Toàn cảnh hệ sinh thái Polygon năm 2024

  •  
KEY TAKEAWAYS:
Theo số liệu từ DeFi Llama, hệ sinh thái Polygon hiện tại đang xếp hạng thứ 6 về tổng giá trị bị khóa (TVL) với 841.29 triệu USD.
Những mảnh ghép quan trọng nhất của hệ sinh thái Polygon gồm có AMM/DEX, Lending & Borrowing, Derivatives, Cross-chain Bridge, Yield Farming,...
Lending & Borrowing là mảng hoạt động nổi bật nhất trên hệ sinh thái Polygon với TVL lên tới 419.29 triệu USD.

Hệ sinh thái Polygon là gì, có tiềm năng như thế nào? Cùng ONUS đi sâu vào tìm hiểu hệ sinh thái Polygon, một trong những hệ sinh thái Layer 2 hàng đầu của thị trường tiền điện tử với hơn 19,000 dApps đang hoạt động. 

1. Tổng quan về Hệ sinh thái Polygon 

Hệ sinh thái Polygon
Những mảnh ghép nào tạo nên hệ sinh thái Polygon?

1.1. Polygon là gì?

Polygon là một dự án Layer-2 của blockchain Ethereum, giúp mở rộng quy mô và cải thiện những vấn đề tồn tại trên mạng lưới Ethereum như tốc độ giao dịch chậm, khả năng mở rộng hạn chế và phí cao. Polygon kết hợp giữa Plasma Framework và mô hình Proof-of-stake, cho phép các hợp đồng thông minh được thực hiện dễ dàng, có thể mở rộng và tự trị.

1.2. Polygon giải quyết vấn đề gì?

Thành công của Ethereum cũng chính là thách thức của blockchain này, càng có nhiều người sử dụng Ethereum thì mạng lưới càng trở nên tắc nghẽn. Lúc này, khả năng mở rộng là cực kỳ cần thiết giúp blockchain có khả năng cạnh tranh với các blockchain khác, đồng thời cải thiện tốc độ xử lý giao dịch, phí hoặc cho phép chạy các ứng dụng yêu cầu thông lượng cao, đặc biệt là các game blockchain. 

Polygon được xây dựng và phát triển nhằm giải quyết vấn đề đó, đưa ra các giải pháp mở rộng quy mô cho blockchain chính (Ethereum). Polygon có thể:

    • Cải thiện tốc độ giao dịch: Polygon đẩy tốc độ xử lý giao dịch trên Ethereum bằng cách sử dụng sidechain. Các sidechain có khả năng xử lý nhiều giao dịch hơn, thời gian xử lý từ đó được cải thiện.
    • Giảm phí giao dịch: Nhờ có các sidechain, mức phí giao dịch trên Polygon cũng giảm đi đáng kể. 
    • Khả năng mở rộng: Polygon giúp tăng khả năng mở rộng của Ethereum bằng cách cho phép nhiều giao dịch được xử lý đồng thời. Điều này giúp mở rộng khả năng của Ethereum để hỗ trợ nhiều DApps hơn.

* Tìm hiểu thêm: Toàn tập về hệ sinh thái Polygon và token MATIC mới nhất 2024

2. Một số mảnh ghép quan trọng tạo nên hệ sinh thái Polygon

Theo số liệu từ DeFi Llama, hệ sinh thái Polygon hiện tại đang xếp hạng thứ 6 về tổng giá trị bị khóa (TVL) với 841.29 triệu USD. Dù con số này đã giảm đi rất nhiều so với mức đỉnh là khoảng hơn 10 tỷ USD, Polygon vẫn là một trong những hệ sinh thái hoạt động nổi bật nhất trong không gian L2 trên Ethereum. 

Polygon TVL
Tổng giá trị tài sản bị khóa trên hệ sinh thái Polygon tính đến 01/2024 (theo DeFi Llama)

2.1. Stablecoin 

Stablecoin là một loại tiền điện tử được thiết kế để liên kết với một tài sản có giá trị ổn định, chẳng hạn như tiền pháp định (phổ biến nhất là neo giá với đồng đô la Mỹ – USD) hoặc vàng. Stablecoin đóng vai trò quan trọng trong một hệ sinh thái blockchain vì nó là cầu nối giữa thị trường tài chính truyền thống và tiền điện tử. Nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển đổi giữa tiền pháp định và stablecoin để sử dụng cho nhiều mục đích như: tham gia đầu tư, lưu trữ giá trị…

