Phi đô la hóa là gì? Tại sao USD đang dần mất đi vị thế?

KEY TAKEAWAYS:
Phi đô la hóa là quá trình thu hẹp ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ (USD) đối với nền kinh tế của các quốc gia khác.
Tỷ lệ sở hữu đồng đô la trong dự trữ ngoại hối - thước đo phổ biến nhất về sự thống trị của đồng đô la - đã giảm, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Một số dấu hiệu của phi đô la hóa có thể thấy rõ trong lĩnh vực hàng hóa, nơi các giao dịch năng lượng ngày càng được định giá bằng các loại tiền tệ phi USD.
Mặc dù các quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc, nhưng đồng đô la vẫn là tiền tệ dự trữ được nắm giữ nhiều nhất và vẫn là yếu tố thiết yếu để tiến hành thương mại quốc tế.
Làn sóng phản đối đồng đô la đã dâng lên khi Mỹ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine.

Thế giới đang chứng kiến một cuộc chuyển dịch chưa từng có trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Đồng USD, lâu nay được xem là “tiền tệ dự trữ toàn cầu”, giờ đây đang đối mặt với thách thức lớn – xu hướng phi đô la hóa. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến xu hướng phi đô la hóa? Liệu đồng đô la Mỹ có thực sự mất đi vị thế thống trị? Cùng ONUS tìm hiểu trong bài viết này. 

phi đô la hóa

1. Tổng quan về Phi đô la hóa

1.1. Bối cảnh dự trữ ngoại hối trên thế giới

Trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng đô la Mỹ đã có lợi thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nắm giữ USD để lưu trữ giá trị và phục vụ các hoạt động kinh doanh quốc tế. Theo dữ liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), USD chiếm 59% lượng dự trữ tiền tệ được phân bổ tính đến Quý 1 năm 2023.

phi đô la hóa
USD chiếm 59% lượng dự trữ tiền tệ được phân bổ tính đến Quý 1 năm 2023

Dù vẫn đang trong vị thế đầu bảng, nhưng tỷ lệ có sự chuyển biến giảm dần trong vài thập kỷ trở lại đây. Hiện tượng này đã khiến các chuyên gia kinh tế đặt ra câu hỏi: Liệu thế giới có đang chứng kiến quá trình Phi đô la hóa hay không?

1.2. Phi đô la hóa là gì?

Phi đô la hóa là quá trình giảm bớt sự phụ thuộc của một nền kinh tế vào đồng đô la Mỹ (USD). 

Nói một cách dễ hiểu hơn, các quốc gia có thể hạn chế sử dụng USD trong thương mại thế giới và các giao dịch tài chính, hoặc giảm tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối

2. Nguyên nhân dẫn đến phi đô la hóa là gì?

2.1. USD là công cụ trừng phạt kinh tế

Mỹ thường xuyên sử dụng đồng đô la như một công cụ trừng phạt kinh tế đã khiến nhiều quốc gia lo ngại. Khi Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận hay hạn chế tiếp cận hệ thống thanh toán SWIFT, các nước bị ảnh hưởng buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế để bảo vệ nền kinh tế của mình.

2.2. Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới

Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, cũng góp phần thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa. Những quốc gia này mong muốn đồng tiền của họ đóng vai trò lớn hơn trong thương mại quốc tế, qua đó giảm bớt ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ. 

Họ đã thiết lập các thỏa thuận thanh toán song phương bằng đồng nội tệ và phát triển các hệ thống thanh toán độc lập.

2.3. Sự phát triển của công nghệ số và tiền điện tử

Sự phát triển của công nghệ số và tiền điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phi đô la hóa. Các phương thức thanh toán mới này giúp các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần thông qua đồng đô la như trung gian.

2.4. Bất ổn trong chính sách tiền tệ Mỹ

Ngoài ra, những bất ổn trong chính sách tiền tệ của Mỹ, như việc in tiền ồ ạt để đối phó với các cuộc khủng hoảng, đã làm suy giảm niềm tin vào đồng đô la. Nhiều quốc gia lo ngại về nguy cơ lạm phát và mất giá của đồng đô la, từ đó tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình.

3. Phi đô la hóa diễn ra như thế nào?

Các quốc gia có thể áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để giảm tác động của đồng đô la đối với nền kinh tế. Để thoát khỏi cái bóng USD, ngân hàng trung ương cần một loại tiền tệ dự trữ thay thế. Đồng tiền này phải đủ mạnh để cho phép họ củng cố hệ thống tài chính đồng thời vẫn có thể tham gia vào thương mại quốc tế. 

Các lựa chọn thay thế truyền thống gồm có đồng: Euro (EUR), Yên Nhật (JPY) và Bảng Anh (GPB). Tuy nhiên, IMF cho biết các loại tiền tệ này không ghi nhận sự tăng tỷ lệ dự trữ tương ứng khi đồng đô la suy giảm. 

phi đô la hóa
Tỷ trọng dự trữ CNY trên toàn cầu chỉ ở mức 2.58% – Trong đó Nga nắm giữ phần lớn.

Hiện tại, Trung Quốc được đánh giá là động lực chính của quá trình phi đô la hóa. Nước này đặt mục tiêu biến đồng Nhân dân tệ (CNY) trở thành một loại tiền tệ dự trữ mạnh trên toàn cầu. Mặc dù nhiều ngân hàng trung ương vốn đã nắm giữ NDT, nhưng tỷ trọng của đồng tiền này vẫn còn ở mức thấp – chỉ khoảng 2.5%. 

Bất chấp những nỗ lực này, các chuyên gia vẫn nghi ngờ về khả năng trở thành tiền tệ dự trữ chính của CNY. Vấn đề đến từ các biện pháp kiểm soát vốn và tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã chuyển tỷ trọng sang các ngoại tệ thuộc nền kinh tế nhỏ hơn như Đô la Úc (AUD), Đô la Canada (CAD), Krona Thụy Điển (SEK)Won Hàn (KRW)

4. Tác động của chiến lược Phi đô la hóa

Về cơ bản, phi đô la hóa sẽ thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia và tỷ giá hối đoái. Điều này có thể định hình lại nền kinh tế và thị trường toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng đô la có thể mất giá mạnh và các tài sản tài chính của Mỹ sẽ kém hiệu quả hơn so với phần còn lại của thế giới.

Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, tác động tiêu cực sẽ đến từ hai hướng chính:

  • Một mặt, các nhà đầu tư quốc tế có thể rút vốn hoặc phân bổ lại danh mục đầu tư ra khỏi thị trường Mỹ. 
  • Mặt khác, niềm tin vào thị trường tài chính Mỹ có thể suy giảm nghiêm trọng.
  • Ngoài ra, lợi suất thực của trái phiếu Mỹ có thể tăng do các nhà đầu tư giảm nắm giữ, hoặc do các ngân hàng trung ương giảm dự trữ đô la trong kho dự trữ ngoại hối.

Tác động của phi đô la hóa đến tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều điểm chưa chắc chắn. Một đồng đô la yếu đi có thể giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ trên thị trường quốc tế. Nhưng ngược lại, nó cũng có thể làm giảm đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Mỹ. 

Thêm vào đó, đồng đô la mất giá có thể gây áp lực lạm phát tại Mỹ thông qua việc làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, mặc dù ước tính cho thấy những tác động này có thể tương đối nhỏ.

5. Ví dụ về Phi đô la hóa trên toàn cầu

5.1. Phi đô la hóa trong thị trường hàng hóa

Xu hướng phi đô la hóa đang ngày càng thể hiện rõ nét trong lĩnh vực hàng hóa, đặc biệt là trong các giao dịch năng lượng. Điển hình là trường hợp của Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền địa phương của người mua hoặc tiền tệ của các quốc gia mà Nga coi là thân thiện.

Đây là một sự thay đổi đáng kể, khi các cường quốc kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ trong giao dịch quốc tế.

phi đô la hóa
Kho dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Đáng chú ý hơn, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, đang gia tăng dự trữ vàng nhằm đa dạng hóa và giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính lấy đô la làm trung tâm. 

Số liệu từ nhóm nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của J.P. Morgan cho thấy các ngân hàng trung ương đã mua ròng 1.136 tấn vàng trong năm 2022 – mức cao kỷ lục, và tiếp tục mua thêm 1.037 tấn trong năm 2023. Việc tăng dự trữ vàng giúp các nước giảm nhu cầu dự trữ đô la Mỹ và trái phiếu chính phủ Mỹ, từ đó giải phóng nguồn vốn để đầu tư vào các dự án thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

5.2. Phi đô la hóa trong thanh toán

Trên phạm vi toàn cầu, các hệ thống thanh toán mới đang phát triển nhanh chóng và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới mà không cần thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Xu hướng này có thể làm suy yếu sự thống trị của đồng đô la và rộng hơn là cả hệ thống tài chính phương Tây. 

Một ví dụ điển hình là Dự án mBridge – nền tảng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đa quốc gia, kết nối các ngân hàng trung ương và thương mại trong khối BRICS (gồm nhiều nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,…). 

Khối BRICS tham vọng tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) chung

Vai trò của Trung Quốc với tư cách là một “đại gia” trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang tạo ra thách thức không nhỏ cho vị thế của đồng đô la. Thị trường thương mại điện tử toàn cầu đạt quy mô khoảng 5,8 nghìn tỷ đô la trong năm 2023, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng một nửa. 

Đáng chú ý, thị trường thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc, vốn hạn chế đối với các mạng lưới thanh toán nước ngoài, được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Điều này cho thấy xu hướng phi đô la hóa đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phát triển của công nghệ và sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới.

5.3. Phi đô la hóa trong thương mại, ngoại hối

Mặc dù Mỹ là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai thế giới, thị phần thương mại toàn cầu của họ đã suy giảm trong những năm gần đây. Cùng với đó, tỷ trọng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối – thước đo phổ biến nhất về sự thống trị của đồng đô la – đã giảm, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. 

phi đô la hóa
Mặc dù tỷ lệ sở hữu đồng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối đã giảm trong hai thập kỷ qua, nhưng dự trữ ngoại hối vẫn chủ yếu được nắm giữ bằng các loại tiền tệ của các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tại J.P. Morgan, dự trữ ngoại hối chỉ thể hiện một phần nhỏ về tích lũy tài sản nước ngoài. Sự gia tăng trong tiền gửi ngân hàng bằng đô la, quỹ đầu tư quốc gia và tài sản nước ngoài tư nhân đã bù đắp rất nhiều cho sự suy giảm tổng thể của tỷ trọng đô la trong dự trữ ngoại hối.

6. Liệu đồng đô la Mỹ có mất vị thế tiền tệ dự trữ hay không?

Frank Giustra, đồng chủ tịch Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng xu hướng phi đô la hóa dường như là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt sau các lệnh trừng phạt đối với Nga, ngày càng nhiều quốc gia xem xét các thỏa thuận thương mại không dùng đô la và các ngân hàng trung ương đang giảm dự trữ đồng tiền này.

Hiện có 180 loại tiền tệ được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp trên thế giới, cùng với các đồng tiền dự trữ khác như Euro, Yên Nhật, Bảng Anh và Nhân dân tệ. Ngoài ra, các lựa chọn tiền kỹ thuật số cũng đang ngày càng phát triển. 

Theo Alfonso Peccatiello, người sáng lập Macro Compass, việc chuyển đổi có trật tự từ hệ thống dựa trên đô la sang một đồng tiền khác hoặc một rổ tiền tệ là điều khó có thể xảy ra. Lịch sử cho thấy việc chuyển đổi giữa các đồng tiền dự trữ toàn cầu thường đi kèm với căng thẳng địa chính trị lớn hoặc thậm chí là chiến tranh. 

7. Tổng kết

Xu hướng phi đô la hóa đang là một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng tài chính quốc tế. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy thế giới đang dần chuyển dịch khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, nhưng quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian dài và đối mặt với nhiều thách thức.

Trong tương lai, thế giới có thể hướng tới một hệ thống tài chính đa cực hơn, nhưng điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để tránh những bất ổn có thể xảy ra trong quá trình chuyển đổi.

Đọc tiếp
Câu hỏi thường gặp

Phi đô la hóa là gì?

Phi đô la hóa là quá trình giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ như là đơn vị tiền tệ chính trong thương mại và tài chính quốc tế.

Phi đô la hóa diễn ra như thế nào?

Các quốc gia có thể phi đô la hóa bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, khuyến khích sử dụng tiền tệ nội địa và phát triển các hệ thống thanh toán thay thế.

Hậu quả của phi đô la hóa là gì?

Phi đô la hóa có thể dẫn đến biến động tỷ giá hối đoái, lãi suất tăng và bất ổn trên thị trường toàn cầu. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến vị thế kinh tế và địa chính trị của Mỹ.

Lợi ích của phi đô la hóa là gì?

Phi đô la hóa giúp các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào chính sách kinh tế của Mỹ, tăng cường tự chủ và thúc đẩy sử dụng tiền tệ nội địa.

Nguyên nhân dẫn đến phi đô la hóa là gì?

Các yếu tố thúc đẩy phi đô la hóa bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi và sự phát triển của công nghệ tài chính.

SHARES