Stagflation từng được xem là hiện tượng “không thể xảy ra” trong các lý thuyết kinh tế cổ điển, nhưng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nền kinh tế lớn từ thập niên 70. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ đình lạm quay trở lại, ONUS sẽ giúp bạn tìm hiểu về bản chất, nguyên nhân, tác động của hiện tượng này!
1. Tìm hiểu về Đình lạm (Stagflation)
1.1. Stagflation là gì?
Stagflation (hay đình lạm) là một chu kỳ kinh tế có đặc trưng là tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao đi kèm lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế nhận định tình trạng đình lạm đặc biệt khó xử lý. Việc cố gắng xử lý một yếu tố có thể vô hình làm trầm trọng thêm các yếu tố khác.
1.2. Nguồn gốc thuật ngữ Stagflation
Thuật ngữ Stagflation lần đầu tiên được sử dụng bởi chính trị gia người Anh – Iain Macleod năm 1965 trong một bài phát biểu trước Hạ viện. Đây là thời kỳ kinh tế Vương quốc Anh rất căng thẳng. Macleod đã gọi sự kết hợp của lạm phát và kinh tế đình trệ tại Anh là “Stagflation”.
Thuật ngữ này sau đó xuất hiện ở Mỹ trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. Giai đoạn này, lạm phát tăng gấp đôi vào năm 1973 và đạt tới mức 2 chữ số vào năm 1974. Tháng 5 năm 1975, tỷ lệ thất nghiệp đạt 9%. Tại Mỹ, các nhà chính sách sử dụng chỉ số khốn khổ (misery index) để minh họa tác động của tình trạng này.
2. Ví dụ về Stagflation – Lạm phát đình trệ trên thế giới
Hiện tượng Stagflation đã từng được cho là không thể xảy ra theo các lý thuyết kinh tế thống trị thế kỷ 20, đặc biệt là đường cong Phillips trong kinh tế học Keynes. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Năm 2022, Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ rơi vào đình lạm khi tạp chí Forbes dự báo tình trạng này có thể xảy ra do các nhà hoạch định chính sách ưu tiên giải quyết thất nghiệp trước, để lạm phát tăng cao. Trong 50 năm qua, mọi cuộc suy thoái được công bố ở Mỹ đều chứng kiến sự gia tăng liên tục của mức giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là ngoại lệ duy nhất khi chỉ ghi nhận sự sụt giảm giá trong lĩnh vực năng lượng và vận tải, trong khi giá tiêu dùng tổng thể vẫn tăng. Điều này cho thấy lạm phát vẫn có thể tồn tại dai dẳng ngay cả trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm hoặc âm.
Lạm phát đình trệ là ví dụ điển hình về việc tình hình thực tế có thể làm đảo lộn các lý thuyết kinh tế và chính sách được chấp nhận rộng rãi trước đó. Từ sau thời kỳ Đại suy thoái, các nhà kinh tế tập trung vào nguy cơ giảm phát và cho rằng hầu hết chính sách giảm lạm phát đều làm tăng thất nghiệp, trong khi chính sách giảm thất nghiệp lại đẩy lạm phát lên cao.
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng Stagflation là gì?
Các nhà kinh tế chưa đạt được đồng thuận khi nói về nguyên nhân gây ra tình trạng đình lạm. Họ chỉ đưa ra một số lập luận có thể giải thích về cách mà hiện tượng này xảy ra.
3.1. Sốc giá dầu
Có một lý thuyết cho rằng stagflation xảy ra là do sự gia tăng đột ngột của chi phí dầu mỏ, dẫn đến giảm năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 là ví dụ điển hình. Vào tháng 10 năm 1973, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã ban hành lệnh cấm vận đối với các nước phương Tây. Điều này khiến giá dầu toàn cầu tăng mạnh, do đó làm tăng chi phí hàng hóa và góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Vì chi phí vận chuyển tăng lên, việc sản xuất và đưa sản phẩm đến các cửa hàng trở nên đắt đỏ hơn. Giá cả vẫn tăng mạnh ngay cả khi mọi người không có việc làm.
3.2. Chính sách kinh tế yếu kém
Một lý thuyết khác cho rằng stagflation là hệ quả của một chính sách kinh tế yếu kém.
Việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, hàng hóa và lao động trong một môi trường vốn đã có xu hướng lạm phát được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng đình lạm.
Một số người cho rằng chính sách của cựu Tổng thống Richard Nixon có thể đã dẫn đến cuộc suy thoái năm 1970 – dấu hiệu ban đầu của các giai đoạn đình lạm sau này. Nixon đã áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu và đóng băng mức lương, giá cả trong 90 ngày nhằm ngăn chặn giá cả leo thang. Tuy nhiên, khi các biện pháp kiểm soát này được nới lỏng, giá cả tăng vọt gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế.
3.3. Tác động từ việc từ bỏ Bản vị vàng
Các lý thuyết khác cho rằng yếu tố tiền tệ cũng có thể góp phần vào tình trạng đình lạm. Nixon đã xóa bỏ những dấu vết cuối cùng của BẢN VỊ VÀNG, làm sụp đổ hệ thống Bretton Woods vốn kiểm soát TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI.
Quyết định này đã loại bỏ sự đảm bảo bằng hàng hóa cho đồng tiền và chuyển đồng đô la Mỹ cùng phần lớn các loại tiền tệ trên thế giới sang chế độ tiền pháp định.
