Bạn có bao giờ tự hỏi, liệu có ai đang lặng lẽ đứng sau những đợt tăng giá và phá giá đầy bất ngờ trên thị trường tài chính? Câu trả lời là có. Được biết đến với tên gọi Market Makers (Nhà tạo lập thị trường), họ chính là những bàn tay điều khiển các dòng chảy vốn quan trọng nhất.
Hãy cùng ONUS giải mã vai trò của MM trong việc hình thành và phát triển thị trường tài chính nói chung và crypto nói riêng, cùng với cách họ tạo nên những biến động giá đầy tính toán!
1. Market Maker Là Gì?
Được tạo nên từ Market (thị trường) và Maker (người tạo lập), Market Maker (MM) là những cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm duy trì thanh khoản trên thị trường tài chính, bằng cách mua và bán một lượng lớn cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, crypto, hoặc các loại tài sản khác tại mọi thời điểm.
Để hiểu rõ khái niệm Market Maker, hãy tưởng tượng một ví dụ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, liên quan đến thương lái và người nông dân:
Giả sử bạn là một người nông dân trồng cà phê. Bạn có một lượng cà phê lớn sau mùa thu hoạch, nhưng việc tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm của bạn không hề đơn giản. Bạn muốn bán nhanh để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo và tránh rủi ro giá cả biến động.
Ở đây, một thương lái đóng vai trò là “Market Maker”. Thương lái này sẵn lòng mua cà phê của bạn ngay cả khi chưa tìm được người mua cuối cùng. Họ có khả năng mua số lượng lớn và giữ chúng trong kho cho đến khi tìm được khách hàng. Nhờ vậy, bạn có thể bán sản phẩm một cách nhanh chóng và thuận lợi, không cần lo lắng về việc tìm kiếm khách hàng.
Trong ví dụ này, thương lái giúp tạo ra thanh khoản cho thị trường cà phê bằng cách luôn sẵn sàng mua và bán sản phẩm. Họ giúp cho việc giao dịch giữa người nông dân và người mua cuối cùng trở nên mượt mà hơn.
Market Maker trong thị trường tài chính cũng giống như người thương lái trong trường hợp này. Họ làm tăng thanh khoản trên thị trường và làm cho các giao dịch diễn ra một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn. Sự hiện diện của Market Maker giúp tránh được các vấn đề khó khăn trong giao dịch đối với các nhà đầu tư.
Nhưng, công việc của những Market Maker không chỉ giới hạn ở việc đảm bảo thị trường luôn có đủ hàng để mua bán. Họ còn có sức mạnh ảnh hưởng đến giá trị của tài sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng việc mua bán một lượng lớn tài sản, họ có thể khiến giá lên xuống một cách khó hiểu. Họ sẽ có cơ hội chốt lời khủng, nhưng đồng thời sẽ có thể khiến thị trường mất ổn định.
2. Market Maker Hoạt Động Như Thế Nào?
Dưới đây là mô tả chi tiết về cách MM hoạt động:
2.1. Đặt giá mua và giá bán
Market Maker đồng thời đưa ra hai loại giá cho mỗi loại tài sản mà họ hỗ trợ: giá mua (giá bid) và giá bán (giá ask). Giá mua là giá mà Market Maker mua tài sản từ người bán, giá bán là giá mà họ bán tài sản cho người mua. Sự chênh lệch giữa giá bán và giá mua được gọi là “spread”, và đó cũng chính là khoản lợi nhuận của Market Maker.
2.2. Duy trì thanh khoản
Bằng cách luôn sẵn sàng mua và bán tài sản với giá bid và ask đã được đặt, Market Maker giúp duy trì sự thanh khoản trên thị trường. Điều này có nghĩa là họ giúp đảm bảo rằng luôn có sẵn một bên mua và một bên bán, giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng thực hiện giao dịch mà không phải chờ đợi một bên thị trường khác xuất hiện.
