Nếu là một người quan tâm và thường xuyên theo dõi tin tức trên thị trường tiền điện tử, chắc hẳn bạn đã 1 lần nghe tới vụ kiện đình đám kéo dài hàng năm trời giữa Rippe và SEC. Vụ kiện này có gì mà lại tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông đến vậy? Ripple và SEC: Ai là người đúng, ai là kẻ sai? Cùng ONUS tìm hiểu toàn cảnh vụ kiện ngay trong bài viết này!
1. Về Ripple (XRP) và SEC
1.1. Ripple (XRP) là gì?
Ra đời năm 2012 với tên ban đầu là OpenCoin, Ripple sau đó đã tái định danh và tung ra đồng tiền điện tử XRP khi thị trường vẫn còn ít cạnh tranh. Nhờ vào nguồn cung dồi dào và tốc độ giao dịch nhanh chóng, XRP được kỳ vọng trở thành giải pháp mới cho việc chuyển tiền quốc tế.
Từ giá trị vốn hóa thị trường chỉ vài triệu USD, XRP đã tăng trưởng lên tới hàng tỷ đô la vào năm 2017 và tiếp tục đà tăng trong những năm tiếp theo. Thế nhưng, vụ kiện tụng với SEC đã thay đổi tất cả. Hậu quả là các sàn giao dịch tiền điện tử lớn như Coinbase tạm ngừng giao dịch XRP, khiến niềm tin của nhà đầu tư vào đồng tiền này sụt giảm đáng kể.
Thật không may cho Ripple Labs, vụ kiện xảy ra ngay trước đợt tăng giá mạnh mẽ nhất của thị trường tiền điện tử vào năm 2021, khi Bitcoin (BTC) chạm mốc 64.000 USD. Trong khi thị trường sôi động, giá của XRP vẫn ảm đạm do ảnh hưởng tiêu cực từ vụ kiện.
1.2. SEC là gì?
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) là một cơ quan độc lập thuộc chính phủ liên bang Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư, duy trì sự công bằng và hoạt động trật tự của thị trường chứng khoán.
Được thành lập vào năm 1934 sau sự cố sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929, SEC đóng vai trò quan trọng trong nền tài chính Mỹ. Nhiệm vụ chính của SEC, bao gồm:
- Đăng ký và quản lý các đợt phát hành chứng khoán
- Giám sát các sàn giao dịch và thị trường chứng khoán
- Thực thi luật chứng khoán của liên bang
- Điều tra và truy tố gian lận chứng khoán
2. Toàn cảnh vụ kiện giữa Ripple (XRP) và SEC
2.1. Bối cảnh vụ kiện
Năm 2012, Ripple Labs chào sân Fintech với một lời hứa đầy tham vọng: mang đến cho các tổ chức tài chính giải pháp chuyển tiền xuyên biên giới nhanh chóng và tiết kiệm. Để hiện thực hóa cam kết này, công ty đã xây dựng mạng lưới RippleNet – cho phép thực hiện các giao dịch tiền điện tử bằng đồng XRP.
Tuy nhiên sau nhiều năm phát triển, XRP đã vượt khỏi mục đích sử dụng ban đầu. Những người sáng lập công ty đã huy động vốn bằng cách bán XRP token vào năm 2013. Hậu quả, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã đâm đơn kiện Ripple Labs cùng hai CEO đương nhiệm và tiền nhiệm vào năm 2020.
2.2. SEC đâm đơn kiện Rippe (XRP)
Năm 2020, SEC cáo buộc các giám đốc điều hành của Ripple đã tổ chức một đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho XRP, vốn là một chứng khoán chưa đăng ký tại thời điểm huy động vốn. Theo đơn kiện, Ripple đã huy động vốn bằng cách bán token XRP như một hợp đồng đầu tư cho các nhà đầu tư ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Đơn kiện cáo buộc Chris Larsen – đồng sáng lập và cựu CEO của Ripple Labs, cùng với Brad Garlinghouse – CEO đương nhiệm của Ripple, đã thực hiện các giao dịch XRP cá nhân chưa đăng ký trị giá khoảng 600 triệu đô la. Ngoài ra, họ bị cáo buộc dàn xếp và quảng bá các đợt bán XRP để củng cố hoạt động của công ty.
Hơn nữa, đơn kiện cáo buộc các bị cáo không đăng ký chào bán XRP, và cũng không đáp ứng bất kỳ miễn trừ đăng ký nào theo luật chứng khoán liên bang.
2.3. SEC đưa ra những tuyên bố gì khi đâm đơn kiện?
Trong thị trường tiền điện tử, có một cuộc thử nghiệm tên là Howey Test – được sử dụng để xác định sự liên quan giữa token hoặc các hoạt động liên quan đến token với chứng khoán. Tất cả các hoạt động huy động vốn, chào bán token, niêm yết token, đều sẽ bị SEC nhắm đến để đánh giá.
* Cái tên Howey được lấy từ vụ SEC kiện W.J. Howey Co. năm 1946 – một trong những case kinh điển khi nói về việc xác định một tài sản hoặc hoạt động tài chính có thuộc định nghĩa “hợp đồng đầu tư” trong Đạo luật Chứng khoán năm 1933 hay không.
Theo thử nghiệm Howey, việc kiểm soát và tạo niềm tin về lợi nhuận tài sản đối với nhà đầu tư là một yếu tố quan trọng xác định tài sản đó là chứng khoán. Theo SEC, chứng khoán phải được đăng ký với cơ quan này và thông tin tài chính phải được công khai. Mục đích là để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư và phòng chống gian lận.
