So sánh NEAR Protocol và Ethereum

  •  
KEY TAKEAWAYS:
Ethereum sử dụng phiên bản cơ bản nhất của cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS) còn NEAR sử dụng cơ chế đồng thuận thresholded Proof-of-Stake (TPoS).
Với hơn 500,000 validator để đảm bảo tính bảo mật, Ethereum là nền tảng layer 1 phi tập trung nhất trên thị trường.
NEAR thân thiện với nhà phát triển hơn so với Ethereum do sử dụng các ngôn ngữ lập trình phổ biến Rust và Java, đồng thời có chương trình kiểm tra hợp đồng thông minh cực kỳ mạnh mẽ.
Giải pháp Simple Nightshade của NEAR Protocol cho phép mạng lưới này vừa đồng thời có mức phí thấp và vừa sở hữu tốc độ giao dịch gần như tức thì.

So sánh cơ chế đồng thuận, ngôn ngữ lập trình, giải pháp mở rộng, hiệu suất, những lợi ích của Ethereum và NEAR Protocol.

So sánh NEAR Protocol và Ethereum
So sánh NEAR Protocol và Ethereum

1. Giới thiệu về NEAR Protocol và Ethereum

1.1. NEAR Protocol là gì

NEAR Protocol là một blockchain Proof-of-Stake, được thiết kế nhằm mục đích cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng phi tập trung với khả năng mở rộng cao và chi phí thấp.

NEAR Protocol là một giải pháp layer 1 sử dụng cơ chế đồng thuận thresholded Proof-of-Stake (TPoS) và công nghệ sharding để triển khai tính toán song song nhằm gia tăng khả năng mở rộng mạng lưới một cách tối đa.

Thông tin về NEAR Protocol (NEAR):

1.2. Ethereum là gì?

Ethereum là một nền tảng hợp đồng thông minh, được thiết kế để xây dựng các ứng dụng phi tập trung (dApp) trên blockchain.

Trước đây, Ethereum sử dụng hệ thống xác nhận giao dịch có tên là “Proof-of-Work”. Tuy nhiên, sau khi sự kiện The Merge diễn ra vào ngày 15/09/2022, mạng lưới Ethereum đã chính thức chuyển sang cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake, giúp gia tăng tốc độ giao dịch, tăng khả năng mở rộng và giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 99.95%.

Thông tin về Ethereum (ETH):

2. So sánh NEAR Protocol và Ethereum

2.1. Cơ chế đồng thuận của NEAR Protocol và Ethereum

Blockchain là một mạng lưới phi tập trung, do đó cần phải có một phương pháp để xác nhận giao dịch và tạo block mới mà không cần có một bên tập trung nào. Nói cách khác, làm thế nào một mạng lưới gồm hàng nghìn node phi tập trung quyết định giao dịch nào là hợp lệ?

Đó là công việc của cơ chế đồng thuận. Cơ chế đồng thuận là cách các validator blockchain xác nhận về trạng thái chia sẻ chính xác của sổ cái kỹ thuật số để ngăn chặn các cuộc tấn công từ hacker.

Ethereum

Ethereum sử dụng phiên bản cơ bản nhất của cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS). Các Validator (người xác thực) stake 32 ETH để có quyền tham gia vào quá trình bảo mật blockchain. Nếu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, validator sẽ được nhận được phần thưởng là ETH.

Nếu validator lơ là nhiệm vụ của mình hoặc có hành động ác ý, số lượng ETH đã stake trên mạng lưới của họ sẽ bị lấy đi. Điều này đảm bảo rằng các validator không làm ảnh hưởng đến quy trình xác thực block và bảo mật mạng lưới.

NEAR Protocol

NEAR sử dụng cơ chế đồng thuận thresholded Proof-of-Stake (TPoS). Nhìn chung, TPoS hoạt động rất giống với cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS) thông thường. Điểm khác biệt chính là TPoS giới thiệu cơ chế bầu chọn để chọn người xác nhận.

Về cơ bản, đây là một hệ thống đấu giá để chọn người xác nhận trong đó người chiến thắng nhận được nhiều phần thưởng nhất. Ưu điểm của hệ thống bầu cử này là giúp ngăn chặn việc gộp và phân nhánh.