2.3. Quản lý rủi ro
Market Maker phải quản lý rủi ro liên quan đến việc giữ một lượng lớn tài sản trong kho của họ. Họ sử dụng các chiến lược quản lý rủi ro phức tạp, bao gồm việc đa dạng hóa danh mục đầu tư và sử dụng các công cụ phái sinh để bảo vệ chống lại những biến động bất lợi trên thị trường.
2.4. Tối ưu hóa spread
Market Maker cạnh tranh với nhau để thu hút giao dịch bằng cách điều chỉnh spread của họ. Spread càng thấp, càng hấp dẫn cho các nhà đầu tư, nhưng cũng giảm lợi nhuận cho Market Maker. Tìm điểm cân bằng giữa việc duy trì spread hợp lý và đảm bảo lợi nhuận là một phần quan trọng của hoạt động của họ.
2.5. Cách hoạt động của MM trong thị trường crypto
MM trong thị trường crypto thường hợp tác với các dự án tiền điện tử để cung cấp tính thanh khoản. Thay vì chỉ sử dụng token của dự án để tạo thanh khoản, MM có thể mượn và sử dụng token đó, giúp tạo ra một thị trường đầy đủ thanh khoản. Họ thường được cung cấp token với giá ưu đãi và có thể ảnh hưởng đến giá trị của token bằng cách kiểm soát phần lớn nguồn cung trên thị trường.
Hơn nữa, MM cũng có thể tận dụng các Call Option để điều khiển thị trường. Call Option cho phép MM mua một tài sản với một giá cố định sau một khoảng thời gian xác định, giúp họ kiểm soát rủi ro và tạo ra các chiến lược giao dịch hiệu quả trên thị trường tiền điện tử.
3. Tại Sao Market Maker Quan Trọng? Vai Trò Của Market Maker Trong Thị Trường Crypto
Để hiểu rõ hơn về vai trò của MM trong thị trường crypto, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về các đối tượng chính của thị trường này:
- Đơn vị phát hành đồng coin: Đây là các tổ chức hoặc dự án phát triển và phát hành các loại đồng tiền mã hóa. Họ quyết định niêm yết đồng coin trên các sàn giao dịch với mục tiêu tạo ra giá trị cho đồng coin và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
- Sàn giao dịch: Đây là nơi mà việc mua bán các loại tiền mã hóa diễn ra. Các sàn giao dịch cung cấp nền tảng cho người dùng để thực hiện các giao dịch mua bán coin, đồng thời duy trì hệ thống sổ lệnh để ghi lại các lệnh giao dịch.
- Nhà đầu tư (mua và bán): Đây là các cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào thị trường, mua bán các loại tiền mã hóa dựa trên phân tích thị trường, thông tin hoặc chiến lược đầu tư của họ.
- Market Maker: Được biết đến là các nhà cung cấp thanh khoản trong thị trường, giúp giảm thiểu chênh lệch giá và tạo ra sự ổn định cho giá cả.
Trong môi trường trên, Market Maker có vai trò như sau:
- Tăng cường thanh khoản: Thị trường tiền điện tử thường có nhiều biến động, và sự có mặt của market maker giúp duy trì thanh khoản. Khi có market maker, người dùng có thể mua hoặc bán tiền điện tử một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, giúp giảm thiểu rủi ro không thể thoát khỏi vị thế.
- Giảm chênh lệch giữa giá mua và giá bán: Các Market Maker thường cung cấp các lệnh mua và bán với giá gần nhau, giúp giảm thiểu sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán (spread). Điều này giúp người dùng có thể thực hiện các giao dịch với chi phí thấp hơn và tối ưu hóa lợi nhuận.
- Tạo ra một môi trường giao dịch ổn định: Sự hiện diện của các Market Maker giúp tạo ra một môi trường giao dịch ổn định. Điều này giúp các nhà đầu tư cũng cảm thấy tự tin hơn khi tham gia thị trường tiền điện tử.
- Hỗ trợ trong quản lý rủi ro: Market Maker thường có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng về thị trường tiền điện tử, và họ có thể sử dụng điều này để hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro cho các nhà đầu tư và tổ chức khác. Họ có thể cung cấp thông tin và chiến lược giao dịch để giúp người dùng hiểu rõ hơn về thị trường và quyết định đầu tư của họ.
