Bạn có thể cảm nhận được giá cả ngày càng tăng, đồng tiền trong tay mất giá dần? Đây chính là hiện tượng mà chuyên gia kinh tế gọi là “lạm phát” – một thuật ngữ khá quen thuộc nhưng ít người thực sự hiểu rõ về nó. Vậy lạm phát là gì, nó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta và làm thế nào để kiểm soát “kẻ thù” này? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Lạm phát là gì?
Trong kinh tế vĩ mô, Lạm phát (Inflation) là hiện tượng hàng hóa, dịch vụ tăng mức giá chung một cách liên tục theo thời gian, đi kèm với đó là sự suy giảm giá trị của đồng tiền. Một đơn vị tiền tệ lúc này sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn, qua đó sức mua của người tiêu dùng cũng giảm đi đáng kể.
Ví dụ: Vào thời điểm những năm 2010, bạn chỉ cần bỏ ra 15.000 VND để mua một chiếc bánh mì thập cẩm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, với 15.000 VND bạn chỉ có thể mua được một chiếc bánh mì trứng mà thôi, và giá của bánh mì thập cẩm đã leo lên 25.000 VND/chiếc. Đây chính là hậu quả do lạm phát gây ra.
Ngược lại với lạm phát là giảm phát – hiện tượng giá cả dịch vụ/hàng hóa giảm liên tục trong thời gian dài. Còn trong trường hợp lạm phát xuất hiện đồng thời với các yếu tố kinh tế tiêu cực như tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, hiện tượng này được gọi là đình lạm (stagflation).
2. Nguyên nhân gây ra lạm phát là gì?
2.1. Kinh tế tăng trưởng
Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, lượng tiền cung cấp tăng lên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Sự gia tăng này thường đến từ các chính sách tiền tệ mở rộng, giúp tăng khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi cung tiền vượt quá sản lượng hàng hóa và dịch vụ có sẵn, áp lực lên giá cả sẽ xảy ra. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp buộc phải nâng giá để bảo đảm lợi nhuận, từ đó hình thành chu trình lạm phát liên tục.
2.2. Chi phí đẩy
Một nguyên nhân quan trọng khác của lạm phát là chi phí đẩy, vốn bắt nguồn từ sự gia tăng chi phí sản xuất. Khi giá nguyên vật liệu, như nhựa hoặc thép, và lương nhân công tăng lên, doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm để duy trì lợi nhuận.
Sự tăng giá này không chỉ tác động tiêu cực đến mức sống của người dân mà còn tạo ra những phản ứng dây chuyền trong nền kinh tế, gây ra lạm phát.
2.3. Tăng cung tiền tệ
Khi cung tiền trong nền kinh tế tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng sản lượng, một xu hướng lạm phát rõ rệt sẽ xuất hiện. Việc ngân hàng trung ương bơm tiền để kích thích tiêu dùng và đầu tư có thể tạo ra sự thặng dư tiền tệ.
Điều này khiến người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, nhưng khi sản lượng không theo kịp, giá cả sẽ tăng lên, dẫn đến những tác động tiêu cực đến giá trị tiền tệ.
2.4. Nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kinh tế cụ thể, lạm phát còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố phi kinh tế như chiến tranh và thiên tai. Các sự kiện này có thể dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng, khiến hàng hóa và dịch vụ trở nên khan hiếm.
Kết quả là, giá cả sẽ không ổn định và có thể leo thang nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân.
3. Các mức độ của lạm phát là gì?
Lạm phát hiện nay thường được chia làm 3 nhóm tỷ lệ, gồm có: Lạm phát thấp (Lạm phát tự nhiên), Lạm phát nặng nề (Lạm phát phi mã) và Lạm phát trầm trọng (Siêu lạm phát).
3.1. Lạm phát tự nhiên
Lạm phát ở mức độ thấp, từ 0% đến 10%, được xem là lạm phát tự nhiên và có thể chấp nhận được trong nền kinh tế. Mức lạm phát này có thể biến động tùy thuộc vào từng quốc gia và đặc điểm nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát ở mức độ này có thể thậm chí được coi là một điều tích cực, vì nó có thể kích thích tăng trưởng kinh tế.