2.2. Sự tập trung hóa của NEAR Protocol và Ethereum

Mức độ phi tập trung là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với tính bảo mật của blockchain. Blockchain càng phi tập trung thì càng khó bị tấn công.

Ethereum

Rất ít đối thủ có thể đánh bại Ethereum về mức độ phi tập trung. Với hơn 500,000 validator để đảm bảo tính bảo mật, Ethereum là nền tảng layer 1 phi tập trung nhất trên thị trường. Tuy nhiên, 52% số lượng ETH staking được kiểm soát bởi 3 validator hàng đầu bao gồm Lido, Coinbase và Kraken. Điều này có nghĩa là kẻ tấn công chỉ cần kiểm soát ba validator để kiểm soát mạng lưới. 

NEAR Protocol

Chỉ với 200 validator, NEAR Protocol thậm chí còn ít phi tập trung hơn Solana. Đặc biệt, hơn là 16 validator hàng đầu kiểm soát hơn 50% số lượng NEAR staking, khiến NEAR dễ bị lo ngại về kiểm duyệt tương tự như Ethereum.

2.3. Ngôn ngữ lập trình của NEAR Protocol và Ethereum

Việc lựa chọn ngôn ngữ lập trình là rất quan trọng đối với tính bảo mật của blockchain. Ngôn ngữ lý tưởng của một mạng lưới blockchain là ngôn ngữ quen thuộc, dễ học và dễ sử dụng đối với nhà phát triển. Ngôn ngữ lập trình càng tốt thì mạng càng an toàn.

Ethereum

Ethereum sử dụng kết hợp các ngôn ngữ lập trình được xây dựng tùy chỉnh, bao gồm Vyper, Yul/Yul+ và Fe. Tuy nhiên, Solidity là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong việc xây dựng các hợp đồng thông minh.

Solidity thực hiện tốt công việc của mình, nhưng vì ngôn ngữ này còn khá mới mẻ, do đó có rất ít tài liệu tham khảo và thư viện để học ngôn ngữ lập trình Solidity, khiến cho việc học ngôn ngữ này trở nên khó khăn đối với những người mới.

NEAR Protocol

NEAR sử dụng các ngôn ngữ lập trình phổ biến Rust và Java, đồng thời có chương trình kiểm tra hợp đồng thông minh cực kỳ mạnh mẽ. 

Ngoài ra, NEAR Protocol còn hỗ trợ WebAssembly (WASM) để cho phép nhà phát triển chuyển sang các ứng dụng Web2 truyền thống hoặc xây dựng các ứng dụng phi tập trung và hợp đồng thông minh mới bằng các ngôn ngữ lập trình như Rust, Java, C, và C++.

Khi nói đến sự thân thiện với nhà phát triển, khó có mạng lưới nào có khả năng đánh bại NEAR Protocol.

2.4. Giải pháp mở rộng blockchain của NEAR Protocol và Ethereum

Cả Ethereum và NEAR Protocol đều sử dụng giải pháp mở rộng sharding. Sharding là một giải pháp mở rộng quy mô nhằm cải thiện tốc độ giao dịch của blockchain.

Sharding hoạt động bằng cách chia blockchain thành các phần (phân đoạn), trong đó mỗi phân đoạn chỉ xử lý một phần của mạng. Mỗi phân đoạn xử lý các giao dịch riêng và hợp đồng thông minh song song với các giao dịch khác, làm tăng đáng kể thông lượng của mạng và giúp giảm phí gas. Sharding cũng giúp phân cấp mạng lưới vì nó giảm tải cho các node riêng lẻ bằng cách phân phối giao dịch trên nhiều node.

Ethereum

Với giải pháp mở rộng Sharding, mạng lưới Ethereum sẽ được phân chia thành nhiều phân đoạn. Mỗi phân đoạn xử lý một tập hợp các node xử lý giao dịch. Các node trong mỗi phân đoạn sẽ xử lý các giao dịch thuộc về phân đoạn đó. Validator trên mỗi phân đoạn xác minh các giao dịch và duy trì trạng thái.