Trên hệ sinh thái Polygon có 3 stablecoin phổ biến được sử dụng gồm có DAI (phát hành bởi MakerDAO), USDT (phát hành bởi Tether), và USDC (phát hành bởi Circle và Coinbase). Theo số liệu từ DeFi Llama, vốn hóa của 3 stablecoin này trên hệ sinh thái này đang lần lượt là:

  1. Tether (USDT): 678.21 triệu USD
  2. USD Coin (USDC): 463.7 triệu USD
  3. Dai (DAI): 121.86 triệu USD

2.2. DEX 

DEX là các sàn giao dịch phi tập trung (viết tắt của Decentralized Exchange) hoạt động trên nền tảng blockchain. DEX cho phép nhà đầu tư giao dịch tiền điện tử mà không thông qua bất kỳ nền tảng trung gian nào. 

Các dự án DEX đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái Polygon vì giúp mang đến nhiều lựa chọn giao dịch phi tập trung hơn, giải quyết được những vấn đề về tính minh bạch và phí giao dịch so với các sàn giao dịch tập trung khác. Không những vậy, các sàn giao dịch phi tập trung còn thúc đẩy thanh khoản cho hệ sinh thái này. 

Tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) của các AMM/DEX trên hệ sinh thái Polygon đang là 316.92 triệu USD, trong đó gồm 3 cái tên dẫn đầu là: 

  1. Uniswap: 100.11 triệu USD
  2. QuickSwap: 89.66 triệu USD
  3. Balancer: 32.67 triệu USD

2.3. Lending & Borrowing

Lending & Borrowing là một mảnh ghép rất quan trọng trong hệ sinh thái Polygon, đóng vai trò như cầu nối giữa những người có nhu cầu sử dụng tiền để tham gia đầu tư và những người đang có tiền nhàn rỗi. Lúc này, những người có nhu cầu vay tiền sẽ được cho vay với điều kiện phải trả lại khoản tiền đã vay kèm theo lãi suất (hoặc phí) tùy theo thời gian xác định. 

Lending & Borrowing giúp thúc đẩy thanh khoản trong hệ sinh thái Polygon, tạo cơ hội cho tài sản lưu thông. Những người có tiền nhàn rỗi có thể cho người khác vay và kiếm được lãi, khuyến khích họ lưu trữ lại tài sản của mình trong hệ sinh thái để tiếp tục kiếm lời. Trong khi đó, người đi vay có cơ hội tiếp cận nguồn tiền dễ dàng, với lãi suất thấp để đầu tư vào những tài sản, hình thức sinh lời tiềm năng khác. 

Aave hiện tại đang là dự án Lending & Borrowing nổi bật nhất trên Polygon, với TVL lên tới 363.39 triệu USD, trên tổng 847.12 triệu USD của toàn bộ hệ sinh thái. Đây là dự án có TVL lớn nhất không chỉ riêng trong mảng Lending mà còn của toàn bộ mạng lưới Polygon. Ngoài Aave còn có Compound, với tổng giá trị tài sản bị khóa là 52.39 triệu USD. 

Polygon Lending
Lending & Borrowing là mảng hoạt động nổi bật nhất trong hệ sinh thái Polygon, với TVL đạt 419.29 triệu USD. Trong đó, chỉ riêng dự án Aave đã chiếm tới 363.39 triệu USD.

2.4. NFT Marketplace

NFT Marketplace là một nền tảng trực tuyến đóng vai trò là thị trường mua bán, giao dịch các tài sản NFT (Non-Fungible Token). NFT là các tài sản kỹ thuật số độc đáo, có thể đại diện cho bất cứ thứ gì như bài hát, video, tác phẩm nghệ thuật,… Nhà đầu tư có thể tạo tài khoản trên NFT Marketplace để mua bán NFT bằng tiền điện tử, hoặc đấu giá các tài sản này. 

NFT Marketplace giúp làm đa dạng hệ sinh thái Polygon, tạo nên một thị trường giao dịch NFT sôi động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng NFT trên nền tảng. Một số nền tảng NFT Marketplace nổi tiếng từ hệ sinh thái Polygon gồm có:

  • OpenSea: Hiện đang là NFT Marketplace lớn nhất trên thế giới.
  • NFTrade: Một marketplace cho phép tạo, trao đổi và farm NFT.
  • Treasureland: Thị trường giao dịch NFT đa chuỗi.

