi thường sử dụng chiến lược tiếp thị quyết liệt, tận dụng mạng lưới quan hệ cá nhân và truyền miệng.
  • Thiếu giấy phép hoặc đăng ký: Nhiều Ponzi hoạt động mà không có giấy phép kinh doanh hợp pháp hoặc đăng ký với cơ quan quản lý tài chính.
  • Tính không bền vững: Cuối cùng, mọi Ponzi đều sụp đổ khi không còn đủ nhà đầu tư mới để duy trì hệ thống.

Hiểu rõ những đặc điểm này giúp nhà đầu tư cảnh giác hơn trước các kế hoạch đầu tư đáng ngờ, bảo vệ tài sản của mình khỏi rủi ro lừa đảo.

4. So sánh Ponzi với hình thức lừa đảo Kim tự tháp

4.1. Pyramid Scheme là gì?

Pyramid Scheme (hay mô hình kim tự tháp) là một hình thức kinh doanh bất hợp pháp dựa trên việc tuyển dụng thành viên mới liên tục để tạo ra lợi nhuận.

Cấu trúc của nó giống hình kim tự tháp, với số lượng thành viên tăng theo cấp số nhân ở mỗi tầng dưới. Trong mô hình này, người tham gia phải đóng một khoản phí ban đầu và được hứa hẹn thu nhập lớn nếu tuyển được người mới. Lợi nhuận chủ yếu đến từ phí tham gia của thành viên mới, không phải từ việc bán sản phẩm hay dịch vụ thực sự.

4.2. Phân biệt Ponzi Scheme và Pyramid Scheme

Dưới đây là bảng so sánh hai hình thức lừa đảo Ponzi và Pyramid (Kim tự tháp) để bạn dễ dàng phân biệt:

Tiêu chí

Ponzi Scheme

Pyramid Scheme

Cấu trúc cơ bản

Tập trung vào 1 người hoặc 1 tổ chức đứng đầu. Mọi thành viên đều có thể tương tác với chủ thể này. 

Phân cấp theo hình kim tự tháp. Mỗi thành viên phải tuyển thêm được người mới.

Cách thức hoạt động

Sử dụng tiền của nhà đầu tư mới để trả lãi cho nhà đầu tư cũ. 

Người tham gia phải trả phí tham gia và tuyển thêm người mới để nhận hoa hồng.

Nguồn thu nhập

Chủ yếu từ tiền của nhà đầu tư mới.

Từ phí tham gia và hoa hồng tuyển dụng người mới.

Mô hình kinh doanh

Thường giả mạo là quỹ đầu tư hoặc công ty tài chính. Khiến người tham gia ảo tưởng họ đang đầu tư hợp pháp. 

Thường ngụy trang dưới dạng marketing đa cấp hoặc cơ hội kinh doanh. 

Hứa hẹn lợi nhuận

Cam kết lợi nhuận cao, ổn định và "đảm bảo".

Hứa hẹn thu nhập không giới hạn dựa trên số người được tuyển dụng.

Tính bền vững

Sụp đổ khi không còn đủ nhà đầu tư mới. Hoặc khi các nhà đầu tư đồng loạt rút tiền. 

Sụp đổ khi không thể tuyển thêm được người mới.

Độ phức tạp

Cao. Thậm chí có một hệ thống tài chính lớn "giả mạo" chống lưng phía sau.

Đơn giản và dễ hiểu về cấu trúc. 

Đối tượng mục tiêu

Thường là nhà đầu tư có nhiều tiền.

Nhắm vào mọi đối tượng, đặc biệt là những người thu nhập tầm trung muốn kiếm thêm. 

Rủi ro phát hiện 

Khó phát hiện hơn do được ngụy trang tương đối kỹ.

Dễ phát hiện hơn do cấu trúc rõ ràng.

Thiệt hại tài chính

Lớn

Trung bình - Lớn

6. Tại sao Crypto là thiên đường cho mô hình Ponzi?

6.1. 3 nguyên nhân chính

Thị trường tiền điện tử đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của các vụ lừa đảo Ponzi trong những năm gần đây. Theo Ponzi Tracker, chỉ riêng năm 2022, thiệt hại từ các vụ lừa đảo crypto đã tăng gần 200%, từ 907 triệu USD lên tới 2.57 tỷ USD.