Việc phân bổ cho một phân đoạn là ngẫu nhiên và yêu cầu người xác nhận phải stake một lượng token để tham gia. Theo cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake, validator cần phải stake một lượng ETH nhất định để tham gia quá trình xác nhận giao dịch và tạo block mới.

Kỹ thuật sharding khác với định dạng xử lý giao dịch hiện tại, trong đó tất cả các node đều tham gia vào mọi giao dịch. Giao tiếp giữa các phân đoạn ngăn chặn sự trùng lặp vai trò, trong đó các phân đoạn chia sẻ thông tin về giao dịch của nó.

Hiện tại, các node đầy đủ chiếm nhiều không gian và liên tục tăng kích thước khi có nhiều người dùng tham gia nền tảng hơn. Việc sử dụng giải pháp Sharding giúp giảm kích thước node vì người dùng chỉ cần lưu trữ một phần thông tin giao dịch của Ethereum.

Mặc dù sharding tăng cường khả năng mở rộng và giảm tắc nghẽn nhưng nó cũng gây ra sự phức tạp về mặt phối hợp phân đoạn và tính khả dụng của dữ liệu. Tuy nhiên, sharding mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như tăng tốc độ xử lý giao dịch và giảm phí, giúp cho mạng lưới trở nên hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.

NEAR Protocol

NEAR Protocol đã điều chỉnh thêm khái niệm sharding bằng giải pháp Nightshade độc ​​đáo, được ra mắt vào tháng 11/2021 với tên gọi Simple Nightshade. 

Nightshade là một biến thể của sharding, trong đó các bộ validator riêng lẻ xử lý các giao dịch song song trên nhiều chuỗi và được phân chia để cải thiện công suất tổng thể của blockchain. Ngược lại với giải pháp sharding thông thường, Nightshade sharding tạo ra một phần của block tiếp theo, được gọi là “chunk”.

Bằng cách sử dụng quy trình sharding này, NEAR Protocol có thể đạt được tới 100,000 giao dịch mỗi giây và đạt được kết quả giao dịch ngay lập tức. Với Nightshade, NEAR có thể giữ phí giao dịch ở mức gần như bằng 0.

Giải pháp Simple Nightshade cho phép các validator không phải xử lý tất cả các giao dịch đến mà chỉ xử lý những giao dịch trong phân đoạn, từ đó tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô không giới hạn.

Đây là cách để NEAR Protocol vừa đồng thời có mức phí thấp và vừa sở hữu tốc độ giao dịch nhanh. Giải pháp Nightshade của NEAR Protcol mang tính cách mạng vì những lý do sau:

  • Mạng lưới NEAR Protocol được phân chia thành Blockchain trạng thái đơn.
  • Mỗi block NEAR chấp nhận tất cả các giao dịch từ các phân đoạn khác.
  • Khi một block thay đổi trạng thái, các phân đoạn khác cũng thay đổi trạng thái.

Trong thực tế, khi nói đến việc truyền thông tin vật lý, các validator trên mạng NEAR Protocol không phải tải xuống dữ liệu bất cứ khi nào trạng thái đầy đủ của block thay đổi. Thay vào đó, chúng duy trì trạng thái phân đoạn, dưới dạng các block dữ liệu được phân chia trên mỗi phân đoạn.

Ngoài ra, tính năng Dynamic Resharding, giai đoạn cuối cùng của giải pháp Simple NightShade được NEAR Protocol ra mắt vào cuối năm 2022, đã giúp cải thiện hơn nữa khả năng mở rộng của các phân đoạn và tổng thể mạng lưới khi nhu cầu của người dùng tăng lên.

Thông qua giải pháp này, NEAR Protocol có thể xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây. Tuỳ thuộc vào điều kiện mạng, hệ thống sẽ tự động phân chia và hợp nhất các phân đoạn dựa trên việc sử dụng tài nguyên và lưu lượng mạng. Số lượng các node sẽ tăng lên khi mạng ở mức dung lượng cao. Khi đó, phí giao dịch vừa được giữ ở mức thấp và hiệu suất mạng lưới vừa được duy trì.