* Có thể bạn quan tâm: NFT Marketplace là gì? Top các sàn giao dịch NFT nổi bật và tiềm năng nhất 2024

2.5. Web3

Web3 là phiên bản tiếp theo của công nghệ Internet, mà ở đó dữ liệu và các ứng dụng được truy cập, lưu trữ hoàn toàn phi tập trung nhờ công nghệ blockchain và các công nghệ tiên tiến khác. Web3 có thể giúp giải quyết một số bất cập của mạng lưới internet hiện tại như sự tập trung của nguồn dữ liệu, tính kiểm duyệt, tính bảo mật và minh bạch.

Một số dự án Web3 nổi bật trên hệ sinh thái Polygon gồm có: 

  • The Sandbox: Một metaverse mở cửa chào đón tất cả các thành viên tham gia và đóng góp, phát triển. 
  • Railgun: Hệ thống hợp đồng thông minh giúp cung cấp sự bảo mật và quyền riêng tư cho người đầu tư tiền điện tử và tham gia DeFi.
  • Gensokishi: Một metaverse-gaming theo thể loại MMORPG 3D.

* Có thể bạn quan tâm: Web3 là gì? Ý tưởng cốt lõi và ứng dụng của Web3

2.6. Derivatives

Derivatives là mảng công cụ tài chính phái sinh trên hệ sinh thái Polygon, có tiềm năng rất lớn và có thể thu hút được nguồn vốn lớn đổ vào nền tảng này. Các sản phẩm thuộc mảng Derivatives được phát triển và sử dụng nhằm mục đích quản trị rủi ro hoặc cho phép nhà đầu tư giao dịch, kiếm lợi nhuận từ  những biến động trên thị trường.

Các công cụ tài chính phái sinh trên blockchain sở hữu những ưu điểm vượt trội hơn các công cụ truyền thống nhờ tính minh bạch của giao dịch, khả năng truy cập bởi tất cả mọi người (không giới hạn vị trí/nguồn lực). Một số loại Derivatives phổ biến trên blockchain gồm có: Perpetual Future (giao dịch hợp đồng tương lai), Option (giao dịch hợp đồng quyền chọn) và Swap (hợp đồng hoán đổi).

Trong mảng Derivatives của hệ sinh thái Polygon, dự án Gains Network đang có tổng giá trị khóa (TVL) cao nhất là 5.85 triệu USD, theo sau lần lượt là:

  • SynFutures: 4.68 triệu USD
  • Jarvis Network: 1.69 triệu USD
  • Metavault. Trade: 1.58 triệu USD

2.7. Cross-chain Bridge

Mảng Cross-chain Bridge bao gồm các dự án được xây dựng và phát triển nhằm kết nối các nền tảng blockchain độc lập, cho phép người dùng di chuyển token qua lại, sử dụng hợp đồng thông minh, trao đổi dữ liệu cũng như sử dụng nhiều tính năng khác. 

Cross-chain bridge là một công nghệ quan trọng trong bất kỳ hệ sinh thái blockchain nào vì nó giúp cải thiện khả năng mở rộng của chuỗi khối, tăng tính linh hoạt và tiện lợi cho người dùng và từ đó giúp giảm chi phí giao dịch, chuyển dữ liệu hay tài sản. 

Hiện tại, tổng giá trị bị khóa (TVL) mảng Cross-chain bridge của Polygon đang rơi vào khoảng 30.85 triệu USD. Trong đó nổi bật nhất là dự án Stargate đã chiếm lên tới 22.76 triệu USD tổng TVL. Theo sau đó lần lượt là các dự án như Connext (3.03 triệu USD), Hop Protocol (2.19 triệu USD), Synapse (1.32 triệu USD),… 

2.8. Nền tảng IDO

Nền tảng IDO là một nền tảng cho phép các dự án tiền điện tử huy động vốn từ cộng đồng. IDO là viết tắt của Initial DEX Offering, nghĩa là phát hành lần đầu trên sàn giao dịch phi tập trung. Đây cũng là một mảng rất tiềm năng trong hệ sinh thái blockchain, giúp thu hút dòng tiền lớn và thúc đẩy sự phát triển cho các dự án tiền điện tử mới trên thị trường.

Nền tảng IDO cho phép nhà đầu tư tham gia vào các dự án sớm hơn so với các hình thức huy động vốn khác hiện nay, nhờ đó mà họ có cơ hội kiếm lợi nhuận cao khi các dự án này ra mắt thành công. Các nền tảng cũng giúp những dự án tiền điện tử có cơ hội triển khai các ý tưởng mới và giới thiệu đến cộng đồng mà không phải lo lắng về nguồn vốn. 