- Thu hút người dùng mới: Việc có sự hiện diện của các Market Maker giúp thu hút người dùng mới đến thị trường tiền điện tử. Người dùng mới thường tìm kiếm một môi trường giao dịch có thanh khoản tốt và chi phí thấp, điều mà các Market Maker có thể cung cấp.
4. Market Maker Kiếm Lời Như Thế Nào?
Về bản chất, mục tiêu cuối cùng của Market Maker chính là kiếm lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu này, họ có hai cách chính dưới đây:
4.1. Tận dụng chênh lệch giá
Chênh lệch giá là phương thức kiếm lợi nhuận phổ biến nhất của Market Maker trong thị trường tiền điện tử. Họ thiết lập giá ask thấp hơn so với giá bid một chút. Khi có nhà đầu tư đặt lệnh mua tài sản ở giá ask, Market Maker sẽ khớp lệnh này với một lệnh bán được đặt ở giá bid. Qua đó, Market Maker thu được lợi nhuận từ chênh lệch giá giữa các lệnh mua và bán.
4.2. Tận dụng phí hoa hồng
Market Maker cũng có thể thu được lợi nhuận từ việc tính phí hoa hồng cho mỗi giao dịch mà họ thực hiện. Phí hoa hồng này thường được áp dụng đối với các nhà đầu tư lớn, những người thực hiện các giao dịch có khối lượng lớn. Điều này giúp Market Maker có thêm nguồn thu nhập đa dạng và ổn định bên cạnh lợi nhuận từ chênh lệch giá.
5. Automated Market Maker (AMM) là gì?
Auto Market Makers (AMM) là phiên bản cải tiến của MM, sử dụng công nghệ Blockchain để tự động hóa quá trình tạo lập thị trường thông qua các giao thức trao đổi phi tập trung (DEX). AMM dựa trên công thức toán học để đặt giá tài sản, cho phép giao dịch một cách liền mạch và xuyên suốt mà không cần phải qua KYC phức tạp. Mặc dù có phí giao dịch cao hơn so với MM truyền thống, AMM giúp tăng cường tính thanh khoản và sự linh hoạt cho thị trường tiền điện tử và các tài sản khác.
Trong cơ chế AMM, không có khái niệm về người bán. Thay vào đó, các hợp đồng thông minh đóng vai trò trung gian. Người dùng muốn bán tài sản của mình sẽ đặt tài sản đó vào một nguồn cung gọi là Pool thanh khoản. Sau đó, người mua sẽ thực hiện việc trao đổi tài sản của họ với tài sản trong pool thông qua các hợp đồng thông minh. Điều này giúp tạo ra một quy trình giao dịch trực tiếp giữa các người dùng mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba trung gian.
6. Automated Market Maker hoạt động như thế nào?
6.1. Cơ chế hoạt động
AMM hoạt động dựa trên cơ chế cung cấp thanh khoản tự động thông qua các bể thanh khoản (liquidity pools). Trong mỗi bể, có các token khác nhau được lưu trữ và giá của chúng được xác định bởi một công thức toán học cố định, thay vì dựa vào cung và cầu truyền thống.
6.2. Cung cấp thanh khoản
Người dùng có thể trở thành nhà cung cấp thanh khoản (LP – Liquidity Provider) bằng cách gửi token vào bể thanh khoản. Bằng cách này, họ “khóa” tài sản của mình vào bể để hỗ trợ giao dịch và nhận lại một phần phí giao dịch dưới dạng phần thưởng.
6.3. Xác định giá và giao dịch
AMM hoạt động dựa trên một công thức toán học xác định giá trị tương đối giữa hai loại token trong một pool. Phổ biến nhất là công thức x*y=k, trong đó x và y là số lượng của hai loại token trong pool và k là hằng số. Khi một giao dịch diễn ra, tỷ lệ giữa x và y thay đổi, dẫn đến sự điều chỉnh của giá trị token.
