Peter Todd là ai? Tranh cãi về cha đẻ Bitcoin – Satoshi Nakamoto

KEY TAKEAWAYS:
Ngày 8/10, việc HBO công chiếu bộ phim "Money Electric: The Bitcoin Mystery” đã đưa Peter Todd trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi và suy đoán về danh tính thật sự của cha đẻ Bitcoin - Satoshi Nakamoto.
Peter Todd là một trong những nhà phát triển phần mềm và chuyên gia bảo mật hàng đầu trong lĩnh vực tiền mã hóa với nhiều năm kinh nghiệm và đóng góp quan trọng. Một trong những đóng góp nổi bật của ông là đề xuất khái niệm Replace-by-Fee (RBF), một cải tiến quan trọng giúp cải thiện khả năng xử lý giao dịch của Bitcoin.
Peter Todd đã công khai phủ nhận mình là Satoshi Nakamoto. Ông cho rằng những bằng chứng mà bộ phim đưa ra là không đủ thuyết phục và chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Trong thế giới tiền điện tử, danh tính của Satoshi Nakamoto – người sáng lập Bitcoin – luôn là một bí ẩn lớn. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng không ai có thể chắc chắn về danh tính thực sự của người này. Tuy nhiên, vào ngày 8/10, việc HBO công chiếu bộ phim  “Money Electric: The Bitcoin Mystery” đã đưa Peter Todd trở thành tâm điểm của nhiều tranh cãi và suy đoán. Liệu ông có thể là Satoshi Nakamoto? 

1. Peter Todd là ai?

Peter Todd là một trong những nhà phát triển phần mềm và chuyên gia bảo mật hàng đầu trong lĩnh vực tiền mã hóa với nhiều năm kinh nghiệm và đóng góp quan trọng. Sự xuất hiện của bộ phim tài liệu “Money Electric: The Bitcoin Mystery” đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về việc liệu ông có thể là Satoshi Nakamoto, người sáng lập bí ẩn của Bitcoin.

1.1. Cuộc đời “cha đẻ tin đồn” của Bitcoin

Peter Todd sinh ra và lớn lên tại Canada, tính đến 2024, ông đã 39 tuổi. Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Nghệ thuật về Truyền thông Tích hợp từ Đại học OCAD vào năm 2011. Với niềm đam mê công nghệ từ khi còn nhỏ, Peter Todd đã sớm bộc lộ tài năng và sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực blockchain và tiền mã hóa.

Peter Todd - “cha đẻ tin đồn” của Bitcoin
Peter Todd – “cha đẻ tin đồn” của Bitcoin

1.2. Sự nghiệp của Peter Todd

Peter Todd bắt đầu quan tâm đến công nghệ blockchain từ năm 15 tuổi. Ông đã tự học và nghiên cứu sâu về các nguyên lý hoạt động của blockchain và tiền mã hóa. Todd đã có cơ hội giao tiếp và làm việc với nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng như Hal Finney và Adam Back, những người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Bitcoin.

Khi anh 23 tuổi, năm 2009, là lúc Satoshi Nakamoto ra mắt Bitcoin, Todd tham gia vào quá trình phát triển Bitcoin, trở thành một trong những nhân vật có đóng góp quan trọng cho việc cải tiến và bảo mật giao thức của Bitcoin.

Từ năm 2014, Todd đã tham gia nền tảng Coinkite và trở thành cố vấn cho nền tảng Verisart từ năm 2015. Ngoài ra, Peter Todd còn là nhà sáng lập OpenTimestamps – một dự án nguồn mở được thiết kế để cung cấp định dạng chuẩn cho dấu thời gian blockchain. 

Peter Todd được biết đến như một chuyên gia tư vấn mật mã ứng dụng trên GitHub và sống tại Toronto. Hồ sơ LinkedIn dưới tên ông liệt kê ông là “Chief Naysayer” tại nhà cung cấp bảo mật Bitcoin Coinkite, nhà khoa học trưởng tại dịch vụ ví ẩn danh Dark Wallet và nhà khoa học trưởng tại dự án Mastercoin. 