4. Hậu quả của Stagflation với nền kinh tế là gì?
Đình lạm là sự kết hợp của ba yếu tố tiêu cực: tăng trưởng kinh tế chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bình thường, và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Thông thường, lãi suất sẽ được cắt giảm để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng trở lại và thúc đẩy nền kinh tế vận hành. Tuy nhiên, hành động này có thể rất nguy hiểm khi lạm phát đang leo thang. Hệ quả là cả người dân và doanh nghiệp đều cạn kiệt tiền mặt trong khi giá cả tăng cao, làm chi phí trả nợ và các khoản chi tiêu bắt buộc ngày càng tốn kém.
Hậu quả của đình lạm có thể rất kinh khủng. Nhà kinh tế học Roubini chỉ ra, nợ công và nợ tư nhân hiện nay cao hơn rất nhiều so với trước đây, chiếm khoảng 350% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tình hình đang thay đổi và một cơn bão đang hình thành khi chi phí vay tăng cao, đẩy các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, và thậm chí cả chính phủ dễ rơi vào tình trạng phá sản và vỡ nợ.
Nếu các sự kiện diễn ra như dự báo của Roubini, chúng ta có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, khi đình lạm kiểu những năm 1970 có thể kết hợp với sụp đổ nợ tương tự như cuộc Đại Suy Thoái năm 2008.
5. Làm thế nào để chống lại đình lạm?
5.1. Về phía chính phủ
Hiện tại chưa có một phương pháp, chính sách đối phó triệt để với tình trạng đình lạm. Các nhà kinh tế hiện mới chỉ cùng đồng nhất quan điểm cho rằng năng suất phải được đẩy lên tối đa, giúp kinh tế tăng trưởng mạnh hơn mà không làm gia tăng lạm phát.
5.2. Về phía nhà đầu tư
Chiến lược đầu tiên là đa dạng hóa danh mục đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản, tiền điện tử, vàng và các hình thức khác. Bất động sản và vàng thường tăng giá trong thời kỳ lạm phát do nguồn cung hạn chế và giá trị thực của chúng đối với xã hội. Các hàng hóa khác cũng có xu hướng hoạt động tốt trong giai đoạn này, khi thất nghiệp và lạm phát cao có thể làm suy giảm giá trị tiền tệ.
Cổ phiếu tăng trưởng thường không hoạt động hiệu quả trong thời kỳ stagflation do phụ thuộc vào nền kinh tế phát triển để đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao. Ngược lại, cổ phiếu hàng tiêu dùng và tiện ích có thể tạo ra dòng tiền và lợi nhuận ổn định.
6. Liệu đình lạm có xuất hiện trong thời gian tới hay không?
Nền kinh tế 2024 bắt đầu với tăng trưởng chậm lại ở mức 1.6% so với 3% năm 2023. Tuy nhiên, đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng khoảng 3% – những yếu tố được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, khiến nguy cơ đình trệ đang dần giảm bớt.
Nhiều yếu tố có thể thúc đẩy stagflation bao gồm nợ cao, chính sách bảo hộ thương mại, dân số già, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và xung đột mạng. Một số yếu tố này sẽ tiếp tục tồn tại, do đó đình lạm vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn.
Mặc dù kinh tế 2024 chưa rơi vào suy thoái, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng khi chi phí trả nợ cao buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Khi nhiều người thất nghiệp kết hợp với tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao, đình lạm có thể xuất hiện.
7. Stagflation tác động thế nào đến tiền điện tử?
Mặc dù khó xác định chính xác tác động của đình lạm lên tiền điện tử, nhưng có thể đưa ra một số nhận định cơ bản dựa trên điều kiện thị trường hiện tại.
Trong môi trường tăng trưởng thấp hoặc âm, thu nhập người dân sẽ trì trệ hoặc giảm, dẫn đến giảm khả năng đầu tư vào crypto. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ buộc phải bán ra để trang trải chi phí sinh hoạt, trong khi các “cá mập” cũng giảm tỷ trọng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu và tiền điện tử.
Các biện pháp chống đình lạm của chính phủ cũng ảnh hưởng đến crypto. Thông thường, việc kiểm soát lạm phát được ưu tiên thông qua giảm cung tiền và tăng lãi suất. Điều này làm giảm thanh khoản khi người dân giữ tiền trong ngân hàng, chi phí vay mượn tăng cao.
Tuy nhiên, Bitcoin được nhiều người xem là công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả do nguồn cung hạn chế. Chiến lược này có thể hiệu quả với nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt trong và sau các giai đoạn lạm phát kèm tăng trưởng. Nhưng với đầu tư ngắn hạn trong thời kỳ đình lạm, phương án này có thể không phù hợp do mối tương quan ngày càng tăng giữa crypto và thị trường chứng khoán.
8. Tổng kết
Stagflation là thách thức kinh tế nghiêm trọng mà các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư cần phải cẩn trọng đối phó. Mặc dù kinh tế 2024 chưa rơi vào tình trạng này, nhưng các dấu hiệu cảnh báo như tăng trưởng chậm lại, lạm phát dai dẳng cùng những bất ổn địa chính trị vẫn đang hiện hữu.
Dù khó có thể dự đoán chính xác thời điểm đình lạm xảy ra, nhưng việc chuẩn bị sẵn sàng sẽ giúp chính phủ các nước ứng phó tốt hơn với những biến động bất ngờ của nền kinh tế trong thời gian tới.