Khi lạm phát ở mức độ vừa phải, nó có thể thúc đẩy các hoạt động kinh tế như chi tiêu, đầu tư và cho vay – những yếu tố then chốt để duy trì sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, lạm phát thấp cũng có thể tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
3.2. Lạm phát phi mã
Tình trạng lạm phát ở mức độ cao, từ 10% đến 1000%, được xem là lạm phát nặng nề hoặc còn gọi là lạm phát phi mã. Ở mức độ này, giá trị của đồng tiền sụt giảm nghiêm trọng, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
Khi lạm phát phi mã xảy ra, các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngân hàng trung ương, sẽ phải theo dõi sát sao tình hình và nhanh chóng đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp để kiểm soát lạm phát, nhằm đưa tỷ lệ trở về mức độ lạm phát tự nhiên.
3.3. Siêu lạm phát
Siêu lạm phát là tình trạng lạm phát ở mức độ cực kỳ cao, trên 1000%. Đây là mức lạm phát không thể kiểm soát được, thường xảy ra khi một quốc gia gặp phải biến động lớn về chính trị, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hoặc do chính phủ đưa ra những chính sách tiền tệ sai lầm.
Trong trường hợp siêu lạm phát, giá trị của đồng tiền sụt giảm không phanh, khó có khả năng hồi phục. Tình trạng này có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia, gây ra những hậu quả kinh tế – xã hội vô cùng nghiêm trọng.
4. Các chỉ số đo lường lạm phát là gì?
Trên thực tế, không có một phép đo chính xác nào cho chỉ số lạm phát, vì tỷ lệ lạm phát phụ thuộc vào tỷ trọng của từng hàng hóa trong chỉ số cũng như phạm vi khu vực kinh tế mà nó đo lường. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên một số chỉ số giá phổ biến sau đây để đánh giá tỷ lệ lạm phát.
4.1. Chỉ số Giá sinh hoạt
Chỉ số Giá Sinh hoạt (Cost-of-Living Indices – CLI) là một trong những công cụ đo lường lạm phát phổ biến. Nó được tính toán dựa trên việc so sánh giá cả hàng hóa, dịch vụ mà một cá nhân tiêu dùng thường xuyên so với thu nhập của họ.
CLI có thể được điều chỉnh thêm bởi “sức mua ngang giá” để phản ánh sự khác biệt về giá cả đất đai và các hàng hóa, dịch vụ khác trong khu vực. Điều này giúp CLI có thể đại diện chính xác hơn cho tình hình lạm phát của một vùng địa lý cụ thể.
4.2. Chỉ số Giá tiêu dùng
Chỉ số Giá Tiêu Dùng (Consumer Price Indices – CPI) là một trong những chỉ số lạm phát phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. CPI so sánh mức giá của một rổ hàng hóa tiêu dùng tiêu biểu tại thời điểm hiện tại với mức giá của những mặt hàng đó ở một thời điểm trong quá khứ.
Nhiều quốc gia sử dụng CPI như một thước đo chính thức để phản ánh tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế.
4.3. Chỉ số Giá sản xuất
Chỉ số Giá Sản Xuất (Producer Price Indices – PPI) là một chỉ số khác dùng để đo lường lạm phát. PPI phản ánh mức giá mà các nhà sản xuất nhận được, không tính đến các chi phí bổ sung từ các trung gian hay thuế doanh thu.
Chênh lệch giữa PPI và CPI thể hiện sự tác động của các yếu tố như trợ cấp giá, lợi nhuận và thuế đến giá trị mà các nhà sản xuất nhận được. Thường thì PPI có xu hướng tăng hoặc giảm chậm hơn so với CPI, và một số nhà phân tích tin rằng PPI có thể dự đoán được sự biến động của CPI trong tương lai.
5. Tác động của lạm phát lên nền kinh tế là gì?
5.1. Tác động tích cực của lạm phát
Dù lạm phát có thể khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút, đồng tiền bị bớt đi giá trị nhưng không có nghĩa là các tác động của nó đến nền kinh tế là hoàn toàn tiêu cực.
Nếu có thể kiểm soát được tỷ lệ nằm trong mức vừa phải, lạm phát có thể giúp:
- Kích thích tăng trưởng các hoạt động kinh tế: Lạm phát thấp có thể kích thích chi tiêu, đầu tư và cho vay – 3 yếu tố cực kỳ cần thiết của một nền kinh tế khỏe mạnh. Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa/dịch vụ, dẫn đến cầu lớn hơn cung. Lúc này, các doanh nghiệp sản xuất có thể tăng giá, hàng hóa dịch vụ,
- Thúc đẩy việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp: Do cầu lớn hơn cùng, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất để cung cấp được nhiều hàng hóa/dịch vụ ra thị trường hơn. Hệ quả là họ cần thuê nhiều nhân công hơn để đáp ứng sản xuất hơn, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ giảm nhờ thị trường việc làm ổn định.