1.3. Đóng góp cho Bitcoin và công nghệ blockchain

Nhờ sự nỗ lực và tài năng, Peter Todd nhanh chóng trở thành một trong những thành viên quan trọng của cộng đồng Bitcoin. Peter Todd đã tham gia phát triển các dự án “Bitcoin 2.0”, bao gồm Counterparty, Mastercoin, Colored Coins và tham gia vào việc ra mắt đồng tiền riêng tư Zcash vào năm 2016 cùng với Edward Snowden.

Một trong những đóng góp nổi bật của ông là đề xuất khái niệm Replace-by-Fee (RBF), một cải tiến quan trọng giúp cải thiện khả năng xử lý giao dịch của Bitcoin. Replace-by-Fee cho phép người dùng thay thế một giao dịch chưa được xác nhận bằng một giao dịch mới với mức phí cao hơn, giúp tăng tốc độ xác nhận giao dịch trong mạng lưới Bitcoin.

2. Liệu Peter Todd có phải cha đẻ Bitcoin – Satoshi Nakamoto?

2.1. Mối liên hệ giữa Peter Todd và Bitcoin

Peter Todd là một trong những nhà phát triển Bitcoin thời kỳ đầu và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công nghệ này. Ông cũng là một trong số ít người đã tiếp xúc với Satoshi Nakamoto trước khi nhân vật này biến mất vào năm 2011.

Là nhà phát triển cốt lõi trong mạng Bitcoin lâu năm, tức Bitcoin Core, Todd từng công khai các đoạn trao đổi với Satoshi qua email trước khi người này biến mất khỏi các diễn đàn tiền điện tử vào năm 2010. Có lẽ vì thế mà đạo diễn Cullen Hoback đã sử dụng thông tin này như một bằng chứng cho thấy Todd có thể là Satoshi Nakamoto.

Mối liên hệ giữa Peter Todd và Bitcoin
Mối liên hệ giữa Peter Todd và Bitcoin

2.2. Tại sao Todd bị cho là Satoshi? 

Peter Todd được gọi là Satoshi Nakamoto trong phim tài liệu của HBO – “Money Electric: The Bitcoin Mystery”. Bộ phim này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng tiền mã hóa và giới truyền thông, làm dấy lên nhiều tranh cãi và suy đoán về danh tính thực sự của người sáng lập Bitcoin.

Bộ phim dài 100 phút, được phát hành vào thứ Ba bởi HBO, có các cuộc phỏng vấn với những nhân vật quan trọng trong cộng đồng Bitcoin từ những ngày đầu, bao gồm Adam Back, Roger Ver, Samson Mow và chính Peter Todd.

Peter Todd được gọi là Satoshi Nakamoto trong phim tài liệu của HBO
Peter Todd được gọi là Satoshi Nakamoto trong phim tài liệu của HBO

Cullen Hoback – nhà sản xuất bộ phim tài liệu đã đối chất với Todd và Adam Back, nhà sáng lập Blockstream, bằng những chứng cứ mà ông đã thu thập được để kết luận rằng Todd chính là Nakamoto. Bộ phim tài liệu đã sử dụng nhiều bằng chứng để hỗ trợ cho lập luận của mình như: 