Nhìn chung, giải pháp Nightshade sharding mang lại tốc độ giao dịch gần như ngay tức thì mà không ảnh hưởng đến khả năng phi tập trung của mạng lưới.

Đặc biệt, bằng cách sử dụng DoomSlug, một thuật toán sản xuất block, NEAR Protocol có khả năng đạt được kết quả cuối nhanh hơn với ít validator hơn so với các giải pháp layer 1 khác. Điều này giúp cho NEAR Protocol có tốc độ giao dịch vượt trội.

2.5. Khả năng sử dụng của NEAR Protocol và Ethereum

Ethereum

Việc sử dụng Ethereum đối với hầu hết mọi người vẫn còn quá phức tạp. Để khuyến khích áp dụng mạng lưới, Ethereum đã cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách cho phép người dùng quyền truy cập không cần cấp phép và chống kiểm duyệt vào mạng lưới.

Tài khoản Ethereum được bảo vệ bởi một cặp khóa dùng để xác định tài khoản (public key) và sign messages (private key). Private key giống như mật khẩu chính; nó cho phép người dùng có quyền truy cập vào tài khoản Ethereum của họ.

Để Ethereum đạt được sự chấp nhận rộng rãi mà không cần dựa vào các bên thứ ba tập trung, phải có một cách đơn giản, dễ dàng để người dùng nắm quyền giám sát tài sản của họ và giữ quyền kiểm soát dữ liệu mà không cần phải hiểu về quản lý khóa và key cryptography.

Để giải quyết vấn đề này, Ethereum cung cấp Account Abstraction, một giải pháp cho phép người dùng sử dụng ví non-custodial dưới dạng hợp đồng thông minh để tương tác với Ethereum. Ví hợp đồng thông minh cung cấp cho người dùng các phương pháp để bảo vệ tài khoản nếu private key của họ bị mất hoặc bị đánh cắp, tạo cơ hội để phát hiện và phòng ngừa gian lận tốt hơn, đồng thời cung cấp nhiều chức năng mới. 

Account Abstraction là một mô hình mới nhằm mang lại trải nghiệm thân thiện hơn với người dùng khi tương tác với các ứng dụng phi tập trung (DApps). Việc sử dụng Account Abstraction trong các hệ thống blockchain cho phép tài sản được nắm giữ độc quyền bởi các hợp đồng thông minh thay vì bị kiểm soát bởi các tài khoản thuộc sở hữu bên ngoài (EOA). 

NEAR Protocol

Không chỉ sử dụng các ngôn ngữ lập trình thân thiện với nhà phát triển, NEAR Protocol còn tập trung vào nâng cao trải nghiệm người dùng bằng cách loại bỏ các public key thông thường. Thay vào đó, NEAR Protocol cung cấp cho người dùng một tính năng độc đáo là Access Key, bao gồm nhiều cặp public/private key. 

Access Key cung cấp quyền truy cập cho một tài khoản cụ thể. Mỗi khóa truy cập thuộc về một số tài khoản và được xác định bằng một public key duy nhất (trong tài khoản). Khóa truy cập được lưu trữ dưới dạng account_id và một tài khoản có thể có từ 0 đến nhiều Access Key. Việc sử dụng Access Key không chỉ cho phép người dùng sử dụng ứng dụng một cách an toàn​, mà còn cho phép họ dễ dàng thay đổi khoá mới hoặc khôi phục khoá khi có sự cố xảy ra.

2.6. Những lợi ích của Ethereum và NEAR Protocol

Ethereum

Không chỉ là một loại tiền tệ, Ethereum cho phép xây dựng và triển khai các hợp đồng thông minh và các ứng dụng phi tập trung (dApp). Công nghệ của Ethereum cho phép nền tảng này được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, trao đổi hàng hoá, quản lý năng lượng và bất động sản. Ethereum cung cấp những lợi ích bao gồm:

  • Mạng lưới rộng lớn: Ethereum là một mạng lưới đã được thử nghiệm qua nhiều năm hoạt động và đã xử lý hàng tỷ giao dịch giá trị. Ethereum có một cộng đồng toàn cầu rộng lớn cũng như hệ sinh thái lớn nhất trong thị trường crypto.
  • Nhiều chức năng: Bên cạnh việc được sử dụng như một loại tiền kỹ thuật số, Ethereum còn có thể xử lý các giao dịch tài chính khác, thực hiện hợp đồng thông minh và lưu trữ dữ liệu cho các ứng dụng của bên thứ ba.
  • Đổi mới liên tục: Cộng đồng nhà phát triển Ethereum không luôn ngừng tìm kiếm, khám phá các công nghệ mới để cải thiện mạng lưới và phát triển các ứng dụng mới. 
  • Loại bỏ yếu tố trung gian: Mạng lưới phi tập trung của Ethereum cho phép người dùng thực hiện các giao dịch không thông qua các tổ chức trung gian, như ngân hàng, hoặc các tổ chức tài chính.

NEAR Protocol

Bản chất độc đáo của blockchain NEAR khiến mạng lưới này trở nên rất hấp dẫn đối với tất cả những người tham gia blockchain, chẳng hạn như người dùng cuối, doanh nghiệp và người xác thực.

  • Người dùng cuối được hưởng những lợi ích của UX linh hoạt, tiến bộ, đồng thời nhận được quyền truy cập vào nhiều dịch vụ chạy trên NEAR với quá trình tích hợp dễ dàng, không rắc rối mà vẫn duy trì khả năng bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng.
  • Các doanh nghiệp có thể tùy chỉnh quyền nâng cao cho người dùng trong ứng dụng của họ và nhận được bộ công cụ phong phú để xây dựng các ứng dụng một cách dễ dàng. Khi thị trường phát triển, các nhà phát triển sẽ có quyền truy cập vào mạng lưới người dùng ngày càng tăng thông qua nền tảng NEAR. Những nhà phát triển cung cấp các ứng dụng chất lượng sẽ nhận được một số đặc quyền và lợi ích nhất định.
  • Các validator có thể tham gia mà không cần phần mềm nâng cao do tính chất phân đoạn của hệ thống. Họ có thể nhận thưởng bằng cách xác thực các giao dịch trên mạng lưới NEAR Protocol.

2.7. Hiệu suất của NEAR Protocol và Ethereum

Ethereum

Giống như Bitcoin, nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề về khả năng mở rộng của Ethereum là do mỗi node trong mạng phải xử lý từng giao dịch. Điều này hạn chế đáng kể khả năng xử lý giao dịch và thông lượng của mạng lưới. Hiện tại, Ethereum chỉ có thể xử lý 12-15 giao dịch mỗi giây. Phí giao dịch trung bình trên Ethereum là khoảng 11.35 USD.

NEAR Protocol

NEAR Protocol là một blockchain Proof-of-Stake với phí giao dịch thấp, tốc độ giao dịch nhanh chóng và cung cấp các tính năng thân thiện với người dùng. NEAR Protocol có khả năng xử lý 100,000 giao dịch mỗi giây với chi phí dưới 0.001 USD mỗi giao dịch. 

2.8. Hệ sinh thái NEAR Protocol và Ethereum

Ethereum

Không chỉ là nền tảng hợp đồng thông minh dẫn đầu thị trường crypto, Ethereum còn sở hữu một hệ sinh thái khổng lồ và là mảnh đất tiềm năng đối với nhà phát triển. Hiện đang có tổng cộng hơn 4,000 dự án DeFi đang phát triển trên Ethereum với tổng giá trị bị khoá (TVL) đạt tới 31.83 tỷ USD, chiếm 57.15% TVL của toàn bộ thị trường crypto.

Tìm hiểu thêm: Những mảnh ghép tạo nên hệ sinh thái Ethereum

NEAR Protocol

Hệ sinh thái NEAR Protocol bao gồm nhiều loại dApp, từ các ứng dụng Lending, NFT trading đến Gaming, Launchpad, và các sàn giao dịch. AwesomeNear là công cụ theo dõi và tổng hợp chính cho tất cả các dApp được khởi chạy trên blockchain NEAR. Hiện NEAR Protocol đang có tổng giá trị bị khoá (TVL) đạt $76.62 triệu.

