Giao dịch ngoại hối (Forex) – Thị trường tài chính lớn nhất thế giới với khối lượng giao dịch hàng nghìn tỷ đô la mỗi ngày – đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về bản chất của giao dịch ngoại hối là gì? Hãy cùng ONUS khám phá sâu hơn về thị trường này và những điều cần biết trước khi bước chân vào con đường đầu tư ngoại hối.
1. Tổng quan về giao dịch ngoại hối
1.1. Tìm hiểu về thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối là thị trường tài chính toàn cầu nơi các loại tiền tệ được mua bán, trao đổi và đầu cơ.
Thị trường ngoại hối là là thị trường tài chính lớn nhất và thanh khoản nhất thế giới, với khối lượng giao dịch hàng ngày lên đến hàng nghìn tỷ đô la. Thị trường này hoạt động 24 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, trải dài khắp các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.
Tỷ giá hối đoái trên thị trường này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lãi suất, tình hình kinh tế-chính trị, và dòng vốn quốc tế.
1.2. Giao dịch ngoại hối là gì?
Giao dịch ngoại hối (Forex) là hoạt động mua bán và trao đổi các loại tiền tệ khác nhau trên thị trường tài chính toàn cầu. Quá trình này diễn ra khi các nhà đầu tư, tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp chuyển đổi một loại tiền tệ sang loại tiền tệ khác với mục đích kinh doanh, đầu tư hoặc đầu cơ.
Giao dịch ngoại hối thường được thực hiện thông qua các cặp tiền tệ, trong đó giá trị của một đồng tiền được định giá so với đồng tiền khác. Các giao dịch này có thể được thực hiện tức thì (giao dịch spot) hoặc trong tương lai (giao dịch kỳ hạn và tương lai).
1.3. Một số thuật ngữ quan trọng
Để tham gia giao dịch ngoại hối, việc hiểu các thuật ngữ là điều cần thiết đối với những người muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Một số thuật ngữ phổ biến là:
- Vị thế (Position): Một giao dịch mở trên thị trường.
- Đòn bẩy (Leverage): Vốn vay dùng để kiểm soát vị thế lớn hơn.
- Ký quỹ (Margin): Số tiền cần thiết để mở và duy trì một vị thế có sử dụng đòn bẩy.
- Pip: Đơn vị đo lường sự biến động giá nhỏ nhất của một cặp tiền tệ.
- Tỷ giá hối đoái (Exchange Rate): Mức giá mà tại đó một đồng tiền được trao đổi cho đồng tiền khác.
- Đồng tiền cơ sở (Base Currency): Đồng tiền đầu tiên trong cặp tiền tệ, đồng tiền được mua hoặc bán.
- Đồng tiền định giá (Quote Currency): Đồng tiền thứ hai trong cặp tiền tệ, dùng để định giá đồng tiền cơ sở.
- Giá mua (Bid): Mức giá mà bạn có thể bán một đồng tiền.
- Giá bán (Ask): Mức giá mà bạn có thể mua một đồng tiền.
- Chênh lệch giá (Spread): Sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
- Cặp tiền chính (Major Pairs): Các cặp tiền được giao dịch nhiều nhất, bao gồm đồng USD.
- Cặp tiền ngoại lai (Exotic Pairs): Cặp tiền bao gồm một đồng tiền chính và một đồng từ nền kinh tế đang phát triển.
- Lệnh dừng giới hạn (Stop-Limit Order): Lệnh mua hoặc bán khi giá đạt mức nhất định nhưng chỉ trong giới hạn đã đặt.
- Lệnh cắt lỗ (Stop-Loss Order): Lệnh tự động đóng giao dịch tại mức giá đã đặt để hạn chế thua lỗ.
2. Vai trò của đầu tư ngoại hối
Giao dịch ngoại hối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính quốc tế. Cụ thể:
- Tạo điều kiện cho thương mại quốc tế bằng cách cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi tiền tệ để mua bán hàng hóa và dịch vụ từ các quốc gia khác.
- Giúp ổn định tỷ giá hối đoái thông qua cơ chế cung cầu, góp phần duy trì sự cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu.
- Tạo cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư cho các nhà đầu tư, giúp họ phân tán rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận từ biến động tỷ giá.
- Đóng vai trò quan trọng trong việc định giá tài sản quốc tế và quản lý rủi ro tiền tệ cho các công ty đa quốc gia.
- Công cụ giúp ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ và can thiệp vào thị trường để điều chỉnh giá trị đồng tiền, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước và vị thế cạnh tranh quốc tế.