  • Đầu tiên, các bài đăng trên diễn đàn Bitcoin từ những năm đầu tiên của Bitcoin cho thấy Peter Todd có mối quan hệ gần gũi với nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng, như Hal Finney và Adam Back.   
  • Thứ hai, bộ phim chỉ ra sự tương đồng về ngôn ngữ và lịch trình hoạt động giữa Peter Todd và Satoshi Nakamoto. Những bằng chứng này đã khiến nhiều người tin rằng Peter Todd có thể là người đứng sau bút danh Satoshi Nakamoto.
  •  HBO còn đưa ra một câu trả lời vào năm 2010 khi Todd vô tình phản hồi một bài đăng rằng Satoshi Nakamoto đã bắt đầu trên diễn đàn Bitcointalk bằng tài khoản của chính mình.
Todd vô tình phản hồi một bài đăng trên diễn đàn Bitcointalk
Todd vô tình phản hồi một bài đăng trên diễn đàn Bitcointalk
  • Chương trình còn sử dụng cuộc thảo luận trước đó của Todd về vấn đề ‘hy sinh’ Bitcoin như bằng chứng cho rằng anh có thể là Satoshi, diễn giải điều này như việc ‘hủy diệt’ đồng coin.
  • Todd trước đây cũng từng đùa về việc mình là Satoshi. Trong một tập podcast “What Bitcoin Did” năm 2019, Todd nói với người dẫn chương trình Peter McCormack rằng: “Tôi là Satoshi, cũng như tất cả mọi người khác”. Hoback cho rằng phát ngôn này là một lời thừa nhận rằng Todd đã vô hiệu hóa khả năng truy cập vào 1.1 triệu Bitcoin (trị giá 69.4 tỷ USD) mà người ta cho rằng Satoshi Nakamoto đang nắm giữ.
  • Ở phần cuối, bộ phim kết thúc với chính câu nói của Todd: “Ừ thì, đúng vậy, tôi là Satoshi Nakamoto” trước một câu hỏi thẳng thắn từ Hoback.

2.3. Phản ứng từ cộng đồng

Tiếng nói của những người có tiếng trong ngành

Các nhân vật có tiếng trong ngành đã lên tiếng bảo vệ Peter Todd và chỉ trích bộ phim của HBO vì tính suy đoán và nguy cơ gây hại cho anh. Cobra, quản trị viên của BitcoinTalk, và Adam Cochran từ Cinneamhain Ventures đã lên án hành vi báo chí vô trách nhiệm.

Nhà phân tích Adam Cochran chỉ trích bộ phim vì đưa ra những suy đoán vô căn cứ và thiếu hiểu biết về công nghệ Bitcoin, không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh rằng Peter Todd là Satoshi Nakamoto. Việc bộ phim khẳng định Todd là Satoshi, trong khi anh đã phủ nhận điều này, bị coi là vô trách nhiệm. Thậm chí, các chi tiết về thời điểm Todd tham gia Bitcoin cũng bị sai lệch.

Cộng đồng người quan tâm đến tiền mã hóa

Bộ phim của HBO đã nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng về độ chính xác của kết luận từ Cullen Hoback. Nhiều người nghi ngờ khả năng bộ phim có thể “giải mã” được bí ẩn lớn nhất của Bitcoin, khi những hacker và lập trình viên hàng đầu còn chưa tìm ra danh tính Satoshi. 

Samson Mow, CEO của JAN3 và cựu giám đốc chiến lược của Blockstream, cũng phản đối lập luận của Hoback, cho rằng Peter không phải là Satoshi.

Cộng đồng tại Polymarket đã dự đoán chính xác rằng Satoshi Nakamoto không phải là những tên tuổi được đề cập trong bộ phim. Trước khi phát hành, các trader nghiêng về Len Sassaman, sau đó chuyển hướng sang Nick Szabo, nhưng cuối cùng phần lớn tin rằng Satoshi là một ứng viên chưa từng được xem xét trước đó.

Toàn bộ dàn diễn viên đều được liệt kê là đóng vai Satoshi Nakamoto trên trang IMDB
Toàn bộ dàn diễn viên đều được liệt kê là đóng vai Satoshi Nakamoto trên trang IMDB

Lời “thừa nhận” của Todd trong bộ phim đối với cộng đồng không thực sự chứng minh rằng anh là người tạo ra Bitcoin. Bởi Todd thường sử dụng cụm từ “Tôi là Satoshi” để ủng hộ quyền được giữ bí mật danh tính của người sáng lập thực sự. 