Vậy nguyên nhân do đâu mà mô hình đa cấp Ponzi lại dễ xảy ra trong thị trường crypto?

  • Tính ẩn danh cao: Các giao dịch Crypto được bảo mật và rất khó truy xuất thông tin do tính phi tập trung. Nhờ đó, kẻ lừa đảo dễ dàng che giấu hành vi và tẩu tán tài sản. 
  • Thiếu quy định pháp lý: Hầu hết các chính phủ chưa công nhận và chưa có khung pháp lý rõ ràng crypto. Khi người dùng rơi vào bẫy lừa đảo Ponzi, khả năng mất trắng tài sản là rất cao.
  • Thị trường còn non trẻ: Kiến thức về thị trường vẫn liên tục cập nhật và chưa được phổ biến rộng rãi. Trong khi đó, nhà đầu tư mới lại thiếu kinh nghiệm, FOMO (sợ bỏ lỡ) với tâm lý ham lợi nhuận cao. 
mô hình ponzi
Ponzi xuất hiện nhiều trong thị trường crypto

6.2. 2 yếu tố khiến nhà đầu tư Crypto dễ sập “bẫy” Ponzi

Nhà đầu tư crypto dễ sập bẫy Ponzi bởi mục đích tìm kiếm lợi nhuận và thường quan tâm đến hai yếu tố chính:

  • Tỷ suất hoàn vốn (ROI): ROI đại diện cho lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu về từ khoản vốn ban đầu. Khi ROI cao, nhà đầu tư có xu hướng mở rộng danh mục đầu tư. Ngược lại, khi ROI thấp, họ sẽ thận trọng hơn. Các dự án lừa đảo Ponzi thường đưa ra mức ROI cao để thu hút vốn đầu tư.
  • Tỷ lệ rủi ro: Đây là khả năng mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư. Bất kỳ khoản đầu tư nào cũng mang một mức độ rủi ro nhất định. Đặc biệt, với mô hình lừa đảo Ponzi, tỷ lệ rủi ro rất cao. Tuy nhiên, do ROI được hứa hẹn quá hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư vẫn bị sập bẫy và bỏ qua tỷ lệ rủi ro.

Để hiểu rõ hơn về cách đầu tư tiền điện tử và tránh vướng vào cạm bẫy Ponzi, bạn có thể tham gia Khóa học Trading từ A – Z miễn phí của ONUS.

7. Cách phòng tránh rơi vào “bẫy” mô hình Ponzi

Sau 100 năm, mô hình Ponzi đã trở nên tinh vi đến mức ngay cả người am hiểu tài chính cũng có thể mắc bẫy. Đây là những điều bạn cần làm để tự bảo vệ mình:

  • Đặc biệt cảnh giác với các khoản đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường mà rủi ro thấp, hoặc cam kết “đảm bảo” lợi nhuận. 
  • Yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin bằng văn bản về cách thức hoạt động của mọi dự án đầu tư mình tham gia.
  • Kiểm tra kỹ hồ sơ công ty, bao gồm thông tin về ban lãnh đạo, báo cáo tài chính, giấy phép hoạt động và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. 
  • Tìm hiểu rõ về cách thức sinh lời của dự án. Nếu không ai có thể giải thích rõ ràng tiền từ đâu ra, rất có thể đó là tiền của nhà đầu tư mới.
  • Không vội vàng ra quyết định khi bị tạo áp lực về thời gian hoặc bị dụ dỗ bằng các ưu đãi “có hạn”. Lừa đảo thường tạo cảm giác khẩn cấp để nạn nhân không kịp suy nghĩ kỹ.
  • Nếu phát hiện mình đã sập bẫy, hãy ngừng đầu tư ngay, cố gắng rút vốn càng sớm càng tốt và cảnh báo người thân. Đừng ngại báo cáo với cơ quan chức năng.

Nhớ rằng: Không có khoản đầu tư nào hoàn hảo – lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro tương xứng. Nếu một cơ hội nghe chừng quá khó tin, nhiều khả năng đó chính là bẫy Ponzi.