3. Cách thức hoạt động của giao dịch ngoại hối
3.1. Cơ chế của giao dịch ngoại hối
Thị trường ngoại hối vận hành dựa trên nguyên tắc trao đổi tiền tệ theo cặp. Với mỗi cặp tiền sẽ đều có một đồng yết giá (bên trái) và đồng định giá (bên phải).
Ví dụ: Trong cặp USD/JPY thì USD là đồng yết giá và JPY là đồng định giá. Giả sử, tỷ giá USD/JPY là 152.88, điều đó có nghĩa 1 USD đổi được 152.88 JPY.
Khi nhà đầu tư mở vị thế mua, họ kỳ vọng giá trị của đồng yết giá sẽ tăng so với đồng định giá. Ngược lại, khi thực hiện lệnh bán, họ dự đoán giá của đồng yết giá sẽ giảm so với đồng định giá.
Các cặp tiền tệ chính
Thị trường ngoại hối chia các cặp tiền thành ba nhóm chính:
- Cặp tiền chủ chốt: Bao gồm những cặp có mặt đồng USD, như EUR/USD, GBP/USD, USD/JPY và USD/CAD. Đây là những cặp tiền có thanh khoản cao nhất và được giao dịch nhiều nhất.
- Cặp tiền chéo: Là những cặp không có sự hiện diện của USD, ví dụ như EUR/GBP, EUR/JPY, GBP/JPY và NZD/CAD. Các cặp này thường có độ trượt giá rộng hơn so với cặp chủ chốt.
- Cặp tiền ngoại lai: Bao gồm các cặp ít phổ biến hơn như USD/HKD, CAD/MXN, EUR/SEK và JPY/SGD. Những cặp này thường có thanh khoản thấp hơn và chi phí giao dịch cao hơn.
Các yếu tố tác động đến thị trường ngoại hối
Các chỉ số kinh tế: Các báo cáo như GDP, dữ liệu việc làm, tỷ lệ lạm phát và sản lượng công nghiệp có tác động mạnh đến giá trị tiền tệ. Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thường giúp đồng tiền tăng giá.
Chính sách ngân hàng trung ương/Lãi suất: Các quyết định và phát biểu của ngân hàng trung ương, bao gồm các biện pháp nới lỏng định lượng hoặc thắt chặt tiền tệ, ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ. Lãi suất cao thường thu hút đầu tư nước ngoài, giúp đồng tiền tăng giá, trong khi lãi suất thấp có thể làm yếu đồng tiền.
Sự kiện địa chính trị: Tình hình ổn định chính trị, các cuộc bầu cử hay căng thẳng địa chính trị đều có thể khiến thị trường biến động mạnh. Ví dụ, Brexit đã tác động mạnh đến giao dịch ngoại hối, khiến đồng bảng Anh (GBP) biến động theo tiến trình đàm phán và các yếu tố chính trị liên quan.
Tâm lý thị trường: Tâm lý của các nhà giao dịch, bao gồm các tin đồn và thông tin trên thị trường, cũng ảnh hưởng đáng kể đến tỷ giá.
Dòng chảy thương mại và vốn: Thay đổi trong cán cân thương mại và mức độ đầu tư nước ngoài ảnh hưởng đến cung và cầu tiền tệ. Cán cân thương mại thặng dư thường giúp tăng nhu cầu đồng nội tệ, khiến nó mạnh lên, trong khi thâm hụt có thể làm yếu đồng tiền. Bên cạnh đó, các dòng vốn vào giúp nâng cao giá trị đồng tiền, ngược lại, dòng vốn rút ra có thể gây giảm giá trị.
Các sự kiện toàn cầu: Các sự kiện lớn như thiên tai, đại dịch, hoặc các sự kiện quốc tế đều tạo ra biến động cho thị trường ngoại hối. Ví dụ, đại dịch Covid-19 đã làm tăng biến động thị trường, khi giá trị tiền tệ thay đổi do sự bất ổn kinh tế, phong tỏa và thay đổi thương mại toàn cầu. Các loại tiền tệ an toàn như USD và JPY đã tăng giá trong giai đoạn này, trong khi các đồng tiền khác suy yếu.
3.2. Các đối tượng trong giao dịch ngoại hối
Các đối tượng chính tham gia vào giao dịch ngoại hối bao gồm:
- Chính phủ và Ngân hàng Trung ương: Đây là những “người chơi” lớn nhất trên thị trường, bao gồm các tổ chức như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Họ can thiệp vào thị trường để điều tiết tỷ giá, kiểm soát lạm phát và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.