Trước khi bộ phim chính thức phát sóng, trang IMDB đã bị chỉnh sửa bởi một nhóm người dùng, khiến toàn bộ dàn diễn viên đều được liệt kê là đóng vai Satoshi Nakamoto. Điều này làm cho câu nói của Peter Todd ở cuối phim, “Ừ, tôi là Satoshi Nakamoto,” trở nên giống như một lời bông đùa, gợi nhắc đến meme nổi tiếng “We Are All Satoshi” trong cộng đồng tiền mã hóa.

2.4. Những bí ẩn đằng sau bộ phim

Bộ phim đã để lại nhiều bí ẩn và mâu thuẫn về danh tính thực sự của Satoshi Nakamoto. Đáng chú ý là lời thừa nhận mơ hồ của Peter Todd trong phim khi anh nói “Ừ, tôi là Satoshi Nakamoto,” nhưng sau đó lại phủ nhận trên mạng xã hội, khẳng định chỉ là lời nói đùa. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu Todd chỉ đùa cợt hay cố tình gây hiểu lầm.

Phim cũng bị chỉ trích vì cung cấp thông tin sai lệch về thời điểm Todd tham gia cộng đồng Bitcoin, làm giảm uy tín và khiến người xem nghi ngờ các lập luận khác. Nếu những dữ kiện căn bản như thời gian cũng bị sai, thì các suy đoán khác của Hoback càng kém thuyết phục.

Những bí ẩn đằng sau bộ phim tài liệu của HBO
Những bí ẩn đằng sau bộ phim tài liệu của HBO

Một lo ngại lớn là Todd có thể trở thành mục tiêu bị tống tiền và đe dọa, giống như Hal Finney. Việc bộ phim vô trách nhiệm gắn nhãn Todd là Satoshi mà không có bằng chứng rõ ràng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu Hoback có nhận thức được hậu quả của việc này và tại sao Todd lại đồng ý tham gia phim?

2.5. Sự phủ nhận từ Peter Todd

Peter Todd đã công khai phủ nhận mình là Satoshi Nakamoto. Trước khi bộ phim ra mắt, Todd đã công khai phủ nhận việc mình là người tạo ra Bitcoin và đặt câu hỏi về kết luận của Hoback khi các đoạn phim bị rò rỉ trên mạng trước ngày công chiếu.

Sau khi bộ phim tài liệu được phát sóng, Todd tiếp tục phủ nhận mình là Satoshi trên mạng xã hội. Trong một phản hồi vào ngày 8 tháng 10 đối với một bình luận trên X yêu cầu ông chính thức phủ nhận tuyên bố của HBO, Todd viết: “Tôi không phải là Satoshi.”

Peter Todd đã công khai phủ nhận mình là Satoshi Nakamoto
Peter Todd đã công khai phủ nhận mình là Satoshi Nakamoto

Trước khi đưa ra tiết lộ gây sốc về Todd, nhà phát triển Bitcoin người Canada này đã tự đưa ra lý do vì sao người sáng lập Bitcoin có thể muốn giữ bí mật danh tính của mình.

Trong cuộc trò chuyện trên podcast, Todd cho biết ông đã mua Bitcoin lần đầu tiên khi giá của nó chỉ khoảng 20 xu. Điều này đặt thời điểm mua vào tháng 10 năm 2010, khoảng hai năm sau khi bản báo cáo gốc của Bitcoin được công bố vào ngày 31 tháng 10 năm 2008.

Todd sau đó nói với CNN, “Để rõ ràng, tôi không phải là Satoshi,” chỉ trích bộ phim tài liệu là “thiếu trách nhiệm” và cho rằng nó đã đặt cuộc sống của ông vào nguy hiểm. Ông khẳng định rằng ông không được HBO tiếp cận trước khi bộ phim được phát hành và không được xem trước nó, nói rằng, “Ông ấy đang thổi phồng một vài sự trùng hợp thành điều gì đó lớn hơn nhiều. Thật mỉa mai: đó là dấu hiệu của tư duy âm mưu.”