- Kích thích phát triển các nhóm ngành kém ưu tiên: Khi lạm phát ổn định, các hoạt động đầu tư – vay nợ cũng diễn ra thường xuyên và mang lại nhiều lợi ích hơn. Nhà nước có thể kích thích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào đầu tư các nhóm kém ưu tiên bằng cách giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng,…
5.2. Tác động tiêu cực của lạm phát
Lạm phát tăng vọt khó kiểm soát, nền kinh tế cũng sẽ bị tác động nặng nề:
- Lãi suất tăng: Lạm phát tăng kéo theo lãi suất tăng. Việc tăng lãi suất làm giảm cả 3 yếu tố chi tiêu, đầu tư và cho vay, làm nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng.
- Giá cả và mua sắm bị ảnh hưởng: Hàng hóa và dịch vụ tăng giá liên tục nhưng các khoản tiền tiết kiệm, tiền lương,… của người tiêu dùng bị giảm bớt giá trị. Họ ít mua sắm hơn, tích trữ nhiều hơn dẫn đến giảm cầu toàn bộ thị trường.
- Các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng: Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phân bổ lại nguồn lực nhân sự, nguồn lực vốn, không thể dự đoán chi phí sản xuất và định giá hàng hóa.
- Tỷ lệ thất nghiệp tăng, thu nhập bị ảnh hưởng: Do sức mua giảm, các doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm bớt nhân sự để cân đối thu chi, dẫn đến thị trường việc làm ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp cao.
- Gánh nặng nợ công quốc gia tăng lên: Tăng lạm phát sẽ mang lại lợi ích thuế thu nhập cho chính phủ từ người dân, nhưng đồng thời làm tăng những khoản nợ quốc tế. Lạm phát cũng đẩy tỷ giá hối đoái lên cao và giảm giá trị của đồng tiền nội tệ so với ngoại tệ.
6. Các biện pháp phòng chống lạm phát là gì?
Để kiểm soát và phòng chống lạm phát, các chính phủ và ngân hàng trung ương thường áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm ổn định giá cả và duy trì sức mua của đồng tiền:
- Thắt chặt chính sách tiền tệ: Tức là tăng lãi suất và giảm lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế. Việc này giúp giảm áp lực lạm phát bằng cách làm cho việc vay vốn trở nên đắt đỏ hơn, từ đó giảm nhu cầu chi tiêu và đầu tư quá mức.
- Điều chỉnh chính sách tài khóa: Điều chỉnh thuế và chi tiêu công để hạn chế tăng trưởng nóng. Khi chính phủ giảm chi tiêu hoặc tăng thuế, sức mua của người dân sẽ giảm, giúp giảm áp lực lên giá cả hàng hóa và dịch vụ.
- Kiểm soát giá cả: Biện pháp này ít được khuyến khích vì có thể gây ra những tác động tiêu cực, tuy nhiên cũng có thể được áp dụng tạm thời để giảm bớt chi phí sinh hoạt cho người dân trong thời kỳ lạm phát cao.
- Đầu tư vào các ngành sản xuất: Điều này giúp cân đối cung cầu, từ đó giảm nguy cơ lạm phát phát sinh do thiếu hụt hàng hóa.
Những biện pháp này, nếu được phối hợp hợp lý, có thể giúp nền kinh tế giảm thiểu tác động của lạm phát, bảo vệ sức mua của người dân và duy trì sự ổn định kinh tế trong dài hạn.
7. Mối liên hệ giữa lạm phát và Bitcoin là gì?
Nếu là một người quan tâm đến các vấn đề về tài chính và kinh tế, chắc hẳn bạn đã ít nhiều nghe tới việc Bitcoin – “anh cả” của thị trường tiền điện tử là một sản phẩm được thiết kế nhằm mục đích chống lại lạm phát.
7.1. Tại sao gọi Bitcoin là “hàng rào chống lạm phát”?
Được thúc đẩy phát triển nhiều bởi các khoản đầu tư của tổ chức, tiền điện tử – đặc biệt là Bitcoin ngày càng bắt nhịp hơn với chuyển động chung của thị trường, khi thị trường đi xuống, Bitcoin cũng có khả năng đi xuống. Tuy Bitcoin dễ biến động hơn vàng, nhưng nó mang lại tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt hơn và giúp chống lại lạm phát, vì sao?