2.4. Ripple phản hồi về vụ kiện XRP
Phần lớn các vụ kiện của SEC thường kết thúc vì đối phương đồng ý thỏa thuận, nhưng Ripple lại cương quyết hơn nhiều khi chính thức tham gia vào trận chiến pháp lý này chứ không tuân theo yêu cầu và nộp phạt.
Luật sư của Ripple tuyên bố rằng SEC không hề có động thái cảnh báo hoặc gửi thông báo chính thức về việc đăng ký cho công ty. Ngay cả phía cơ quan quản lý cũng thừa nhận rằng Ripple không được thông báo về việc XRP có thể bị coi là chứng khoán.
Do đó, Ripple tin rằng SEC đã cố tình áp dụng khái niệm chứng khoán lên XRP để kiện công ty này. Nếu điều này được chứng minh là đúng, quyền hạn của SEC sẽ bị suy yếu, cùng với độ tin cậy trong lập luận của họ.
Ripple còn nêu cụ thể một số thành viên trong SEC có quan hệ mật thiết với các nền tảng tiền điện tử khác, điển hình là Ethereum. Mặc dù không có bằng chứng về những mối liên hệ này, nhưng SEC đã miễn Ethereum khỏi luật chứng khoán, cho rằng nền tảng đó hoạt động phi tập trung.
2.5. Coinbase hỗ trợ Ripple trong vụ kiện chống lại SEC
Ngày 01/11/2022, sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase đã gửi đơn lên tòa án, yêu cầu được hỗ trợ Ripple trong vụ kiện đang diễn ra với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).
Coinbase cùng với Hiệp hội Blockchain, một nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp, SpendTheBits, một ứng dụng thanh toán tiền điện tử sử dụng XRP và John Deaton, một luật sư, sẽ hỗ trợ Ripple bằng cách đưa ra những lập luận phản bác cáo buộc của SEC rằng công ty Ripple đã mở bán trái phép chứng khoán XRP.
2.6. Vụ kiện XRP đã có một nút mở
Trong các phiên tòa trước đó, SEC thường giành thế thượng phong khi các thẩm phán đồng ý rằng XRP là chứng khoán. Không giống như hàng hóa, chứng khoán phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt, yêu cầu người phát hành phải đăng ký với SEC và công bố công khai để thông báo cho nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn.
Tuy nhiên, vào ngày 13 tháng 7 năm 2023, Ripple Labs đã giành được thắng lợi quan trọng tại Tòa án Quận Hoa Kỳ tại Vùng Nam New York. Thẩm phán Analisa Torres đưa phán quyết: Ripple không vi phạm luật chứng khoán liên bang khi bán XRP trên các sàn giao dịch công khai.
3. Ripple (XRP) đã thắng kiện hay chưa?
Thực tế, Ripple chưa hoàn toàn thắng kiện. Vụ kiện dai dẳng giữa SEC vs. Ripple có thể coi là “thắng có thua” đối với cả hai bên. Theo phán quyết của Thẩm phán Torres, số token trị giá 728,9 triệu USD mà công ty bán cho các quỹ đầu cơ và tổ chức khác cấu thành hình thức bán chứng khoán chưa đăng ký, giúp SEC giành được một phần thắng.
Với phần thắng tạm thời và việc SEC kháng cáo quyết định của toà án, quá trình tố tụng sẽ tiếp tục kéo dài với các thủ tục bổ sung. Sau đó, đến lượt Ripple có thể kháng cáo phán quyết và đưa ra những lý lẽ mới để tiếp tục cuộc chiến pháp lý này.
Đây chắc hẳn sẽ lại là một “case kinh điển” về vấn đề pháp lý trong thị trường tiền điện tử. Nhìn chung, phán quyết trong vụ kiện dù nghiêng về bên nào cũng đều có khả năng tác động mạnh mẽ đến cách quản lý tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác trong tương lai.
4. XRP tăng 18.53% sau khi thẩm phán phạt Ripple
Ngày 07/08/2024, một thẩm phán liên bang đã ra lệnh cho Ripple phải trả 125 triệu USD tiền phạt dân sự và áp đặt lệnh cấm đối với các hành vi vi phạm luật chứng khoán trong tương lai.
Thẩm phán quận Analisa Torres, quận phía Nam New York, đã đưa ra mức phạt sau khi phát hiện 1,278 giao dịch mua bán tổ chức của Ripple đã vi phạm luật chứng khoán, dẫn đến khoản tiền phạt trị giá 125 triệu USD. Khoản tiền phạt này thấp hơn nhiều so với số tiền 900 triệu USD tiền phạt dân sự mà SEC yêu cầu trong vụ kiện.
Tuy nhiên, thẩm phán cũng đưa ra phán quyết rằng việc bán XRP theo chương trình của Ripple cho khách hàng bán lẻ thông qua các sàn giao dịch không vi phạm bất kỳ luật chứng khoán nào.
Mặc dù bị phạt, nhưng phán quyết của tòa án đã xác nhận rằng XRP không phải là chứng khoán. Đây là một chiến thắng quan trọng đối với Ripple và cộng đồng XRP. Tin tức tích cực này đã trở thành động lực thúc đẩy giá XRP tăng vọt 18.53%.
Tìm hiểu thêm về XRP:
- Theo dõi giá XRP/USD hôm nay
- Theo dõi giá XRP/VND hôm nay
- Hướng dẫn cách mua XRP (XRP)
- Nghiên cứu về dự án XRP (XRP)