Ông cho rằng những bằng chứng mà bộ phim đưa ra là không đủ thuyết phục và chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cộng đồng tiền mã hóa cũng có nhiều ý kiến trái chiều về kết luận của bộ phim. Một số người tin rằng Peter Todd có thể là Satoshi, trong khi những người khác cho rằng danh tính của Satoshi vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp.

3. Tác động của việc tiết lộ danh tính Satoshi Nakamoto tới giá Bitcoin

Mặc dù Satoshi Nakamoto đã im lặng từ năm 2011, danh tính của họ vẫn rất quan trọng. Ví của Satoshi chứa khoảng 1 triệu Bitcoin, trị giá khoảng 62,4 tỷ USD theo giá hiện tại. Bất kỳ sự di chuyển nào của số tiền này có thể gây ra sự sụt giảm lớn trên thị trường. Hơn nữa, danh tính của người sáng lập có thể ảnh hưởng lớn đến sự sẵn lòng của các chính phủ và tập đoàn trong việc chấp nhận Bitcoin, tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

3.1. Tác động tích cực

Việc Satoshi Nakamoto lộ diện có thể gây ra sự biến động mạnh mẽ trên thị trường Bitcoin. Tùy thuộc vào phản ứng của cộng đồng, sự minh bạch về danh tính này có thể làm giảm hoặc tăng giá Bitcoin. Trong ngắn hạn, lo ngại về việc bán tháo và sự giảm đi của sự bí ẩn có thể tạo ra áp lực giảm giá. 

Tuy nhiên, về dài hạn, sự minh bạch có thể giúp củng cố niềm tin vào Bitcoin như một tài sản chính thống hơn, từ đó làm tăng niềm tin vào sự phát triển và hợp pháp hóa của Bitcoin. Nếu Satoshi lộ diện và cam kết không bán số Bitcoin mình nắm giữ, điều này có thể giúp ổn định giá và làm tăng niềm tin vào tương lai của Bitcoin​.

Xem thêm: Dự đoán giá BTC 

3.2. Tác động tiêu cực

Mất đi sức hấp dẫn của sự bí ẩn: Một phần sức hút của Bitcoin nằm ở tính ẩn danh của người sáng lập. Sự bí ẩn này tạo ra huyền thoại và tăng tính phi tập trung của Bitcoin. Việc tiết lộ danh tính của Satoshi có thể làm giảm đi sự quyến rũ đó và gây thất vọng trong cộng đồng, dẫn đến khả năng giá Bitcoin giảm.

Sự lo ngại về việc bán tháo: Nếu Satoshi lộ diện, có lo ngại rằng ông (hoặc họ) có thể bán ra một phần hoặc toàn bộ số Bitcoin mà mình sở hữu, ước tính khoảng 1.1 triệu BTC. Sự bán tháo này có thể gây hoảng loạn và làm giảm giá trị của Bitcoin trên thị trường.

Khả năng tăng cường giám sát và quản lý: Nếu danh tính của Satoshi được tiết lộ, các cơ quan quản lý và chính phủ có thể tìm cách điều chỉnh hoặc giám sát hoạt động của Bitcoin và thị trường tiền mã hóa chặt chẽ hơn. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến giá của Bitcoin do lo ngại về sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ các chính phủ.

Tác động từ các vụ kiện tiềm năng: Việc Satoshi bị lộ diện cũng có thể dẫn đến các vụ kiện tụng hoặc tranh chấp pháp lý liên quan đến sự ra đời của Bitcoin hoặc những vấn đề pháp lý xoay quanh nó. Những sự kiện như vậy có thể tạo ra biến động lớn về giá trị của Bitcoin.