8. Một số vụ lừa đảo Ponzi khét tiếng giới Crypto

8.1. Vụ lừa đảo OneCoin

OneCoin bị cáo buộc là dự án lừa đảo Ponzi vào năm 2017. Họ tự giới thiệu là doanh nghiệp tiền điện tử với công nghệ khác biệt so với Bitcoin, bán khóa học công nghệ và cam kết trả 5% tổng doanh thu cho người tham gia nếu họ tuyển dụng được người mới.

Đến giai đoạn mở rộng, dự án đã thu về 4.3 tỷ USD từ hơn 3.5 triệu người tham gia trong khoảng 2014 đến 2016. Sau đó, khi bước vào giai đoạn bão hòa ở năm 2016, dòng tiền vào OneCoin bắt đầu chậm lại do nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về mô hình kinh doanh.

Vụ lừa đảo OneCoin
Vụ lừa đảo OneCoin

Sự nghi ngờ lan rộng dẫn đến hành động rút tiền hàng loạt. Cuối năm 2016, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bắt đầu điều tra. Tháng 10/2017, OneCoin bị cáo buộc lừa đảo theo hình thức Ponzi vì sản phẩm không có thật và các khóa học dính án đạo văn. Dự án sụp đổ, kẻ đứng đầu OneCoin bỏ trốn cùng toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

8.2. FTX – Đế chế Crypto sụp đổ

FTX từng là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới, do Sam Bankman-Fried sáng lập. Tuy nhiên, mô hình lừa đảo Ponzi liên quan đến FTX đã làm chấn động cộng đồng tài chính.

Ra đời vào năm 2019, FTX nhanh chóng nổi bật nhờ phát hành token FTT thông qua ICO. Công ty đã đẩy mạnh quảng cáo với các chiến dịch rầm rộ, hợp tác với người nổi tiếng và cam kết lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, có thể lên đến 100 lần. Chiến dịch marketing hiệu quả giúp FTX thu hút hàng triệu nhà đầu tư. Đến tháng 1/2022, công ty đạt giá trị 32 tỷ USD.

FTX - Đế chế lớn thứ 2 thị trường crypto sụp đổ
FTX – Đế chế lớn thứ 2 thị trường crypto sụp đổ

Nhưng vào tháng 11/2022, một bài báo của CoinDesk tiết lộ rằng Alameda Research, một công ty liên kết với FTX, đã sử dụng tiền của nhà đầu tư cho các hoạt động mờ ám. Nhiều người phát hiện lãi suất mà họ nhận được đến từ tiền của người đầu tư sau, dấu hiệu rõ ràng của mô hình Ponzi.

Ngày 2/11/2023, Sam Bankman-Fried bị cáo buộc với 7 tội danh lừa đảo. Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), FTX đã sử dụng tiền của nhà đầu tư cho mục đích cá nhân và tài trợ cho các chiến dịch quảng cáo nhằm tiếp tục thu hút vốn mới, khiến hệ thống tài chính của công ty đổ vỡ hoàn toàn.

 
Sam Bankman - Fried, nhà sáng lập & CEO của sàn giao dịch FTX.
Sam Bankman – Fried, nhà sáng lập & CEO của sàn giao dịch FTX.

8.3. BitConnect – Siêu lừa đảo Ponzi

Bên cạnh sự kiện FTX, BitConnect cũng là một dự án lừa đảo Ponzi nổi tiếng, gây tổn thất 2 tỷ USD cho hàng loạt nhà đầu tư. Cuối tháng 11/2016, BitConnect ra mắt tại Việt Nam và tiếp cận người dùng dưới hình thức gọi vốn ICO, thông qua token BCC. Hơn 1 triệu token BCC được bán ra với giá khoảng 1.84 USD.

Sau 6 tháng tăng trưởng nhanh chóng, ngày 10/6/2017, token BCC đạt giá khoảng 59.24 USD, tăng trưởng hơn 50 lần kể từ khi ra mắt. Điều này dẫn đến nhiều nhà đầu tư FOMO và tham gia vào thương vụ này.