Nổi bật nhất trong mảng này có thể kể tới 2 cái tên là Polylancher và MoonEdge. Cả 2 nền tảng này đều cho phép các dự án được xây dựng trên Polygon (dự án native của hệ sinh thái) tham gia huy động vốn từ nhà đầu tư. 

2.9. Yield (Yield Farming, Yield Aggregator & Yield Optimizer)

Nhờ có sự phong phú và phát triển mạnh của các dự án thuộc mảng DEX và Lending, hệ sinh thái Polygon nhận được một nguồn tiền lớn cho các hoạt động khai thác, hay còn gọi là Yield. Yield là các sản phẩm cho phép người dùng tạo ra lợi nhuận từ nguồn tài sản họ đang nắm giữ, có thể là bằng cách cung cấp thanh khoản, cho vay hoặc các hoạt động khác trên blockchain. 

Một số dự án Yield Farming tiêu biểu trên trên Polygon gồm có: Beefy Finance, Auto Farm Network, Harvest Finance,… Tổng giá trị bị khóa tính riêng trong mảng Yield của hệ sinh thái Polygon hiện tại đang là 54.36 triệu USD.

2.10. Oracle

Oracle trên blockchain là một dịch vụ cung cấp dữ liệu từ thế giới thực cho các hợp đồng thông minh. Dữ liệu có thể là bất cứ thứ gì, từ giá cả của cổ phiếu, tiền điện tử, cho đến tình hình thời tiết,… Các dự án Oracle đóng vai trò rất quan trọng giúp mở rộng khả năng của các hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain, cho phép nó truy cập dữ liệu từ thế giới thực và mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như theo dõi giá cả các loại tài sản, kiểm soát các hoạt động trong thế giới thực, hoặc cung cấp các dịch vụ tài chính phi tập trung. 

Các Oracle phi tập trung phổ biến trên Polygon có: Chainlink, Pyth Network, DIA,…

3. Về MATIC – Token gốc của mạng lưới Polygon 

MATIC là token gốc của mạng Polygon, được tạo ra trên mạng lưới Ethereum theo tiêu chuẩn ERC-20. MATIC token có thể được sử dụng để quản lý và bảo mật, thanh toán phí giao dịch trên mạng Polygon. 

MATIC token sẽ được sử dụng cho 3 mục đích chính: 

  • Stake MATIC để trở thành người xác thực. Góp phần bảo mật cho mạng lưới nhờ cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS)
  • Thanh toán phí giao dịch trên mạng lưới
  • Trả thưởng Staking
  • Trích % và trả thưởng cho các nhà phát triển

Tìm hiểu thêm tại: Tổng quan về MATIC – Token gốc của mạng lưới Polygon

4. Tổng kết

Sự đóng góp của các mảnh ghép trên là cực kỳ quan trọng với sự phát triển và mở rộng của hệ sinh thái Polygon. Nhờ đó mà không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả các nhà phát triển trên blockchain cũng có thể lựa chọn Polygon để xây dựng/phát triển dApp của riêng mình. Có thể thấy nền tảng này đang có những bước tiến đáng kinh ngạc trong nỗ lực trở thành một giải pháp Layer 2 hàng đầu của thị trường tiền điện tử hiện tại. 

Câu hỏi thường gặp

Tổng giá trị bị khóa (TVL) hiện tại của hệ sinh thái Polygon là bao nhiêu?

Theo số liệu từ DeFi Llama, hệ sinh thái Polygon hiện tại đang xếp hạng thứ 6 về tổng giá trị bị khóa (TVL) với 841.29 triệu USD. Polygon đang đứng sau Solana (1.34 tỷ USD), Arbitrum (2.66 tỷ USD), BSC (3.47 tỷ USD), Tron (7.74 tỷ USD) và Ethereum (32.96 tỷ USD).

Hệ sinh thái Polygon có những mảng dự án nổi bật nào?

Hệ sinh thái Polygon đang có rất nhiều mảng đang hoạt động, nổi bật nhất trong đó là các mảng liên quan đến DeFi như Lending & Borrowing, AMM/DEX, Derivatives, Cross-chain Bridge, Yield,... bên cạnh đó là Stablecoin, Gaming, NFT Marketplace,...

Mảng nào đang chiếm TVL cao và được chú trọng nhiều nhất trong hệ sinh thái Polygon?

Hiện tại, Lending & Borrowing đang là mảng phát triển nhất trong hệ sinh thái Polygon với tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) lên tới 419.29 triệu USD.

BACKNFT Marketplace là gì? Top các sàn giao dịch NFT nổi bật và tiềm năng nhất 2024
NEXTTop 7 NFT Marketplace tiềm năng nhất 2024