- Nguồn cung cố định: Bitcoin có nguồn cung tài sản cố định và hạn chế (21.000.000 coin), đồng nghĩa với việc khi đạt giới hạn thì không có thêm tài sản mới để đưa vào lưu thông, tăng khan hiếm, loại bỏ nguy cơ lạm phát.
- Không bị ràng buộc với một nền kinh tế hoặc tiền tệ cụ thể: Bitcoin, giống như vàng, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ thể chế, chính phủ, nền kinh tế nhà nước nào. Bitcoin sẽ là lựa chọn tốt hơn cổ phiếu vì không phải đối mặt với nhiều rủi ro kinh tế xoay quanh doanh nghiệp hay chính trị liên quan đến thị trường chứng khoán.
- Dễ dàng chuyển nhượng: Bitcoin là một tài sản phi tập trung, rất bền, có tính khan hiếm và dễ dàng hoán đổi. Bitcoin có lợi thế hơn vàng ở đặc điểm dễ di chuyển và có thể chuyển nhượng, ai cũng có thể sở hữu và lưu trữ.
7.2. Bitcoin có bị lạm phát hay không?
Bitcoin hay như rất nhiều các đồng tiền điện tử khác đều có thể gặp phải tình trạng lạm phát, do loại tài sản này được thiết kế để bắt chước tỷ lệ lạm phát ổn định của vàng. Giống với vàng, Bitcoin sẽ gặp phải tình trạng lạm phát khi khai thác được nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ chế Bitcoin Halving có thể giúp giảm tỷ lệ này.
Bạn có thể theo dõi dữ liệu giá hiện tại, nghiên cứu, dự đoán giá,… về Bitcoin trên các trang thông tin chính thức từ ONUS:
- Giá Bitcoin hôm nay: BTC/USD
- Giá Bitcoin hôm nay: BTC/VND
- Hướng dẫn mua Bitcoin (BTC)
- Nghiên cứu về Bitcoin (BTC)
- Dự đoán giá Bitcoin (BTC)
7.3. Tại sao Bitcoin Halving làm giảm lạm phát Bitcoin?
7.3.1. Bitcoin Halving là gì?
Bitcoin Halving là một sự kiện xảy ra theo chu kỳ 4 năm 1 lần khi phần thưởng cho việc khai thác một khối Bitcoin sẽ giảm đi 1 nửa.
Quá trình này được mã hóa cứng vào giao thức Bitcoin bởi nhà sáng lập Satoshi Nakamoto nhằm hạn chế nguồn cung và tăng độ khó khai thác của Bitcoin.
7.3.2. Tại sao Bitcoin Halving làm giảm lạm phát Bitcoin?
Cứ sau 210,000 khối được đào, phần thường chia cho thợ đào Bitcoin sẽ giảm đi một nửa. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng Bitcoin mới tạo ra mỗi ngày giảm, từ đó làm giảm lạm phát.
Trải qua 3 đợt Halving trong quá khứ, tỷ lệ lạm phát của Bitcoin đã giảm từ 50% xuống chỉ còn 4-5% trong đợt Halving năm 2016. Sau đợt Halving lần thứ 3 vào năm 2020, tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm xuống chỉ còn là 1.74% và chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của giá Bitcoin ngay sau đó.
Thông qua biểu đồ có thể thấy được xu hướng chung của BTC sau sự kiện Halving là giá bước vào một đợt tăng trưởng mạnh mẽ, liên tiếp đạt đỉnh mới kéo theo toàn bộ thị trường tiền điện tử đi lên. Điển hình là từ sau đợt halving đầu tiên, giá Bitcoin 2012 từ xấp xỉ $100 lên hơn $1000 chỉ sau một năm. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận chắc chắn rằng giá Bitcoin sẽ tăng sau các sự kiện Halving trong tương lai.
8. Tổng kết
Lạm phát là một khái niệm kinh tế phức tạp và có ảnh hưởng quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Một nền kinh tế khỏe mạnh cần có mức độ lạm phát tự nhiên để kích thích tăng trưởng giá cả hàng hóa và nhu cầu mua sắm.
Thông qua bài viết này, hy vọng bạn đã nắm được lạm phát là gì, mối liên hệ giữa Bitcoin và lạm phát, cũng như hiểu được tại sao Bitcoin Halving có khả năng làm giảm lạm phát Bitcoin theo thời gian.