BitConnect - Siêu lừa đảo Ponzi
BitConnect – Siêu lừa đảo Ponzi

4/1/2018, BitConnect nhận lệnh dừng khẩn cấp từ Ủy ban Chứng khoán Texas, với cáo buộc tổ chức này có hoạt động liên quan đến mô hình Ponzi. Sau đó, trang web của BitConnect liên tiếp thông báo bảo trì, hạn chế quyền rút tiền của người dùng. Ngày 16/01/2018, BitConnect thông báo dừng hoạt động và biến mất cùng toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

9. Tổng kết

Vòng đời của mô hình Ponzi diễn ra theo trình tự và sụp đổ là lẽ tất yếu. Vì vậy việc hiểu rõ từng giai đoạn của kế hoạch Ponzi sẽ giúp nhà đầu tư xác định và đề phòng trước những lời hứa “lợi nhuận cao cùng rủi ro thấp”.

Bên cạnh đó, hãy nâng cao tinh thần cảnh giác và sàng lọc các luồng thông tin trong bối cảnh thị trường đầu tư còn nhiều lỗ hổng. Các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang”.

Đọc tiếp
Câu hỏi thường gặp

Ponzi Scheme và Pyramid Scheme có giống nhau không?

Mô hình Ponzi và hình thức lừa đảo kim tự tháp (pyramid scheme) có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có những khác biệt quan trọng:

Điểm tương đồng

  • Cả hai đều là hình thức lừa đảo: Cả mô hình Ponzi và kim tự tháp đều là các hình thức lừa đảo tài chính, hứa hẹn lợi nhuận cao để thu hút nhà đầu tư.
  • Phụ thuộc vào việc thu hút người mới: Đều dựa vào việc thu hút nhà đầu tư mới để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ.

Điểm khác biệt

1. Cấu trúc:

  • Ponzi: Nhà đầu tư thường không biết họ đang tham gia vào một mô hình lừa đảo. Họ nghĩ rằng lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư thực sự.
  • Kim tự tháp: Người tham gia thường biết họ cần mời gọi thêm người mới để kiếm tiền. Cấu trúc này rõ ràng hơn và yêu cầu người tham gia phải mời gọi thêm người mới để duy trì hệ thống.

2. Cách thức hoạt động:

  • Ponzi: Lợi nhuận được trả từ tiền của nhà đầu tư mới mà không có sản phẩm hoặc dịch vụ thực sự.
  • Kim tự tháp: Người tham gia phải mua sản phẩm hoặc dịch vụ và mời gọi thêm người mới để kiếm tiền. Lợi nhuận chủ yếu đến từ việc mời gọi người mới hơn là từ việc bán sản phẩm.

Các mô hình lừa đảo Ponzi thường tồn tại trong bao lâu?

Thời gian tồn tại của một mô hình Ponzi có thể khác nhau, nhưng thường không kéo dài lâu. Các mô hình Ponzi phụ thuộc vào việc liên tục thu hút nhà đầu tư mới để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ. Khi không còn đủ nhà đầu tư mới hoặc khi nhiều nhà đầu tư hiện tại rút tiền, hệ thống sẽ sụp đổ.

Thông thường, các mô hình Ponzi có thể tồn tại từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào quy mô và khả năng thu hút nhà đầu tư mới của người tổ chức. Tuy nhiên, cuối cùng, tất cả các mô hình Ponzi đều sụp đổ vì không thể duy trì dòng tiền liên tục.

 

Tại sao các cơ quan chức năng không thể ngăn chặn hoàn toàn mô hình Ponzi?

Ponzi thường ngụy trang dưới nhiều hình thức kinh doanh hợp pháp và liên tục thay đổi để thích nghi. Trong lĩnh vực crypto, tính chất phi tập trung và xuyên biên giới càng gây khó khăn cho việc quản lý.

Có phải mọi dự án đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao đều là Ponzi không?

Không phải tất cả. Một số dự án có thể mang lại lợi nhuận cao nhờ chiến lược đầu tư tốt. Tuy nhiên, cần đặc biệt cảnh giác với những dự án hứa hẹn lợi nhuận cao mà không giải thích rõ nguồn lợi nhuận.

Có phải càng tham gia sớm vào mô hình Ponzi càng có lợi?

Mặc dù người tham gia sớm có thể nhận được lợi nhuận, việc tham gia vào mô hình Ponzi là bất hợp pháp. Người tham gia có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý, kể cả khi họ không biết đó là Ponzi.

SHARES
Bài viết liên quan