4. Các ứng cử viên khác

Danh tính thực sự của Satoshi Nakamoto, dù là một cá nhân hay một nhóm, đã là chủ đề của nhiều suy đoán kể từ khi Bitcoin ra mắt vào tháng 1 năm 2009. Tiền mã hóa này đã thu hút sự chú ý của giới chính thống, trở thành một phần của các danh mục đầu tư của các công ty như MicroStrategy Inc. và được bao gồm trong các quỹ giao dịch trao đổi của Mỹ, nắm giữ hàng tỷ đô la Bitcoin.

Trong những năm qua, nhiều nhân vật đã được đề xuất là Satoshi Nakamoto; vào năm 2014, Newsweek tuyên bố đó là nhà vật lý Dorian Nakamoto, một tuyên bố mà ông phủ nhận, trong khi New York Times chỉ ra nhà khoa học máy tính Nick Szabo vào năm 2015. Craig Wright, một người Úc, nổi tiếng tuyên bố mình là Satoshi Nakamoto cho đến khi một thẩm phán Anh bác bỏ điều này.

Trước khi bộ phim tài liệu của HBO được công bố, người dùng Polymarket đã từng đặt cược vào những ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu Nakamoto, trong đó nhà khoa học máy tính Nick Szabo và nhà mật mã học Len Sassaman được coi là những người hàng đầu.

Tỷ lệ cược trong cuộc bình chọn nhằm xác định danh tính Satoshi
Tỷ lệ cược trong cuộc bình chọn nhằm xác định danh tính Satoshi

5. Kết luận

Peter Todd rõ ràng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử của mật mã học và quyền riêng tư và việc ông được xem là một ứng viên tiềm năng cho danh tính của Satoshi Nakamoto có thể là do sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cho đến khi có bằng chứng rõ ràng, danh tính của Satoshi Nakamoto vẫn sẽ tiếp tục là một điều bí ẩn và chúng ta chỉ có thể suy đoán về những con người đứng sau phát minh này.

Đọc tiếp
Câu hỏi thường gặp

Ai là người sở hữu nhiều Bitcoin nhất?

Theo công ty nghiên cứu và phân tích Bitcoin River Intelligence, Satoshi Nakamoto, nhóm/người sáng tạo ẩn danh đằng sau Bitcoin, được liệt kê là người nắm giữ BTC nhiều nhất tính đến năm 2024. Công ty lưu ý rằng Satoshi Nakamoto nắm giữ khoảng 1.1 triệu token BTC trong khoảng 22,000 địa chỉ khác nhau.

Có bao nhiêu người sở hữu 1 bitcoin?

Tính đến năm 2024, có khoảng 420 triệu người dùng tiền điện tử trên toàn cầu. Trong số đó, khoảng 1.5 triệu cá nhân sở hữu hơn 1 Bitcoin, chỉ chiếm 0.36% tổng số người dùng tiền điện tử.

Ai kiểm soát Bitcoin?

Bitcoin không được kiểm soát bởi bất kỳ nhóm hay cá nhân nào. Thay vào đó, nó được quản lý bởi nhiều bên liên quan, bao gồm các nhà phát triển, thợ đào và người dùng. Các nhà phát triển viết mã để Bitcoin chạy; thợ đào xác thực giao dịch và người dùng đưa phần mềm vào hoạt động bằng cách giao dịch, giao dịch, nắm giữ,...

Các quốc gia nào nắm giữ nhiều Bitcoin nhất?

Chính phủ Mỹ hiện là quốc gia nắm giữ nhiều Bitcoin nhất, với khoảng 212,847 BTC, trị giá khoảng 15 tỷ USD.

Theo sau là chính phủ Anh với 61,245 BTC và chính phủ Đức với 49,858 BTC.

Chính phủ Trung Quốc được cho là nắm giữ 190,000 BTC đã được thu hồi từ vụ lừa đảo Plustoken năm 2019.

Các thành viên của chính phủ Ukraine nắm giữ riêng khoảng 46,351 BTC. Lượng nắm giữ của El Salvador hiện là 5,800 BTC.

1 Bitcoin có giá trị bằng bao nhiêu?

Giá 1 BTC/VND hiện tại là 2,557,618,179 VND

SHARES