- Các ngân hàng thương mại lớn: Những tên tuổi như Citibank, Deutsche Bank và Goldman Sachs,… đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thanh khoản cho thị trường. Họ không chỉ giao dịch cho chính mình mà còn thực hiện giao dịch cho nhiều đối tượng khách hàng đa dạng, từ doanh nghiệp, tổ chức chính phủ đến các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
- Nhà môi giới ngoại hối (Forex Brokers): Đóng vai trò trung gian, cung cấp nền tảng và công cụ cho phép các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tiếp cận thị trường ngoại hối toàn cầu. Họ cung cấp các sàn giao dịch trực tuyến, giúp đơn giản hóa quá trình tham gia thị trường cho nhiều đối tượng khác nhau.
- Nhà đầu tư cá nhân: Đây là nhóm đối tượng ngày càng đông đảo trên thị trường ngoại hối. Họ tham gia giao dịch với nhiều mục đích khác nhau, từ nhu cầu cơ bản như chuẩn bị tiền cho chuyến du lịch nước ngoài, thanh toán quốc tế, đến mục tiêu đầu tư sinh lời từ biến động tỷ giá.
3.3. Các phương thức tham gia đầu tư ngoại hối
Thị trường ngoại hối đa dạng với nhiều hình thức giao dịch khác nhau, phù hợp với nhu cầu và chiến lược của từng nhà đầu tư. Ba loại hình chính thường được nhắc đến là giao dịch ngoại hối giao ngay (Spot), giao dịch ngoại hối kỳ hạn (Forward) và giao dịch ngoại hối tương lai (Futures):
- Giao dịch Spot: Là hình thức phổ biến nhất. Các bên trao đổi tiền tệ theo tỷ giá hiện hành và thanh toán ngay lập tức hoặc trong vòng hai ngày làm việc. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tận dụng biến động ngắn hạn của thị trường hoặc cần chuyển đổi tiền tệ nhanh chóng.
- Giao dịch Forward: Các bên thỏa thuận trước về khối lượng, tỷ giá và thời điểm giao dịch trong tương lai. Phương thức này giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đặc biệt hữu ích cho các giao dịch quốc tế lớn. Tuy nhiên, hợp đồng Forward thường được thiết kế riêng và ít linh hoạt hơn so với spot.
- Giao dịch Futures: Tương đồng với Forward nhưng được chuẩn hóa và giao dịch trên sàn. Điều này tạo ra tính thanh khoản cao hơn và cho phép nhà đầu tư dễ dàng tham gia hoặc rút lui khỏi vị thế. Futures thường được sử dụng bởi các nhà đầu cơ chuyên nghiệp và quỹ đầu tư lớn, nhằm tận dụng đòn bẩy tài chính và kiếm lời từ biến động giá.
3.4. Cách giao dịch ngoại hối
Để bắt đầu giao dịch, người tham gia thường sử dụng các nền tảng trực tuyến do nhà môi giới hoặc sàn giao dịch ngoại hối cung cấp. Các công cụ này tạo cầu nối giúp nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách thuận tiện, cho phép họ mở và đóng các vị thế giao dịch chỉ bằng vài cú nhấp chuột.
Một đặc điểm nổi bật của thị trường ngoại hối là hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Chu kỳ giao dịch bắt đầu từ châu Á, chuyển sang châu Âu, rồi đến Bắc Mỹ trước khi quay trở lại châu Á. Tuy nhiên, thời điểm sôi động nhất thường trùng với giờ làm việc của các trung tâm tài chính hàng đầu như London, New York và Tokyo, khi thanh khoản và biến động thị trường đạt đỉnh điểm.
Để đưa ra quyết định giao dịch sáng suốt, nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, ví dụ: các chỉ số kinh tế quan trọng, diễn biến chính trị, và xu hướng trên các thị trường tài chính liên quan,…
4. Lưu ý khi giao dịch ngoại hối
4.1. Có nên đầu tư ngoại hối hay không?
Nếu bạn là người thích thử thách, có khả năng chịu đựng rủi ro cao và sẵn sàng dành thời gian học hỏi, đầu tư ngoại tệ có thể là một lựa chọn thú vị. Nó không chỉ mang lại cơ hội kiếm lời hấp dẫn mà còn giúp bạn hiểu sâu hơn về nền kinh tế toàn cầu.
Ngược lại, nếu bạn ưa thích sự ổn định, không có nhiều thời gian theo dõi thị trường, hoặc đang tìm kiếm khoản đầu tư an toàn cho tương lai, có lẽ nên cân nhắc các phương án khác. Cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản có thể phù hợp hơn với khẩu vị rủi ro của bạn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tại Việt Nam chưa có một tổ chức/sàn giao dịch ngoại hối nào được nhà nước cấp phép hoạt động.