7. Tại sao Automated Market Maker lại quan trọng? Vai trò của AMM
AMM (Automated Market Maker) trong thị trường tiền điện tử đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư vì nhiều lý do:
- Tiếp cận rộng rãi các nhà đầu tư: AMM cho phép nhiều nhà đầu tư giao dịch tiền điện tử hơn, vì chúng hoạt động trong một sàn giao dịch phi tập trung. Với các sàn giao dịch tiền điện tử AMM, bất kỳ ai có ví tiền điện tử đều có thể giao dịch. Đồng thời, AMM cũng cho phép ai cũng có thể trở thành nhà cung cấp thanh khoản.
- Cung cấp thanh khoản cao hơn so với các Market Maker truyền thống: AMM giúp thiết lập một hệ thống thanh khoản mà bất kỳ ai cũng có thể đóng góp vào. Từ đó loại bỏ bên trung gian, giúp giảm các khoản phí giao dịch cho nhà đầu tư.
- Đảm bảo tính thanh khoản cao cho các giao dịch: Mức thanh khoản cao là điều rất quan trọng cho các giao dịch. Nếu thanh khoản thấp, điều này có thể gây ra hiện tượng trượt giá (Slippage). Đồng thời, chúng cũng có thể đem lại những biến động lớn trên thị trường.
Tóm lại, AMM trong thị trường crypto không chỉ tạo nhiều cơ hội giao dịch hơn cho các nhà đầu tư mà còn đảm bảo một môi trường giao dịch lành mạnh, thông qua việc cung cấp thanh khoản.
8. Điểm khác biệt giữa Market Maker (MM) và Automated Market Maker (AMM)
Dưới đây là một bảng tóm tắt những điểm khác biệt của MM và AMM:
Cụ thể, sự khác biệt này được giải thích như sau:
8.1. AMM – giải pháp thanh khoản tốt hơn cho Long-Tails Assets
Trên thực tế, các Market Maker chuyên nghiệp thường rất hiếm khi đồng ý tạo thị trường cho các Long-Tails Assets (viết tắt là LTAs – tài sản có khối lượng giao dịch thấp và nhận ít sự quan tâm) vì một số lý do sau:
- Khối lượng giao dịch thấp và không ổn định.
- Biến động giá mạnh xảy ra thường xuyên.
Các Market Maker hoạt động chủ yếu với mục tiêu lợi nhuận, do đó việc tạo thị trường cho LTAs, tài sản không mang lại lợi nhuận cao cùng với rủi ro lớn, thường không là lựa chọn tốt cho MM.
Đối với các Automated Market Maker (AMM) trên thị trường Crypto, mọi người dùng đều có thể cung cấp thanh khoản cho bất kì tài sản nào dựa trên mô hình AMM. Do đó, hiện tại, AMM được xem là giải pháp phù hợp và tốt hơn để cung cấp thanh khoản cho các LTAs trên thị trường Crypto.
8.2. Phí giao dịch
Phí giao dịch trên thị trường Market Maker thường thấp hơn so với AMM. Ví dụ:
- Binance có mức phí 0.1%, ONUS miễn phí giao dịch giao ngay.
- Uniswap có mức phí 0.3%.
Sự khác biệt này phản ánh rủi ro cao hơn mà nhà cung cấp thanh khoản phải chịu khi tham gia vào các thị trường được tạo bởi AMM, so với thị trường được tạo bởi Market Maker.
>> Tìm hiểu nhanh về mức phí giao dịch của các nền tảng tại đây: Phí Giao Dịch Các Sàn Tiền Điện Tử Chi Tiết Nhất 2024
Tổng kết
Trong bài viết này, ONUS đã tổng hợp các kiến thức quan trọng liên quan đến Market Maker trong lĩnh vực tiền điện tử. Hy vọng bạn đã hiểu rõ về vai trò của Market Maker trong việc tăng tính thanh khoản cho thị trường, cũng như phương pháp hoạt động và điểm khác biệt giữa Market Maker và Automated Market Maker (AMM). Qua đó, bạn có thể tận dụng các dịch vụ của Market Maker trong chiến lược giao dịch của mình.