Dưới đây là một số ứng dụng NEAR phổ biến nhất:

  • Paras: Nền tảng NFT Marketplace sử dụng bộ lưu trữ phi tập trung IPFS, với token PARAS của riêng nó. 
  • Flux: Nền tảng oracle cung cấp các công cụ dự đoán thị trường được ra mắt vào năm 2020.
  • Burrow: Giao thức cho vay tương tự như Aave của Ethereum.
  • Ref Finance: Nền tảng cung cấp tính năng swap token tương tự như Uniswap.

3. So sánh ETH coin và NEAR coin

ETH coin

ETH Coin là đồng coin đại diện cho giá trị của mạng lưới Ethereum và đóng vai trò là phương tiện cung cấp năng lượng cho các ứng dụng phi tập trung được xây dựng trên Ethereum.

ETH coin thuộc tiêu chuẩn ERC20, vận hành trên nền tảng Ethereum và được sử dụng với mục đích:

  • Thanh toán phí gas trên mạng Ethereum
  • Mua, bán hàng hoá, dịch vụ, NFT
  • Giao dịch trên các sàn giao dịch crypto
  • Người dùng stake ETH để trở thành validator và nhận thưởng

NEAR coin

NEAR coin là đồng coin đại diện cho giá trị của NEAR Protocol, đóng vai trò là utility coin và governance coin của hệ sinh thái NEAR Protocol. NEAR coin vận hành trên nền tảng NEAR và được sử dụng với mục đích:

  • Trả phí cho hệ thống lưu trữ dữ liệu và xử lý giao dịch
  • Người dùng stake NEAR để trở thành validator và nhận thưởng
  • Tham gia vào quá trình quản trị NEAR Protocol
Câu hỏi thường gặp

1. Sự khác biệt giữa Ethereum và NEAR Protocol là gì?

Ethereum và NEAR Protocol là hai trong số những nền tảng hợp đồng thông minh hàng đầu hiện nay. Cả hai đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, khiến chúng trở thành lựa chọn phù hợp cho các mục đích khác nhau.

Ethereum là nền tảng lâu đời nhất và phổ biến nhất cho hợp đồng thông minh, với một hệ sinh thái rộng lớn và đa dạng các ứng dụng. Tuy nhiên, Ethereum cũng gặp phải một số vấn đề về khả năng mở rộng và phí gas cao.

NEAR Protocol là một nền tảng mới hơn, tập trung vào khả năng mở rộng và khả năng tiếp cận. NEAR có thể xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây với phí gas thấp hơn đáng kể so với Ethereum.

2. Sự khác biệt giữa giải pháp Sharding trên NEAR Protocol và trên Ethereum 2.0 là gì?

Cả Ethereum và NEAR Protocol đều sử dụng giải pháp mở rộng sharding. Tuy nhiên, NEAR Protocol sử dụng Nightshade, một giải pháp cải tiến hơn của sharding. 

Ngược lại với giải pháp sharding thông thường, Nightshade sharding tạo ra một phần của block tiếp theo, được gọi là “chunk”. Bằng cách sử dụng quy trình sharding này, NEAR Protocol có thể đạt được tới 100,000 giao dịch mỗi giây.

Mỗi giải pháp sharding đều có ưu điểm riêng. Trong khi sharding trên Ethereum hướng đến tính bảo mật, thì sharding trên NEAR Protocol lại tập trung vào tốc độ xử lý giao dịch.

3. So sánh cơ chế đồng thuận của Ethereum và NEAR Protocol?

Ethereum sử dụng phiên bản cơ bản nhất của cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS) còn NEAR sử dụng cơ chế đồng thuận thresholded Proof-of-Stake (TPoS). Nhìn chung, TPoS hoạt động rất giống với cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS) thông thường. Điểm khác biệt chính là TPoS giới thiệu cơ chế bầu chọn để chọn người xác nhận. 

BACKTìm hiểu hệ sinh thái Ethereum và những mảnh ghép cốt lõi (2024)
NEXTPhí gas ETH là gì? Tìm hiểu từ A-Z về phí gas trên Ethereum