4.2. Những rủi ro khi giao dịch ngoại hối
Giao dịch ngoại hối cũng giống như một con dao 2 lưỡi, dù mang lại tiềm năng lợi nhuận cao nhưng cũng khó tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn. Một số vấn đề các nhà đầu tư cần hiểu rõ là:
- Rủi ro từ đòn bẩy: Đòn bẩy cao có thể khuếch đại cả lợi nhuận và thua lỗ, đôi khi khoản thua lỗ có thể vượt mức vốn ban đầu của bạn.
- Rủi ro từ biến động thị trường: Thị trường ngoại hối có thể biến động mạnh với những biến đổi giá bất ngờ, khiến nhà đầu tư gặp tổn thất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn biến động mạnh.
- Rủi ro đối tác: Có nguy cơ nhà môi giới gặp vấn đề kỹ thuật hoặc thậm chí phá sản, đặc biệt trong các thời điểm thị trường giao dịch sôi động với mức độ biến động cao.
- Rủi ro khác: Giá trị tiền tệ chịu ảnh hưởng lớn từ các sự kiện kinh tế – chính trị toàn cầu, lãi suất của ngân hàng trung ương hay bất ổn địa chính trị,… Những sự kiện này có thể khiến cho tỷ giá hối đoái biến đổi khó lường. Một số cặp tiền tệ có thanh khoản thấp cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình giao dịch.
4.3. Khuyến nghị khi đầu tư ngoại hối
Tuân thủ những nguyên tắc sau đây sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc cho hành trình đầu tư ngoại tệ, tối ưu hóa cơ hội thành công và giảm thiểu rủi ro không đáng có:
- Học hỏi không ngừng: Nắm vững kiến thức về thị trường forex, cặp tiền tệ và các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư: Đặt ra mục tiêu rõ ràng, xác định mức chịu đựng rủi ro và khung thời gian đầu tư.
- Quản lý vốn thông minh: Giới hạn rủi ro cho mỗi giao dịch, sử dụng lệnh stop-loss và take-profit hợp lý.
- Chọn sàn giao dịch uy tín: Đảm bảo an toàn cho vốn và có công cụ hỗ trợ đầy đủ.
- Đa dạng hóa danh mục: Không “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, phân bổ qua nhiều cặp tiền tệ.
- Cập nhật thông tin: Theo dõi tin tức kinh tế, chính trị ảnh hưởng đến thị trường, nhưng tránh phản ứng thái quá.
- Kiểm soát cảm xúc: Giữ bình tĩnh trước biến động thị trường, tránh quyết định nóng vội.
- Thực hành và rút kinh nghiệm: Sử dụng tài khoản demo, phân tích sau mỗi giao dịch để cải thiện chiến lược.
- Kiên nhẫn và thực tế: Hiểu rằng thành công đến từ nỗ lực lâu dài, không kỳ vọng làm giàu nhanh chóng.
- Cập nhật công nghệ: Tận dụng các công cụ phân tích kỹ thuật và phần mềm giao dịch hiện đại.
5. Danh sách các sàn giao dịch ngoại hối hiện nay
Dưới đây là danh sách một số đơn vị môi giới giao dịch ngoại hối lớn và phổ biến hiện nay:
Đơn vị môi giới |
Trụ sở |
Dịch vụ cung cấp |
FXCM |
Anh – Mỹ |
Forex, Crypto |
Oanda |
Mỹ |
Forex, Hàng hóa – Kim loại |
CurrencyFair |
Ireland |
Forex |
Joyalukkas Exchange |
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất |
Forex |
SVC Bank |
Ấn Độ |
Forex |
Exness |
Cộng hòa Síp |
Forex, Crypto, Hàng hóa, Chứng khoán |
XM |
Cộng hòa Síp |
Forex, Hàng hóa, Chứng khoán |
FXTM |
Cộng hòa Síp |
Forex, Chứng khoán |
FBS |
Belize |
Forex, Hàng hóa – Năng lượng |
Pepperstone |
Úc |
Forex, Crypto, Chứng khoán, Kim loại |
6. Tổng kết
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu cơ bản về giao dịch ngoại hối là gì cũng như cách hoạt động cơ bản của thị trường đầu tư ngoại hối. Bên cạnh việc hiểu được đầu tư ngoại hối là gì, bạn còn có thể cân nhắc việc này như một con đường mang lại lợi nhuận đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, hãy trang bị cho mình đầy đủ cả về kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm.