BRICS là gì? Toàn tập về khối BRICS và đồng tiền chung BRICS

KEY TAKEAWAYS:
BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm các quốc gia thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
BRICS hiện chiếm 30% diện tích và 45% dân số toàn cầu. Trong đó, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong top 10 quốc gia có diện tích, dân số và quy mô kinh tế lớn nhất thế giới.
Mục tiêu lớn nhất của khối BRICS là tạo ra một thế giới đa cực hơn, nơi các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói quan trọng hơn và hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Ngày càng mở rộng về quy mô và tầm ảnh hưởng, tổ chức quốc tế BRICS không chỉ chiếm tỷ trọng lớn về diện tích và dân số toàn cầu mà còn đóng góp quan trọng vào nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, sáng kiến về đồng tiền chung BRICS đang thu hút nhiều sự quan tâm, được xem như một nỗ lực nhằm thách thức sự thống trị của đồng USD và tạo ra một hệ thống tài chính đa cực hơn.

1. Khối BRICS là gì? 

BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm các quốc gia thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. 

Tổ chức này bắt nguồn từ nhóm ban đầu là BRIC, được đặt tên theo chữ cái đầu trong tiếng Anh của 4 quốc gia sáng lập: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, Nam Phi gia nhập vào năm 2010 và các nước Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chính thức trở thành thành viên từ ngày 1 tháng 1 năm 2024.

Khối BRICS là gì? 
Khối BRICS là gì?

BRICS hiện chiếm 30% diện tích và 45% dân số toàn cầu. Trong đó, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong top 10 quốc gia có diện tích, dân số và quy mô kinh tế lớn nhất thế giới. 

Tất cả năm quốc gia ban đầu đều là thành viên G20, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 28,000 tỷ USD, chiếm 27% GDP toàn cầu; tổng GDP theo sức mua tương đương (PPP) đạt khoảng 57,000 tỷ USD, chiếm 34% tổng PPP thế giới, vượt qua khối G7 (31%). BRICS cũng nắm giữ dự trữ ngoại hối ước tính khoảng 4.5 nghìn tỷ USD tính đến năm 2023.

Mục tiêu ra đời của BRICS

Mỗi liên minh được lập ra đều nhằm kết nối sức mạnh của từng quốc gia để cùng chinh phục mục tiêu chung. Mục tiêu lớn nhất của khối BRICS là tạo ra một thế giới đa cực hơn, nơi các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói quan trọng hơn và hợp tác cùng nhau để giải quyết các thách thức toàn cầu. “Đa cực hơn” có thể hiểu là giảm nhẹ sự thống trị độc tài của đế quốc Mỹ, chuyển dịch sức mạnh tới các cường quốc lớn khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil,… – các quốc gia chủ chốt của BRICS.

Các mục tiêu cụ thể của BRICS bao gồm:

  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho liên minh các nước thành viên
  • Mở rộng hợp tác thương mại
  • Cải cách thể chế tài chính tiền tệ quốc tế
  • Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác
  • Xây dựng một trật tự thế giới đa cực, giảm sức mạnh và vị thế độc tôn của Hoa Kỳ

Việc mở rộng BRICS với sự tham gia của các quốc gia như UAE, Ai Cập, Iran, Ethiopia và Ả Rập Xê Út cho thấy tham vọng của khối trong việc trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị quan trọng hơn trên thế giới.

Hoạt động của BRICS

Để hiện thực hoá những mục tiêu trên, khối BRICS thực hiện các hoạt động chính sau:

  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực: Các nước BRICS tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của các nước thành viên, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao mức sống cho người dân.
  • Mở rộng hợp tác thương mại: Tăng cường giao thương hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên, giảm rào cản thương mại và đầu tư.
  • Cải cách thể chế tài chính tiền tệ quốc tế: BRICS tìm kiếm các giải pháp để cải cách các thể chế tài chính quốc tế hiện hành, nhằm đảm bảo chúng phản ánh tốt hơn lợi ích của các nền kinh tế mới nổi.
  • Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác: Ngoài kinh tế, BRICS còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, năng lượng, và an ninh.
  • Xây dựng một trật tự thế giới đa cực: BRICS mong muốn xây dựng một trật tự thế giới đa cực, nơi mà nhiều quốc gia có vai trò quan trọng trong việc ra quyết định toàn cầu.
  • Phát triển các sáng kiến mới để giảm phụ thuộc vào USD: Gồm việc xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thanh toán quốc tế và phương thức thanh toán không sử dụng đồng đô la Mỹ. Mở rộng hợp tác liên ngân hàng, nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế.

2. Thành viên BRICS

Thành viên hiện tại

Các thành viên thuộc khối BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng với các quốc gia mới gia nhập như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Thành viên BRICS
Thành viên BRICS

Thông tin về các quốc gia thuộc nhóm BRICS

Quốc gia & ngày gia nhập BRICS

Diện tích

Dân số

GDP 2024 (PPP) (tỷ USD)

Đơn vị tiền tệ

Nga

17,075,400

146,519,759

5.47

Rúp Nga (RUB)

Trung Quốc

9,640,011

1,374,820,000

35.29

Nhân dân tệ (CNY)

Ấn Độ

3,287,240

1,284,480,000

14.59

Rupee Ấn Độ (INR)

Brasil

8,515,767

203,062,512

4.27

Real Brazil (BRL)

Cộng hòa Nam Phi

1,221,037

58,048,332

1.03

Rand Nam Phi (ZAR)

Ai Cập

1,010,408

105,231,000

1.90

Bảng Ai Cập (EGP)

Ethiopia

1,104,300

105,163,988

0.431

Birr Ethiopia (ETB)

Iran

1,648,195

79,011,700

1.85

Rial Iran (IRR)

Ả Rập Xê Út

2,149,690

38,401,000

2.35 

Riyal Ả Rập Xê-Út (SAR)

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

83,600

4,106,427

0.948

Dirham (AED)

Thành viên đăng ký

Đến nay, tổng cộng có 15 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS, bao gồm:

  • Algeria (nộp đơn năm 2022)
  • Bahrain
  • Bangladesh (nộp đơn năm 2023)
  • Belarus (nộp đơn năm 2023)
  • Bolivia (nộp đơn năm 2023)
  • Cuba (nộp đơn năm 2023)
  • Kazakhstan (nộp đơn năm 2023)
  • Kuwait (nộp đơn năm 2023)
  • Pakistan (nộp đơn năm 2023)
  • Palestine (nộp đơn năm 2023)
  • Sénégal (nộp đơn năm 2023)
  • Thái Lan
  • Venezuela (nộp đơn năm 2023)
  • Việt Nam (nộp đơn năm 2023)

Các ứng viên tiềm năng khác

Ngoài các nước đã đăng ký, một số quốc gia khác cũng được xem xét là ứng viên tiềm năng để gia nhập BRICS, bao gồm Afghanistan, Angola, Comoros, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Guinea-Bissau, Libya, Myanmar, Nicaragua, Nam Sudan, Sudan, Syria, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia, Uganda, và Zimbabwe.

Việc mở rộng thành viên này cho thấy sức hút ngày càng lớn của BRICS trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu, đồng thời củng cố vai trò của tổ chức này như một đối trọng với các khối kinh tế lớn khác. 

Các nhà lãnh đạo 

Các nhà lãnh đạo quốc gia nhóm BRICS đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hướng phát triển và ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao.

Các nhà lãnh đạo quốc gia nhóm BRICS
Các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia lớn trong nhóm BRICS

Dưới đây là danh sách các nhà lãnh đạo quốc gia của nhóm BRICS tính đến năm 2024:

  • Brazil: Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva
  • Nga: Tổng thống Vladimir Putin
  • Ấn Độ: Thủ tướng Narendra Modi
  • Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình
  • Nam Phi: Tổng thống Cyril Ramaphosa
  • Ai Cập: Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi
  • Ethiopia: Thủ tướng Abiy Ahmed
  • Iran: Tổng thống Ebrahim Raisi
  • Ả Rập Xê Út: Thái tử Mohammed bin Salman (lãnh đạo thực tế của quốc gia)
  • Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất: Tổng thống Mohammed bin Zayed Al Nahyan

3. Lịch sử hình thành và phát triển của BRICS

BRICS khởi đầu với nhóm “BRIC” bao gồm 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc. Thuật ngữ “BRIC” do nhà kinh tế Jim O’Neill của Goldman Sachs đặt ra vào năm 2001 nhằm chỉ ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ của 4 quốc gia này, được dự đoán sẽ trở thành các động lực chính trong kinh tế toàn cầu.

  1. Giai đoạn hình thành (2001-2009):
  • Năm 2001, thuật ngữ BRIC xuất hiện và nhanh chóng trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm trong giới kinh tế và chính trị.
  • Năm 2006, BRIC tổ chức hội nghị không chính thức đầu tiên tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khẳng định sự hợp tác ban đầu giữa các thành viên.
  • Năm 2009, hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên diễn ra tại Yekaterinburg, Nga, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thiết lập các mục tiêu và tăng cường quan hệ hợp tác.
  1. Mở rộng thành viên và phát triển (2010-2023):
  • Năm 2010, Nam Phi được mời gia nhập nhóm và chính thức trở thành thành viên vào tháng 12 cùng năm. Nhóm được đổi tên thành BRICS để phản ánh sự hiện diện của quốc gia mới.
  • Kể từ khi Nam Phi tham gia, BRICS đã tổ chức các cuộc hội nghị thượng đỉnh thường niên, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tạo ra một nền tảng để các quốc gia thành viên phối hợp quan điểm trong các vấn đề quốc tế.
  • Năm 2014, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Fortaleza, Brazil, các thành viên BRICS đã ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Quỹ Dự trữ Khẩn cấp BRICS, nhằm cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên và đối tác.
  1. Mở rộng BRICS+ (2024):
  • Tại Hội nghị BRICS lần thứ 15 vào tháng 8 năm 2023 tại Nam Phi, BRICS quyết định mở rộng thành viên với lời mời gia nhập cho Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2024.
  • Quyết định này nhằm mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của BRICS, đối trọng với các khối kinh tế lớn khác và gia tăng hợp tác giữa các nền kinh tế mới nổi.
Mở rộng BRICS+ từ năm 2024
Mở rộng BRICS+ từ năm 2024

Các cuộc hội nghị thượng đỉnh BRICS nổi bật

BRICS tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên từ năm 2009, luân phiên giữa các quốc gia thành viên. Dưới đây là một số hội nghị quan trọng:

  • 2009 – Yekaterinburg, Nga: Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRIC, đánh dấu cam kết chính thức giữa các quốc gia thành viên và đặt nền móng cho hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh.
  • 2011 – Sanya, Trung Quốc: Đây là hội nghị đầu tiên với sự tham gia của Nam Phi, chính thức đánh dấu sự chuyển đổi từ BRIC sang BRICS.
  • 2014 – Fortaleza, Brazil: Thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Quỹ Dự trữ Khẩn cấp, tạo nền tảng tài chính quan trọng để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong các dự án phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng tài chính.
  • 2017 – Hạ Môn, Trung Quốc: Tuyên bố Hạ Môn nhấn mạnh về sự cần thiết của một hệ thống kinh tế đa cực, cải cách cơ chế quản trị toàn cầu và tăng cường vai trò của các nước mới nổi.
  • 2023 – Johannesburg, Nam Phi: Quyết định mở rộng BRICS+ với các thành viên mới, nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng của BRICS trong bối cảnh địa chính trị quốc tế.
Các cuộc hội nghị thượng đỉnh BRICS nổi bật
Các cuộc hội nghị thượng đỉnh BRICS nổi bật

BRICS tiếp tục phát triển với mục tiêu trở thành một lực lượng kinh tế toàn cầu, thúc đẩy một hệ thống tài chính và thương mại đa cực, trong đó các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Các hội nghị thượng đỉnh của BRICS là cơ hội để các quốc gia thành viên điều phối chính sách, hợp tác chặt chẽ và xây dựng một khối đối trọng với các tổ chức và khối kinh tế truyền thống như G7.

4. BRICS và cuộc cách mạng phi đô la hoá

Phi đô la hoá là gì?

Phi đô la hoá là xu hướng đa dạng hoá hệ thống tiền tệ toàn cầu, giảm sự phụ thuộc của một quốc gia vào đồng USD trong cả giao dịch kinh tế nội địa và quốc tế. Có thể nói, phi đô la hoá là mục tiêu lớn nhất của khối BRICS để giảm sức mạnh đồng USD và cân bằng lại sức mạnh chính trị trước cường quốc Mỹ. 

Phi đô la hoá là gì?
Phi đô la hoá là gì?

Khối BRICS đã làm gì?

Là một tập hợp những ông lớn ở phía đối cực với Mỹ, Nga và Trung Quốc, Ấn Độ là những thành viên chủ chốt trong khối BRICS thổi bùng cuộc cách mạng phi đô la hoá.

  • Nga đang đi đầu trong nỗ lực của BRICS nhằm giảm phụ thuộc vào USD trong giao dịch quốc tế. Nga đề xuất hệ thống tài chính mới để thay thế giao dịch bằng USD. Giải pháp thay thế được Nga nhắc đến là nền tảng thanh toán mới dựa trên công nghệ blockchain và sử dụng các mã thông báo kỹ thuật số được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ quốc gia của các nước tham gia
  • Các nước BRICS chủ chốt như Trung Quốc và Nga đang giảm tỷ trọng USD trong hoạt động ngoại thương, tăng tỷ trọng sử dụng đồng nội tệ Trung Quốc (Nhân dân tệ) và đồng Rúp Nga. Hơn 95% thỏa thuận song phương giữa Nga và đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc được thực hiện bằng các loại tiền tệ quốc gia – Trích lời thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết vào tháng 8/2024.
  • Thỏa thuận thanh toán giữa Nga và Ấn Độ (INR) cũng là một diễn biến mới trong chiến dịch này.
  • Tại hội nghị thượng đỉnh 2024, BRICS cũng đã đề xuất sử dụng Bitcoin cho các khoản thanh toán quốc tế. Đầu năm 2024, Nga đã thu hút chú ý khi gỡ bỏ lệnh cấm tiền điện tử để tăng cường áp dụng, tạo tiền đề cho việc sử dụng đồng “vàng số” này trong hoạt động giao dịch quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng đồng tiền chung BRICS có thể thay thế USD, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Tuy nhiên, hiện tại đồng tiền chung BRICS vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Chúng ta cùng chờ đợi những diễn biến tiếp theo về vấn đề này. 

5. Đồng tiền chung BRICS

Các nước BRICS đang thảo luận về khả năng tạo ra đồng tiền chung, nhưng hiện tại vẫn chưa có đồng tiền chung chính thức. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng đồng tiền chung này đang được nghiên cứu và có thể sẽ được bảo đảm bằng vàng theo chế độ bản vị vàng. Các chuyên gia tin rằng đồng tiền chung BRICS có thể làm thay đổi cán cân quyền lực của đồng USD trên thị trường thương mại quốc tế.

Đồng tiền chung BRICS hiện đang trong giai đoạn thảo luận và thống nhất
Đồng tiền chung BRICS hiện đang trong giai đoạn thảo luận và thống nhất

Tóm tắt về đồng tiền chung BRICS:

  • Năm ra đời: Chưa có. Hiện đang trong giai đoạn thảo luận và thống nhất.
  • Mục đích ra đời: Trở thành đồng tiền chung để sử dụng trong thương mại quốc tế, giảm phụ thuộc vào đồng Đô la Mỹ và tăng cường sức mạnh cho các nước thuộc khối BRICS
  • Tiến độ: Dự kiến, nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, đồng tiền chung BRICS có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2027.

Tiềm năng của đồng tiền chung BRICS

Hiện tại, đồng tiền chung BRICS vẫn đang trong giai đoạn thảo luận và chưa được phát hành chính thức. Các quốc gia BRICS đang nghiên cứu và thảo luận về các khía cạnh kỹ thuật và kinh tế để đảm bảo tính khả thi của đồng tiền này.

Thành công của đồng tiền chung BRICS sẽ được xác định bởi:

  • Sự tham gia và thống nhất của các nước thành viên BRICS
  • Sức mạnh kinh tế của các nước BRICS so với Mỹ

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang một hệ thống tiền tệ mới sẽ không dễ dàng và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời cần nhiều thời gian để chuyển đổi thế độc tôn của USD sang một mạng lưới tiền tệ đa cực hơn. 

Những thách thức cho đồng tiền chung BRICS:

  • Các nước BRICS có nền kinh tế và chính trị rất khác nhau, việc thống nhất một đồng tiền chung sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và thỏa hiệp.
  • Việc ra đời của đồng tiền BRICS có thể gây ra sự phản ứng từ các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây.
  • Để có thể cạnh tranh với USD, đồng tiền chung BRICS cần phải đảm bảo được sự ổn định và được tin tưởng bởi các nhà đầu tư.

Tác động của đồng tiền chung BRICS tới kinh tế toàn cầu

Với tham vọng thay thế USD – 1 đồng tiền được coi như đơn vị tiền tệ chung của thế giới, việc ra đời của đồng tiền chung BRICS hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi sâu sắc và toàn diện cho hệ thống tài chính toàn cầu. Sự ra đời của đồng tiền chung được cho rằng sẽ:

  • Thách thức vị thế thống trị của USD: Đồng tiền chung BRICS được kỳ vọng sẽ cạnh tranh trực tiếp với USD, làm giảm sự phụ thuộc của các quốc gia vào đồng đô la Mỹ. Điều này sẽ tăng cường tính đa dạng trong hệ thống tiền tệ quốc tế và giảm thiểu rủi ro cho các quốc gia.
  • Tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước BRICS: Đồng tiền chung sẽ thúc đẩy giao thương và đầu tư giữa các nước thành viên BRICS, tạo ra một thị trường chung lớn mạnh.
  • Thay đổi cán cân quyền lực kinh tế: Sự ra đời của một đồng tiền mới có thể làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu, giảm sự ảnh hưởng của các nước phương Tây.
  • Tạo ra một hệ thống tài chính quốc tế mới: Đồng tiền chung BRICS có thể là nền tảng cho một hệ thống tài chính quốc tế mới, độc lập hơn và dân chủ hơn.
  • Ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa toàn cầu: Giá cả hàng hóa toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong cán cân cung cầu do việc sử dụng đồng tiền mới.
  • Ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối: Biến động đáng kể của tỷ giá hối đoái USD đối với các đồng tiền khác là không thể tránh khỏi. Các nhà giao dịch ngoại hối cần lưu ý tin tức về tiến độ triển khai đồng tiền chung BRICS để chủ động trong giao dịch. 

Tóm lại, việc ra đời của đồng tiền chung BRICS là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Nó sẽ tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Tác động thực tế của đồng tiền này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả các quyết định chính sách của các quốc gia thành viên BRICS và các diễn biến của nền kinh tế toàn cầu.

6. Việt Nam và BRICS

Việt Nam gia nhập BRICS

Việt Nam hiện tại không phải là thành viên của BRICS.

Mặc dù Việt Nam hiện chưa chính thức là thành viên của BRICS, đại diện Việt Nam đã nhiều lần tham dự các cuộc họp, hội nghị của khối BRICS. Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng diễn ra vào tháng 10 năm 2024 tại Liên bang Nga.

Chuyến công tác tại Nga của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động quan trọng, nhằm “triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” – theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Cũng theo ông Sơn, chuyến công tác của Thủ tướng còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam hiện tại không phải là thành viên của BRICS.
Việt Nam hiện tại không phải là thành viên của BRICS.

Việt Nam có dự định gia nhập BRICS không?

Hiện tại chưa có thông tin chính thức về việc Việt Nam có chính thức xin gia nhập BRICS hay không. Tuy nhiên, việc đại diện Việt Nam tham dự các hội nghị của BRICS là dấu hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm của Việt Nam đối với khối này. 

7. Tạm kết

Có thể thấy tiềm năng BRICS tiếp tục mở rộng và phát triển là vô cùng lớn. Tổ chức quốc tế này đã và đang thu hút thêm sự tham gia của các quốc gia khác để cùng hướng đến một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng và bền vững hơn. Việc hiểu rõ BRICS là gì, tiềm năng phát triển và những tác động của nó đối với kinh tế thế giới sẽ là chìa khóa để nắm bắt những cơ hội mà khối này có thể mang lại trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu ngày càng mạnh mẽ.

Đọc tiếp
Câu hỏi thường gặp

Khối BRICS gồm những nước nào?

BRICS hiện bao gồm các quốc gia thành viên sau: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, cùng với các thành viên mới từ năm 2024 là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

BRICS là viết tắt của từ gì?

BRICS là từ viết tắt được ghép từ chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của năm quốc gia sáng lập: Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung Quốc), và South Africa (Nam Phi). Khi Nam Phi gia nhập vào năm 2010, nhóm được đổi tên từ BRIC thành BRICS để phản ánh sự mở rộng này.

Ai sáng lập ra khối BRICS?

Khối BRICS không có người sáng lập cá nhân, mà được hình thành từ khái niệm của nhà kinh tế Jim O'Neill của Goldman Sachs vào năm 2001, người đã đặt ra thuật ngữ "BRIC" để chỉ các nền kinh tế mới nổi với tiềm năng phát triển vượt bậc. Từ đó, các quốc gia này đã chính thức hợp tác và tổ chức hội nghị BRIC đầu tiên vào năm 2009, đánh dấu sự hình thành chính thức của khối.

SHARES